(Tin Môi Trường) - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên vừa phối hợp với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện thành công mô hình chế tạo hệ thống lọc chuyên biệt loại bỏ khí H2S từ hầm khí biogas để phát điện.
Tham quan mô hình hệ thống lọc chuyên biệt loại bỏ H2S từ hầm khí biogas để phát điện tại xã Phú Cường (thành phố Hưng Yên)
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên Nguyễn Xuân Hải cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 500.000 con lợn, hơn 34.000 con bò và trên 9,5 triệu con gia cầm. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi cũng như làm khí đốt sinh hoạt, đa phần người dân đã xây dựng hầm biogas. Trong thành phần biogas có khí H2S, là một loại khí độc và gây ra nhiều tác động nguy hại đến sức khỏe con người, vật nuôi. Do vậy, việc loại bỏ khí H2S ra khỏi hầm biogas để làm khí đốt và nhiên liệu cho máy phát điện là rất cần thiết.
Theo ông Nguyễn Xuân Hải, tháng 5/2023, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã nghiên cứu và thiết kế mô hình xử lý khí H2S trong hầm khí biogas bằng vật liệu SPONAM (vật liệu nano vô định hình siêu rỗng). Mô hình được lắp đặt, vận hành thử nghiệm tại cơ sở chăn nuôi ở xã Phú Cường, thành phố Hưng Yên.
Qua 20 đợt quan trắc, đo đạc, đến tháng 11/2023, các chuyên gia đánh giá, việc xử lý khí H2S ra khỏi hầm biogas đạt từ 98,55% - 99,95%. Sau khi xử lý H2S, khí biogas được sử dụng để đun nấu và chạy được máy phát điện trong vòng hơn 5 tháng, với tần suất chạy máy phát điện 10 ngày/lần, thời gian tối đa 6 giờ liên tục.
Gia đình ông Đào Văn Mạnh (ở xã Phú Cường, thành phố Hưng Yên) là hộ được chọn để thử nghiệm mô hình xử lý khí H2S trong hầm khí biogas bằng vật liệu SPONAM. Sau khi đưa vào sử dụng gia đình đánh giá cao hiệu quả mô hình. Sau hơn 4 tháng triển khai mô hình, bếp gas nhà ông Mạnh không bị gỉ, bám cặn; có thể chạy được máy phát điện trong gần một ngày.
Ông Đào Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cường cho biết, Phú Cường và Hùng Cường là những xã chăn nuôi quy mô lớn, tỷ lệ đàn bò và lợn đứng đầu tỉnh, với gần 7.000 con bò, hơn 5.000 lợn. Do đó lượng chất thải thải ra môi trường là rất lớn. Người chăn nuôi đang xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải vừa tận dụng khí gas làm nguyên liệu chất đốt là chính, tuy nhiên hầm biogas chứa nhiều khí độc, đặc biệt khí H2S, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Vì thế, việc thực hiện thành công mô hình hệ thống lọc chuyên biệt loại bỏ khí H2S không chỉ bảo đảm sức khỏe người sử dụng mà còn đảm bảo nguồn điện sinh hoạt cho người dân khi hệ thống điện lưới bị mất.
Theo ông Nguyễn Xuân Hải, thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ, đánh giá nghiệm thu và xây dựng kế hoạch ứng dụng chuyển giao kết quả cho người chăn nuôi áp dụng công nghệ vào chăn nuôi hiệu quả, bền vững.