(Tin Môi Trường) - Việt Nam đang "bán lúa non" tín chỉ carbon với giá bèo bọt. Đến lúc Chính phủ thực hiện các cam kết Net-zero thì không đủ cho thị trường.
Thạc sĩ Lê Năng Hùng cho rằng Việt Nam đang bán tín chỉ carbon ra bên ngoài với giá quá thấp - Ảnh: A LỘC
Ngày 15-12, đại diện hơn 100 doanh nghiệp, công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đã tham dự hội thảo Giảm thiểu phát thải và xây dựng hệ thống phát triển bền vững cho doanh nghiệp do Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai tổ chức.
Hội thảo nhằm trao đổi về kinh nghiệm, phương pháp thực hiện kiểm toán năng lượng, kiểm kê khí nhà kính để hướng tới mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính, xây dựng hệ thống phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Tại hội thảo, các diễn giả và doanh nghiệp đã thảo luận về kiểm kê khí nhà kính, hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, xây dựng hệ thống ESG tại doanh nghiệp.
Đây là bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng, tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Đồng thời, đánh giá các quy định và thực tiễn thi hành pháp luật trước cam kết "phát thải ròng bằng 0" vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành đã có quy định về giảm phát thải khí nhà kính, cũng như một số cơ chế phối hợp giữa các cơ quan từ trung ương đến địa phương.
Trên cơ sở cả thế giới và Việt Nam đang tập trung theo đuổi mục tiêu phát thải ròng bằng 0, nhiệm vụ tối cần thiết là các cơ quan nhà nước cần phải sớm có những định hướng thúc đẩy và hỗ trợ. Đưa ra các giải pháp thật sự hiệu quả trên cơ sở vì cộng đồng và thấu hiểu được các khó khăn của doanh nghiệp nhằm phát triển bền vững.
Tại hội thảo, thạc sĩ Lê Năng Hùng, quản lý cao cấp của Công ty năng lượng tái tạo Reteck, cho rằng thị trường tín chỉ carbon tự nguyện của Việt Nam đang "bán lúa non" với giá bèo bọt từ 3-9 USD/tấn carbon, chủ yếu là các chủ rừng bán tín chỉ carbon rừng.
Theo thạc sĩ Hùng, giá mặt bằng toàn cầu tín chỉ carbon hiện có thể lên đến 50-70 USD/tấn, thậm chí ở châu Âu lên đến 80-90 euro/tấn.
Với việc ồ ạt "bán lúa non", khi Chính phủ thực hiện nghĩa vụ carbon như đã cam kết (Net-zero), tín chỉ carbon không đủ đáp ứng thị trường tự nguyện. Lúc đó Việt Nam "mắc nợ" thị trường carbon thế giới giống như "công nợ", do đó cần tầm nhìn cẩn thận.
Nguồn lợi lớn từ bán tín chỉ carbon
Đồng Nai hiện có hơn 170.000ha rừng (trong đó rừng đặc dụng chiếm gần 100.000ha). Rừng ở Đồng Nai có đặc điểm "giàu" cây xanh, độ che phủ cao nhờ đóng cửa rừng tự nhiên từ sớm. Do đó, hằng năm phải chi ngân sách lớn cho bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng.
Việc sản xuất và bán tín chỉ carbon có ý nghĩa lớn. Thông qua hoạt động này có thể giảm chi ngân sách cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia trồng và chăm sóc rừng. Từ đó làm gia tăng diện tích rừng, tăng khối lượng carbon được phép thải ra.
Bên cạnh đó, Đồng Nai có diện tích rừng lớn, sinh khối nhiều, việc tạo ra tín chỉ carbon để bán là tiềm năng để có nguồn thu tái đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện cuộc sống người trồng rừng và giúp cân bằng lượng khí thải từ hoạt động công nghiệp và đô thị hóa.
Tuy nhiên do đây là lĩnh vực mới, cần có lộ trình phù hợp. Đồng Nai đang chờ nghị định của Chính phủ để xây dựng đề án xác định khối lượng giá trị carbon của từng khu rừng và xin cơ chế tham gia thị trường trao đổi, mua bán carbon tại Đồng Nai.