Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Công tác tham mưu quản lý đa dạng sinh học phải gắn với thực tiễn

(03:54:31 AM 30/12/2023)
(Tin Môi Trường) - Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, với đặc trưng lĩnh vực quản lý, lãnh đạo và cán bộ Cục cần gắn công tác tham mưu chính sách với thực tiễn, đưa ra những ý tưởng hay, cách làm mới, tránh hô khẩu hiệu.

Chia sẻ về các kết quả công tác trong năm 2023, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học Nguyễn Văn Tài cho biết: Năm 2023 là năm đầu tiên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đi vào hoạt động với vị trí là đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, sự phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị trực thuộc Bộ, sự vào cuộc của tập thể lãnh đạo Cục và sự nỗ lực của toàn thể công chức, viên chức, người lao động, công tác quản lý nhà nước về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đã đạt được những kết quả bước đầu. Ngay từ đầu năm, tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ sớm được kiện toàn, đi vào hoạt động ổn định, thông suốt.

 

Công tác tham mưu quản lý đa dạng sinh học phải gắn với thực tiễn
Quang cảnh hội nghị
 
Trong năm 2023, Cục đã tổ chức rà soát các quan điểm, chủ trương định hướng, quy định pháp luật và các điều ước quốc tế để tham mưu trong việc định hình rõ ràng và thống nhất công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nói chung và công tác quản lý nhà nước nói riêng.
 
Theo Cục trưởng Nguyễn Văn Tài, Cục đã hoàn thành công tác xây dựng văn bản được giao, trọng tâm là Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình quốc gia về bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Bộ trưởng ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu môi trường; triển khai xây dựng Đề án tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các khu di sản thiên nhiên vùng Đông Nam Bộ.
 
Cục đã phối hợp với Vụ Môi trường đề xuất sửa đổi Nghị định 08 và phối hợp với Cục Kiểm soát ô nhiễm sửa đổi Thông tư 02; rà soát các bất cập, vướng mắc để đề xuất sửa đổi Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ về tiêu chí xác định loài, chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và quy định về đăng ký thành lập, cấp, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học của Nghị định số 65/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
 
Trong năm qua, Cục đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; hướng dẫn thực hiện công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tổ chức giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành về chấp hành pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học theo kế hoạch được giao. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện các cam kết, nghĩa vụ về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của đầu mối các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tham khảo kinh nghiệm, huy động nguồn lực và sự phối hợp, hỗ trợ cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong nước.
 
Cục cũng triển khai phối hợp với địa phương, cơ quan, tổ chức xử lý các vấn đề phát sinh trong việc quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tăng cường năng lực điều tra, quan trắc, giám sát, theo dõi và thông tin, dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
 
Chia sẻ về các cơ hội, thách thức trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Hoàng Thị Thanh Nhàn cho biết, vấn đề bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học đang được quan tâm trên quy mô toàn cầu, đặc biệt sau khi Hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (COP15) năm 2022 thông qua Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu, nhằm thúc đẩy các quốc gia trên thế giới cùng nỗ lực đảo ngược xu hướng suy thoái đa dạng sinh học hiện nay. Việt Nam có lợi thế giá trị đa dạng sinh học cao. Trong thời gian dần đây, công tác bảo tồn cũng ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ.
 
Hiện nay, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học được nâng cấp thành đơn vị trực thuộc Bộ và có vị thế tốt hơn để thực hiện các quan hệ hợp tác. Tuy nhiên, thách thức đặt ra khi công tác quản lý nhà nước về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học hiện khó thống nhất do còn chống chéo giữa nhiều Bộ, ngành; các quy định liên quan cũng phân tán trong hệ thống pháp luật.
 
Trong năm 2024, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đề ra các nhiệm vụ, trong đó, trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học theo hướng xác định rõ đối tượng quản lý, kết hợp phương thức quản lý tổng hợp và quản lý trực tiếp. Bên cạnh đó, tham mưu tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phổ biến, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các quy hoạch, chương trình, kế hoạch, chỉ thị trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Xây dựng và triển khai Chương trình điều tra, kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn trên phạm vi cả nước; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; triển khai hiệu quả, bảo đảm tiến độ công tác kiểm tra chấp hành pháp luật...
 
