(Tin Môi Trường) - Không chỉ mang hình thù độc đáo, mỗi cây di sản đều có nguồn gốc gắn liền với lịch sử hình thành nên các vùng đất, đình, miếu, cổ tự, di tích lịch sử - văn hóa. Hằng năm, tại những cây di sản đều có tục lệ thờ cúng, lễ hội mang dấu ấn tín ngưỡng dân gian, thu hút khách du lịch.
Hơn 300 năm tồn tại, cây lộc vừng ở ấp Long Hòa B ( xã Long Thạnh, H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) được xem là "nhân chứng" về lịch sử khai hoang lập ấp, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân địa phương.
Câu chuyện ly kỳ về cặp "rắn lạ"
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cây lộc vừng này có tuổi thọ và kích thước khủng bậc nhất miền Tây. Thân cây có hốc hang lớn ăn sâu vào lõi, được nâng đỡ bằng trụ xi măng cao và dài. Người dân bảo đó là lão mộc "chống gậy" để chịu đựng sự tác động của thời gian.
Hốc hang lớn trong thân cây chính đã chết nhưng luôn gợi sự tò mò cho du khách khi đến tham quan cây lộc vừng
Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác chăm sóc, bảo vệ cây lộc vừng. Xung quanh gốc cây lúc nào cũng được người dân giữ sạch sẽ. Ngày 11.4.2017, cây lộc vừng trở thành niềm tự hào của người dân xã Long Thạnh khi được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường VN công nhận là Cây di sản VN.
Thời điểm đó, cây có chiều cao 22 m, chu vi gốc 4,6 m, đường kính 1,5 m và tán rộng gần 100 m2. Cây có 3 thân, nhưng thân chính đã chết, chỉ còn 2 thân nhánh cùng bộ rễ mọc tách rời nhau khoảng 30 cm. Hiện, gốc thân chính vẫn còn vết tích của một cái hang lớn. Liên quan vết tích này, người dân cho rằng do ảnh hưởng của bom đạn trong kháng chiến chống Mỹ, nhưng câu chuyện được kể nhiều hơn hết đó là nơi tá túc của cặp "rắn lạ".
Ông Lê Văn Thông (73 tuổi, ấp Long Hòa B) cho biết xưa kia chỗ cây lộc vừng mọc là vùng đất hoang vu, lau sậy um tùm, vắng vẻ. Từ con rạch chỉ có vài nhà dân ở, đi sâu vào gần 100 m mới tới cây lộc vừng nên không gian vắng vẻ, thâm u. Nơi này ngập nước, cá mắm dồi dào nên người dân hay tới cắm câu, bắt cá. Nhiều người thấy cặp rắn bò trườn dưới gốc cây lộc vừng. "Tôi cũng thấy một lần, nhưng không ai dám lại gần để nhìn cho rõ chúng thế nào. Tuy nhiên, hình ảnh mọi người thấy rất giống nhau. Cặp rắn có kích thước không lớn nhưng lạ là trên đầu có gì đó nhô lên rất giống mào gà", ông Thông kể.
Bà Bùi Thị Ương (51 tuổi, xã Long Thanh), người được giao nhiệm vụ trông coi cây lộc vừng, cho biết nhiều lần chứng kiến người khác hoảng sợ khi thấy cặp rắn. Có người không dám tới nơi này bắt cá nữa, thậm chí bỏ nghề. Dân làng thấy điềm lạ ở cây lộc vừng khổng lồ nên lập miếu thờ Bà chúa Xứ và Phật Quan Âm để mong điều lành. Từ đó, không ai còn thấy cặp rắn nữa nên họ tin vào chuyện "Bà ngự trên cây" trấn ngự điều ác. Sau này, thân chính bị mưa gió quật ngã, người dân không dám mang đi nơi khác và cũng không dám làm điều gì tổn hại đến cây.
Cây lộc vừng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân địa phương
Buồn lo khi cây không ra hoa
Cây lộc vừng được xem là nhân chứng cho suốt thời kỳ lập ấp vùng đất Long Hòa B. Khi cặp rắn bỏ đi, người dân dần dần vào khai hoang, làm ruộng, trồng cây trái quanh năm. Một sự thay đổi thấy rõ là nhà dân mọc lên ngày một nhiều, đời sống ngày càng xôm tụ. Từ đó, cây lộc vừng trở thành nơi gửi gắm niềm tin tâm linh. Nhiều người cầu được ước thấy, ăn nên làm ra nên trả lễ và tạ ơn cây cổ thụ. Hằng năm, vào ngày 16.3 (âm lịch), người dân trong và ngoài tỉnh tổ chức hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh giá trị tinh thần cây lộc vừng mang lại.
Trước kia, khi chưa có điện, người dân thắp đèn măng xông để tổ chức các hoạt động lễ hội diễn ra tại gốc cây. Ngày nay, tối 15.3 diễn ra chương trình văn nghệ, đờn ca tài tử. Sáng 16.3 là chính lễ, có múa bóng rỗi, cúng xôi, chè, heo quay… Khách thập phương kéo đến đông đúc, cầu "thần cây" cho lộc để được ấm no, hạnh phúc. Dần dà, nó trở thành một điểm nhấn của ngành du lịch tại Hậu Giang. Sau này, tỉnh quy hoạch hẳn khu đất rộng 3.000 m2 để bảo tồn cây di sản. Khu miếu thờ Bà chúa Xứ và Phật Quan Âm được xây dựng lại ở vị trí gần đó, khang trang và kiên cố hơn để phục vụ đời sống tâm linh của người dân.
Theo người dân, cây lộc vừng này thuộc loại lá nhỏ. Cây có hoa màu đỏ đẹp mắt, là biểu tượng cho sự tài lộc, sung túc. Cây nở hoa thì bà con phấn khởi, bởi theo họ đó là dấu hiệu của một mùa bội thu, làm ăn khấm khá. Năm nào cây không ra hoa người dân buồn rầu, lo lắng việc làm ăn thất bát. Nhiều người hái lá cây để cầu may mắn, tiền tài. Những người có ruộng vườn, ao tôm thì hái lá cắm xung quanh để mong làm ăn thuận lợi, suôn sẻ. Dưới gốc cây lộc vừng người dân còn thờ Chư vị thần mộc, Ngũ hổ sơn thần.
Ông Nguyễn Thanh Sáng, Chủ tịch UBND xã Long Thạnh, cho biết H.Phụng Hiệp đang có sự đầu tư để chỉnh trang, nâng cấp khu vực bảo tồn cây di sản. Mới đây đã chỉ đạo một số đơn vị trồng hơn 1.000 chậu bông để làm đẹp khuôn viên. Cây lộc vừng nằm sâu trong vùng nông thôn, đường đi khó khăn nhưng mỗi năm vào dịp cúng lễ, viếng tết thu hút đến vài trăm người. Địa điểm này rất có tiềm năng phát triển du lịch, kinh tế. Nếu hạ tầng giao thông ở địa phương được tỉnh, huyện đầu tư, mở rộng để nhiều phương tiện xe lớn vào được thì lượng khách sẽ còn đông hơn.