(Tin Môi Trường) - Tại khu vực miếu Bằng Lăng (ấp Phú Hiệp, TT.Chợ Vàm, H.Phú Tân, An Giang) có 3 cây bằng lăng hàng trăm năm tuổi. Người dân địa phương, dù già hay trẻ, đều xem các cây cổ thụ này là quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh.
Đến tham quan cụm bằng lăng, rất nhiều người không khỏi thắc mắc vì sao 3 cây thẳng hàng và cách đều nhau. Sự sắp đặt hoàn hảo này do tạo hóa ban hay có người trồng thì chưa ai biết rõ. Bởi lúc 3 cây được phát hiện thì gia tộc họ Phan đã sang đời thứ 9 (gia tộc lâu đời bậc nhất ở TT.Chợ Vàm - PV).
Cụm bằng lăng được công nhận Cây di sản VN vào năm 2018 - ẢNH: THANH DUY
Ông Cao Thanh Hùng (Tư Hùng, 67 tuổi), Phó ban Quản miếu Bằng Lăng, cho biết năm 1926, miếu dời về ấp Phú Hiệp thì 3 cây bằng lăng đã cao sừng sững. Thế hệ ông cũng chỉ biết lai lịch của cây qua truyền ngôn dân gian và lời kể gia đình.
Điều lạ lùng là 3 cây bằng lăng có hoa khác nhau về màu sắc, lần lượt là tím nhạt, tím đậm, hồng. Năm 2018, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN công nhận là Cây di sản VN, thuộc hàng hiếm ở Nam bộ. Thời điểm đó, 1 cây ước tính trên 215 tuổi, 2 cây trên 305 tuổi, chiều cao trung bình hơn 8 m, chu vi thân cây tại độ cao cách mặt đất 1,3 m là 4 m. Hoa nở vào độ tháng 2 âm lịch, kéo dài hơn 1 tháng, làm nổi bật cả góc trời. Người địa phương xem 3 cây bằng lăng như 3 ông Phúc - Lộc - Thọ, mang đến những điều tốt đẹp mọi người.
Theo thời gian, lõi cây bị mục, tạo thành những hốc hang mà khách tham quan có thể chui vào. Có cây ruột rỗng lớn, chứa được 2 - 3 người. Mắt thường có thể thấy một phần thân cây tách khỏi bộ rễ, mưa gió bào mòn tạo thành hình thù độc đáo như thạch nhũ. "Chỉ còn lớp da (vỏ cây - PV), nhưng các cụ vẫn nuôi nhánh, cành phát triển xanh tốt. Năm nào hoa cũng nở đúng hẹn, che kín cả lá. Hai cây hoa màu tím đã cho giống nòi. Không hiểu sao cây hoa màu hồng mãi chưa có nguồn kế thừa", ông Hùng chia sẻ.
Mỗi gốc bằng lăng đều được xây hàng rào kiên cố bảo vệ. Ngoài lá rụng được người dân quét dọn, hầu như không ai dám tự ý bẻ cành. Theo ông Cao Văn Hậu (48 tuổi, người dân địa phương), điều này bắt nguồn từ những câu chuyện tâm linh được lưu truyền qua nhiều đời. Có nông dân xin bẻ 3 cành cây, nhưng bẻ tới 4 cành thì sau đó lâm bệnh nặng. Có người không xin phép mang nhánh về làm củi thì bị "phạt" không thể vào nhà. Hay chuyện cây chỉ ngã đổ khi trời đứng gió... Từ những điều kỳ lạ, mọi người dần hình thành tín ngưỡng, muốn làm gì cũng phải xin phép "Bà".
Che chở Mẹ VN anh hùng
Theo ông Hùng, miếu Bằng Lăng có từ năm 1859. Bấy giờ, có 4 người trạc ngũ tuần từ miền Trung vào, trên vai mang túi vải cùng 1 bức lụa ngang 1,5 m, chiều đứng 1 m, trên lụa có hình vẽ. Trong hình vẽ 7 bà, gồm: 1 bà ngồi giữa - hình lớn, tương truyền là bà Thiên Hậu (Thượng Động Cố Hỷ); 6 hình nhỏ, mỗi bên 3 bà tì nữ trong tư thế ngồi. So với những nơi đã đi qua, 4 ông cho rằng vùng đất này phù hợp nhất nên quyết định giao bức lụa để lập miếu thờ bà. Lúc đó, ông Trần Hữu Quận đứng ra đảm trách nhận bức lụa, duy trì lễ cúng vào ngày 15 - 16.3 âm lịch hằng năm.
Trước đây, miếu Bằng Lăng nằm giáp ranh giữa 2 xã Phú An cũ và Phú Lâm cũ. Thực dân Pháp nghi hoạt động cách mạng nên chống phá, ban tổ chức buộc phải di dời miếu. Bấy giờ ông Phan Văn Hiền (ông cố Bảy) đại diện đội lư hương về xã Phú Lâm cũ thờ phượng (nay là TT.Chợ Vàm), lấy tên là miếu Phú Hữu. Ngẫu nhiên có người đàn ông từ miền ngoài vào, bảo được báo mộng rằng vùng này có 3 cây bằng lăng cổ thụ, là địa điểm linh thiêng để lập miếu. Nghe theo lời khuyên, người dân đi tìm, phát hiện 3 cây bằng lăng và đổi luôn tên là miếu Bằng Lăng.
Từ năm 1926, bức vẽ 7 bà không còn vì hư hỏng. Chánh điện chỉ lưu chữ "Thiên Y Tiên Nương". Trước năm 1945, miếu trở thành trường học ấp Phú Hữu cũ để xóa mù chữ. Ngôi trường đã đào tạo ra nhiều nhân tài, đóng góp cho hoạt động cách mạng. "Trong kháng chiến chống Mỹ, bộng cây bằng lăng đã che chở cho Mẹ VN anh hùng Phan Thị Yết. Lần đó, địch mở trận càn quét, định truy lùng vào cụm cổ thụ thì mưa to đùng đùng. Kẻ địch thấy địa thế hiểm trở, thêm phần sợ chuyện tâm linh nên không dám tiến sâu vào. Mẹ Yết đã cúng 1 năm hát bội để tạ ơn Bà phù hộ", ông Hùng kể lại.
Ông Hùng cho biết ngày nay, với không gian rộng rãi và mát mẻ của 3 cây cổ thụ, thầy cô Trường tiểu học "B" TT.Chợ Vàm (điểm lẻ 1) hỏi mượn chỗ để dạy môn thể dục. Học sinh và người dân qua lại thường xuyên nên không khí rất tươi vui, cảnh quan được giữ sạch đẹp. "Các cháu còn nhỏ nhưng đã được giáo dục ý thức giữ gìn, bảo vệ 3 cây bằng lăng. Những chuyện kể xung quanh cũng giúp các cháu cũng biết thêm phần nào về lịch sử, yêu quê hương của mình hơn. Người dân địa phương dù già hay trẻ cũng đều xem cụm cổ thụ là quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh", ông Hùng bộc bạch.