Trong năm 2024, cùng với triển khai Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal tại Việt Nam, Cục sẽ chủ động tham gia và thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học mà Việt Nam đã ký kết, đồng thời, xây dựng trình Bộ xem xét, phê duyệt Đề án thiết lập đối tác về đa dạng sinh học và Dịch vụ hệ sinh thái; mạng lưới khu Ramsar, Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
 
Tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT đánh giá cao các kết quả của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, đồng thời đóng góp thêm các ý kiến để tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác bảo vệ môi trường. Các đơn vị đề xuất Cục cần triển khai xây dựng Đề án sửa đổi bổ sung Luật Đa dạng sinh học, trong đó cập nhật xu hướng quốc tế, chủ trương lớn của nhà nước và phân định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực của Bộ TN&MT với các Bộ, ngành khác.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ghi nhận và đánh giá cao việc thực hiện các nhiệm vụ được giao của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học. Đây có thể xem là “mảng xanh” của môi trường và rất khó, đòi hỏi cán bộ vừa phải có chiều sâu kiến thức vừa nắm chắc nghiệp vụ quản lý. Việc trở thành đơn vị trực thuộc Bộ đã tạo vị thế mới cho Cục, nhưng đồng thời cũng đề ra yêu cầu cao hơn cho công tác quản lý Nhà nước. Cùng với công tác chuyên môn, Cục cần đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng chính sách pháp luật, thanh tra, kiểm tra. Thứ trưởng đồng tình với đề xuất của các đơn vị và đề nghị Bộ trưởng cho phép Cục nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ để cuối năm 2024 đủ điều kiện trình dự án sửa đổi, bổ sung Luật Đa dạng sinh học 2008.
 
Bên cạnh đó, Thứ trưởng nhấn mạnh các nhiệm vụ triển khai Quy hoạch đa dạng sinh học sau khi được Chính phủ đồng bộ với Chiến lược. Trong bối cảnh quốc tế quan tâm, Cục cần chủ động đề xuất các nội dung hợp tác có lợi cho triển khai các nhiệm vụ và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước.
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhận định, mặc dù là đơn vị được sắp xếp lại, nhưng ngay từ đầu năm 2023, Cục đã nhanh chóng ổn định bộ máy và nhân sự, phân công phân nhiệm để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, dù khối lượng công việc trong năm 2023 rất lớn. Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chúc mừng và biểu dương, ghi nhận các kết quả công tác mà Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đạt được trong năm qua.
 
Với đặc trưng lĩnh vực quản lý, Bộ trưởng lưu ý lãnh đạo và cán bộ Cục cần gắn công tác tham mưu chính sách với thực tiễn, đưa ra những ý tưởng hay, cách làm mới, tránh hô khẩu hiệu. Thông thường, khi càng phát triển, thiên nhiên sẽ càng bị thu hẹp lại. Bài toán đặt ra cho cơ quan quản lý là phải làm gì để Việt Nam vừa phát triển bền vững vừa giữ gìn vốn tài nguyên và phát huy được các giá trị tự nhiên của đất nước.
 
Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học có sự giao thoa với nhiều lĩnh vực khác. Do đó, muốn công tác tham mưu có chất lượng, Cục cần phối hợp tốt với các Bộ, ngành, địa phương để nắm rõ thực trạng, trở thành cánh tay nối dài của Bộ. Đặc biệt, tham mưu cho lãnh đạo Bộ những nội dung trao đổi với địa phương trong các chuyến công tác về vấn đề gắn bảo tồn với phát triển kinh tế xã hội, từ bảo tồn để làm lợi cho người dân, cho địa phương.
 
Đặc biệt, giai đoạn hiện nay có thuận lợi là các tổ chức, đối tác quốc tế rất quan tâm và đã đề xuất sẽ hỗ trợ Việt Nam triển khai các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. Việc mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế vừa để học hỏi lẫn nhau, vừa giúp tăng cường hiệu quả, chất lượng công tác quản lý Nhà nước về bảo tồn.
 
Cùng với năm bắt thực tiễn, Bộ trưởng đề nghị Cục phối hợp với các đơn vị khác trong Bộ, đặc biệt là các đơn vị quản lý môi trường, tăng cường kiểm tra giám sát về thực hiện quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, ngăn chặn kịp thời các hành vi sai phạm và đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo Bộ xử lý nghiêm. Đồng thời, quan tâm nhân rộng các mô hình tích cực trong cộng đồng. Quan tâm tới công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của các cấp quản lý, của cộng đồng và lan tỏa tình yêu thiên nhiên, nhận thức đúng về bảo tồn thiên nhiên tới toàn xã hội.
 
Bộ trưởng đồng tình với đề xuất tổ chức đánh giá 15 năm thực hiện Luật Đa dạng sinh học, tạo tiền đề cho việc đề xuất, sửa đổi Luật Đa dạng sinh học năm 2008 theo hướng bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước phù hợp với điều kiện thực tiễn, bối cảnh trong nước và quốc tế.
 
Trên tinh thần phát huy các kết quả đạt được, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh yêu cầu tập thể lãnh đạo Cục tiếp tục tập trung công tác chính trị, tư tưởng, tạo sự đoàn kết thống nhất trong toàn bộ cán bộ, đảng viên để nỗ hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong năm 2024. Đặc biệt, phát huy tối đa năng lực, kinh nghiệm, trình độ của đội ngũ cán bộ Cục với hiểu biết sâu rộng về các vấn đề quản lý lĩnh vực.
(Theo báo TN&MT)