(Tin Môi Trường) - Có tới 154 dự án điện mặt trời được Bộ Công Thương phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch nhưng không có căn cứ pháp lý đã được kiến nghị chuyển tới cơ quan điều tra để làm rõ việc có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Thanh tra Chính phủ xác định nhiều vi phạm trong thực hiện quy hoạch và tham mưu chính sách về điện mặt trời - Ảnh: NAM TRẦN
Kết luận thanh tra về quản lý đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện 7 và 7 điều chỉnh vừa được Thanh tra Chính phủ ban hành ngày 25-12, chỉ rõ việc bổ sung nhiều dự án điện mặt trời chủ yếu ở miền Trung và Tây Nguyên là không phù hợp.
Chỉ có 14 dự án điện mặt trời trong quy hoạch
Theo kết luận, Bộ Công Thương không lập quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia, các tỉnh không lập quy hoạch điện mặt trời cấp tỉnh đến năm 2020, nhưng vẫn có 168 dự án điện mặt trời với tổng công suất 14.707MW được phê duyệt - gấp gần 20 lần quy hoạch.
Trong số này chỉ có 14 dự án được duyệt trong quy hoạch điện lực của 4 địa phương trước năm 2016, 8 dự án được duyệt tại quy hoạch điện lực của 5 tỉnh. Còn lại 92 dự án (công suất 3.194MW) được duyệt bổ sung riêng lẻ tại 23 địa phương nhưng có tới 15/23 tỉnh không quy hoạch điện mặt trời. Do đó, cơ quan thanh tra cho rằng việc Bộ Công Thương duyệt 92 dự án với tổng công suất 3.194MW là không có căn cứ pháp lý.
Quy hoạch điện 7 điều chỉnh đưa ra kế hoạch lắp đặt 850MW điện mặt trời vào năm 2020, nhưng Bộ Công Thương đã duyệt lên tới 54 dự án (công suất 10.521MW), cũng đều không có căn cứ pháp lý.
Chưa kể việc bộ phê duyệt bổ sung dự án điện mặt trời dưới 50MW vào quy hoạch điện lực tỉnh, tham mưu Thủ tướng duyệt dự án trên 50MW vào Quy hoạch điện 7 điều chỉnh mà không lập quy hoạch cũng là không có căn cứ pháp lý, không đảm bảo cạnh tranh trong thu hút đầu tư, nguy cơ phát sinh cơ chế xin - cho.
Cũng theo kết luận, Bộ Công Thương có khuyết điểm, vi phạm khi tham mưu cơ chế khuyến khích dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận dẫn tới 14 dự án được hưởng giá FIT ưu đãi 9,35 cent/kWh trong 20 năm không đúng quy định.
Số tiền điện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải thanh toán cho các chủ đầu tư này trong 2,5 năm tăng thêm 1.481 tỉ đồng. Bộ cũng tham mưu điều kiện để các dự án điện mặt trời nối lưới được áp dụng giá FIT 7,09 cent/kWh là không đúng với kết luận của Thường trực Chính phủ.
Trong khi đó, EVN cũng đã từng kiến nghị không nên khuyến khích đầu tư điện mặt trời bằng mọi giá, cần đồng bộ với đầu tư lưới truyền tải, nhưng cơ quan thanh tra cho rằng góp ý này đã "không được Bộ Công Thương tiếp thu đầy đủ".
Địa phương cấp phép sai
Đối với 8 địa phương được xác định có vi phạm khi triển khai các dự án, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý nhiều vụ việc. Tại Long An, cơ quan thanh tra yêu cầu UBND tỉnh này kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định pháp luật với tổ chức, cá nhân liên quan được nêu tại kết luận. Xem xét, xử lý việc thu hồi diện tích đất cho thuê vượt định mức quy định.
Tại Bình Thuận có 13 dự án điện mặt trời và điện gió đã đầu tư xây dựng trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia, các chủ đầu tư được xác định có những vi phạm, khuyết điểm. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ đã chuyển Cơ quan an ninh điều tra hồ sơ vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời, điện gió trên đất quy hoạch khoáng sản.
Tại Bình Phước, Thanh tra Chính phủ kết luận vi phạm liên quan đến sử dụng đất rừng xây dựng nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 4, một số công trình khởi công xây dựng nhưng chưa được bàn giao mặt bằng thi công, chưa được cấp phép xây dựng tại nhóm điện mặt trời Lộc Ninh. Một số công trình đưa vào vận hành thương mại nhưng chưa được các cơ quan nhà nước kiểm tra nghiệm thu song vẫn được hưởng giá ưu đãi, dẫn tới việc mua bán điện là chưa đủ cơ sở.
Tại Đắk Lắk, tỉnh này chấp thuận chủ trương đầu tư với dự án nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp, dự án điện mặt trời Long Thành 1, dự án trang trại điện mặt trời BMT trong khi không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Dự án điện gió Ea Nam chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; các dự án điện gió Krông Búk 1, Krông Búk 2, Cư Né 1, Cư Né 2 chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.
Với tỉnh Đắk Nông, những vi phạm khuyết điểm được chỉ ra liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất thực hiện dự án. Do vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu vụ việc để xem xét, điều tra.
Bao gồm việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư xây dựng 5 dự án điện gió chồng lấn lên quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bô xít tại tỉnh Đắk Nông. Xây dựng dự án nhà máy thủy điện Đắk Glun 2, 3 có 25,23ha rừng tự nhiên chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang xây dựng công trình năng lượng.
Kiến nghị chuyển cơ quan điều tra
Thanh tra Chính phủ cho hay khi tham mưu quyết định 13/2020 (quyết định gia hạn chính sách ưu đãi giá FIT cho điện mặt trời), Bộ Công Thương đã đề xuất mở rộng dự án được hưởng giá ưu đãi, tức chỉ cần dự án đã được duyệt chủ trương đầu tư, không cần ký hợp đồng mua bán điện, đang thi công là được mua với giá 7,09 cent/kWh trong 20 năm.
Cơ quan thanh tra xác định việc tham mưu của Bộ Công Thương là không đúng chỉ đạo của Thủ tướng nên 14 dự án này được hưởng ưu đãi là không đúng đối tượng.
14 dự án điện gồm: dự án điện mặt trời Hacom Solar, nhà máy điện mặt trời Sinenergy Ninh Thuận 1, nhà máy điện mặt trời Thuận Nam Đức Long, dự án Thiên Tân Solar, dự án Phước Ninh, dự án Sơn Mỹ 2, dự án Sơn Mỹ, dự án Solar Farm Nhơn Hải, dự án Bầu Zôn, dự án Thuận Nam 12, dự án SP Infra 1; dự án Adani Phước Minh; dự án Hồ Bầu Ngứ (ngăn 473); dự án điện mặt trời 450MW kết hợp trạm biến áp 500kV Thuận Nam và đường dây 500kV, 200kV.
Trách nhiệm chính với các vi phạm khuyết điểm trên được xác định là thuộc về Bộ Công Thương nên cơ quan thanh tra kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu vụ việc để xem xét, xử lý.