(Tin Môi Trường) - Giàn gừa ở ấp Nhơn Khánh (xã Nhơn Nghĩa, H.Phong Điền, TP.Cần Thơ) được xem là có một không hai trong cả nước, bởi từ một thân cây cái mà các nhánh to lớn vươn rộng ra hàng ngàn mét vuông.
Tấm lưới khổng lồ
Giàn gừa nằm trong Khu di tích lịch sử Giàn Gừa (được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố vào tháng 4.2013). Đường từ cổng vào, một bên là tường rào cẩn đá, bên còn lại giáp với dòng kênh. Những tán lá gừa rậm rạp trên đầu tạo không gian trong lành, mát mẻ. Nhiều nhánh gừa vươn ra khỏi hàng rào, sà rễ xuống bờ kênh như những chiếc vòi hút nước. Nhánh nào chạm đất thì bén rễ, cây con nhú lên, cảm giác giàn gừa sẽ còn lan rộng thêm nữa.
Mỗi ngày, miếu Bà Cố Hỉ đều có khách tham quan đến thắp nhang, cúng viếng - ảnh: THANH DUY
Qua đoạn đường hoang sơ này, mặt tiền khuôn viên là miếu thờ Bà Thượng Động Cố Hỉ (gọi tắt là Bà Cố Hỉ). Bao quanh miếu là một giàn gừa nguyên sinh vững chắc với nhiều nhánh đan xen, quyện chặt, tạo thành tấm lưới tự nhiên khổng lồ. Dệt nên tấm lưới này là rất nhiều nhánh gừa đơn thân, dài khoảng 6 - 7 m, xòe tán lá vươn lên trên bầu trời như những "cánh tay" siêu dài trong cổ tích. Cạnh gốc gừa, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường VN đặt biển tôn vinh là Cây di sản VN vào ngày 13.6.2013.
Dẫn chúng tôi tham quan, bà Nguyễn Thị Thới (68 tuổi), Phó ban Quản lý Khu di tích lịch sử Giàn Gừa, cho biết giàn gừa đã trên 150 năm tuổi, thuộc thế hệ thứ 2. Giữa thế kỷ 19, nơi đây đã có giàn gừa rộng chừng 1 ha. Năm Đinh Tỵ (1857), có một nông dân tên là Nguyễn Văn Thành từ miền Bắc vào khai phá đất hoang, đắp đập làm ruộng rồi lập nghiệp luôn ở đây. Dần dà, ông có nhiều của cải nên người dân còn gọi là ông cả Thành.
Từ một thân cây cái, các nhánh của giàn gừa vươn rộng ra hàng ngàn mét vuông -Ảnh: THANH DUY
Đến đời cháu ông cả Thành canh tác lúa, lúc đốt đồng không may xảy ra hỏa hoạn, thiêu rụi hết giàn gừa. Từ đó, không hiểu vì lý do gì mà con cháu ông bị bệnh chết rất nhiều. Có ông thầy Bảy từ trên núi xuống, nghe câu chuyện thì bảo giàn gừa là nơi Bà ngự. Bà không còn chỗ nương náu nên phật lòng trừng phạt. Con cháu ông cả Thành vâng lời trồng lại giàn gừa, lập miếu thờ Bà Cố Hỉ. Kể từ đó, tai họa không còn giáng xuống dòng họ ông nữa. Người dân tin chuyện miếu giữ cây, nên chỉ ra sức bảo vệ, chăm sóc cây chứ không dám chọc phá, đốn hạ.
Sức sống mãnh liệt
Thuở đầu, miếu Bà Cố Hỉ được cất đơn sơ bằng lá, đến năm 1996 được xây bê tông kiên cố. Miếu có diện tích chỉ khoảng 4 m2, sơn nền vàng, lọt thỏm trong khuôn viên giàn gừa rộng 2.740 m2 nên tạo cảm giác huyền ảo, linh thiêng. Sau này, dân làng đắp thêm tượng 2 con kỳ lân đón khách vào đôi hắc hổ - bạch hổ hầu cạnh miếu Bà. Lễ hội chính trong năm diễn ra vào ngày 28.2 âm lịch. Đây cũng là thời gian người xưa trồng lại giàn gừa và lập miếu Bà Cố Hỉ. Sáng có múa bóng rỗi, cúng heo trắng, bông, hoa, trà, quả, chè, xôi. Trước năm 2013, phong tục cúng là 2 năm liền cúng đầu heo, 1 năm cúng cả con heo, cứ thế xoay vòng. Hiện chỉ cúng cả con heo, nhưng phải chọn con trên 100 kg.
Hình thù độc đáo của giàn gừa - ảnh: THANH DUY
Bên cạnh đó, tại Khu di tích còn có 2 lễ phụ vào ngày 27.7 (ngày Thương binh - Liệt sĩ) và ngày 22.12 (ngày thành lập Quân đội nhân dân VN). Bởi, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, địa hình hiểm yếu của giàn gừa đã được chọn làm căn cứ cách mạng. Nơi đây diễn ra nhiều cuộc họp triển khai các kế hoạch, nghị quyết, chỉ thị của Khu ủy, Tỉnh ủy Cần Thơ; đồng thời là nơi cất giấu vũ khí, tập kết, chuyển quân… Đặc biệt, trong thời gian từ 1961 - 1965, giàn gừa đã che chở để quân và dân mở thành công các khóa đào tạo huấn luyện biệt động nội thành.
Hiện, nhiều cành gừa còn in hằn vết tích của chiến tranh với những vết đứt, loang lổ vì ảnh hưởng bom đạn. Tuy nhiên, những cành gừa bị tổn thương vẫn đâm chồi mãnh liệt, vươn mình tỏa bóng mát. Thực tế, giàn gừa chỉ có một gốc (cây cái), nhưng điều kỳ lạ là nhánh nào vươn ra xa và chạm đất cũng cắm rễ trở thành gốc mới. "Đối với tôi, đây là thắng cảnh đẹp, rất thoải mái, yên bình. Tuy gừa là loại cây rất phổ biến, nhưng tôi chưa thấy nơi nào có hình thù độc đáo, đẹp mắt thế này", anh Trần Phú Sang (23 tuổi, khách du lịch từ TP.HCM) chia sẻ.
Khu di tích lịch sử Giàn Gừa thu hút rất nhiều khách tham quan - ảnh: THANH DUY
Theo bà Thới, giàn gừa vừa là chứng nhân lịch sử đấu tranh cách mạng, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng. Trong khuôn viên khu di tích còn có Đền thờ Bác Hồ, thu hút khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Đông vui nhất là các ngày lễ, tết và rằm tháng giêng, tháng 7 và tháng 10 âm lịch hằng năm. Năm ngoái 2022, tổng lượt khách đến Khu di tích lịch sử Giàn Gừa khoảng 15.000 người, số tiền cúng gần 70 triệu đồng. Nguồn kinh phí này được ban quản lý dùng vào những phần việc ý nghĩa như: nâng cấp khu di tích, ủng hộ bà con vùng bão lũ, người nghèo, thanh niên đi nghĩa vụ quân sự và các chương trình hướng về người tù kháng chiến, người tù Côn Đảo…(