(Tin Môi Trường) - Một bài báo trên báo The Irrawaddy đăng vào tháng 12/2018 cho biết: Việc trưng bày và rước xá lợi tóc linh thiêng của Đức Phật chưa từng có trước công chúng của chính quyền khu vực Yangon (Myanmar) đã làm dấy lên lo ngại rằng, sợi tóc hơn 2.500 năm tuổi có thể bị hư hại.
Theo bài báo, trước đây xá lợi tóc của Đức Phật được cất giữ trong phòng di tích của chùa Botahtaung ở Yangon, nhưng vào ngày 1/4/2018, hộp tráp nhỏ đựng sợi tóc đã được đưa ra khỏi phòng dưới sự giám sát của Thủ hiến Yangon U Phyo Min Thein, một số tu sĩ Phật giáo và những người trông nom ngôi chùa.
Góc chụp chính ở chùa Botataung.
Ông U Sein Maw, Giám đốc Cơ quan các vấn đề tôn giáo khu vực Yangon cho biết, xá lợi tạm thời được đưa ra ngoài để sửa chữa căn phòng.
"Bên trong căn phòng cần được sửa chữa. Nước rò rỉ từ trần nhà", ông U Sein Maw nói.
Công trình kiến trúc tôn giáo này (tức chùa Botahtaung) ban đầu được người dân tộc Mon xây dựng cách đây 2.500 năm. Truyền thuyết kể rằng, hai anh em Tapussa và Bhalika đã gặp Đức Phật khi Ngài vừa mới giác ngộ và đã cúng dường Ngài.
Xá lợi tóc linh thiêng của Đức Phật được cất giữ tại chùa Botahtaung. Ảnh: The Irrawaddy
Đáp lại, Đức Phật đã tặng cho hai anh em 8 sợi tóc của Ngài để họ dâng lên Vua Yangon Okkalapa. Nhà vua ra lệnh xây chùa để cất giữ một số sợi tóc trong khi những sợi tóc khác được cất giữ tại chùa Shwedagon. Do có nhiều thánh tích của Đức Phật nên cả hai ngôi chùa đều trở thành trung tâm hành hương của các Phật tử.
Xá lợi tóc linh thiêng của Đức Phật được trưng bày trước công chúng tại một phòng cầu nguyện gần đó. Mặc dù việc trưng bày là cơ hội hiếm có để các Phật tử chiêm bái xá lợi linh thiêng nhưng các nhà bảo tồn lo ngại rằng điều gì đó tồi tệ có thể xảy ra với "bảo vật quốc gia" này trong quá trình rước và trưng bày.
Xá lợi sau đó được đưa đến một phòng cầu nguyện khác tại chùa Shwedagon ngày 19/4/2018 và được lưu giữ ở đó để trưng bày cho công chúng đến ngày 24/4.
"Một di vật quốc gia như xá lợi tóc linh thiêng có nên ở ngoài trong một thời gian dài hay không vì tính mỏng manh của nó? Lỡ nó vô tình bị hư hại trong quá trình rước và trưng bày thì sao", bà Daw Moe Moe Lwin, Giám đốc Quỹ Di sản Yangon nói.
"Tôi tự hỏi liệu các biện pháp phòng ngừa đã được thực hiện chưa?”, bà tự đặt câu hỏi.
Bà Daw Moe Moe Lwin cũng đề cập đến việc bảo quản xá lợi tại một ngôi chùa ở Kandy, Sri Lanka, nơi thánh tích Phật giáo quan trọng nhất của đất nước này - một chiếc răng của Đức Phật được cất giữ trong một căn phòng được bảo vệ nghiêm ngặt và chỉ mở cửa cho những Phật tử và khách du lịch trong thời gian cúng dường hoặc lễ bái.
“Ngay cả khi bạn ở trong phòng, bạn cũng không thực sự nhìn thấy chiếc răng. Nó được giữ trong một chiếc hộp bằng vàng, trong đó có sáu chiếc hộp với kích thước giảm dần", bà Daw Moe Moe Lwin cho hay.
Để giải quyết những lo ngại này, ông U Sein Maw, Giám đốc Cơ quan các vấn đề tôn giáo khu vực Yangon cho biết, họ đã có một kế hoạch kỹ lưỡng để bảo vệ xá lợi.
"Chúng tôi đã thảo luận về cách tốt nhất để đặt hộp chứa xá lợi vào xe và vận chuyển từ Botahtaung đến chùa Shwedagon”, ông nói. Ông U Sein Maw thêm rằng việc cải tạo phòng xá lợi là một phần trong kế hoạch trùng tu toàn diện ngôi chùa, bao gồm việc đúc lại toàn bộ vàng trên cấu trúc chùa.
Theo báo The Irrawaddy, trong Thế chiến II, chùa Botahtaung từng bị Không quân Hoàng gia Anh phá hủy hoàn toàn khi họ ném bom dọc sông Hlaing. Hộp xá lợi được tìm thấy trong đống đổ nát khi dọn dẹp những gì còn lại của ngôi chùa. Chùa đã được xây dựng lại vào thời kỳ đầu độc lập của Myanmar.
Chùa Botataung nhìn từ bên ngoài.
Chùa Botataung được người Mon xây dựng từ cách đây khoảng 2.500 năm và trở thành một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất của đất nước Myanmar. Trong tiếng của người Mon, ngôi chùa này còn có tên gọi khác là Kyaik-de-att, có nghĩa là “1000 sĩ quan quân đội”. Sở dĩ chùa có tên như vậy là vì cách đây hơn 2.000 năm, khi đó 8 xá lợi tóc của Đức Phật được mang từ Ấn Độ đến Yangon.
Khi đến nơi, một đội bảo vệ danh dự gồm 1000 chiến sĩ quân đội đã được thành lập để bày tỏ sự tôn kính với bảo vật. 8 xá lợi này sau đó lần lượt được phát cho 8 ngôi chùa khác nhau, trong đó có chùa Botataung Myanmar.
Trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, chùa Botataung đã bị phá hủy nặng nề sau một vụ ném bom của không quân vào các bến tàu nằm ngay gần đó. Đến năm 1948, chính quyền thành phố Yangon đã cho trùng tu sửa chữa lại ngôi chùa theo đúng như thiết kế ban đầu.