Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Quảng Bình thu hơn 80 tỉ đồng từ bán tín chỉ carbon

(11:22:37 AM 18/12/2023)
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên, tỉnh Quảng Bình thu được hơn 80 tỉ đồng nhờ nguồn tiền từ bán tín chỉ carbon của rừng.

 

Quảng Bình thu hơn 80 tỉ đồng từ bán tín chỉ carbon

Quảng Bình có độ che phủ rừng lên đến hơn 68%, là một lợi thế trong việc bán tín chỉ carbon - Ảnh: QUỐC NAM
 
Ngày 18-12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình xác nhận tỉnh này vừa được nhận 82,4 tỉ đồng từ bán tín chỉ carbon của rừng.
 
Trong số tiền trên, 80 tỉ sẽ được dùng để chi trả cho các đối tượng hưởng lợi là chủ rừng (bao gồm hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, tổ chức và UBND xã); 2,4 tỉ đồng còn lại sẽ được trích lại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Bình.
 
Trước đó, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc bán tín chỉ carbon của các vùng rừng thuộc các tỉnh Bắc Trung Bộ.
 
Tổng khối lượng khí CO2 thu được từ rừng ở các tỉnh Bắc Trung Bộ trong thời gian qua là 10,2 triệu tấn và số tín chỉ carbon này sẽ được chuyển cho Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế và sẽ được nhận lại một số tiền.
 
Sau đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trung ương sẽ nhận được 51,5 triệu USD từ Quỹ carbon thông qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế. Quỹ này sau đó điều phối gần 50 triệu USD đến các tỉnh Bắc Trung Bộ theo quy định.
 
Trong đó, Quảng Bình chuyển nhượng hơn 2,4 triệu tấn CO2 và được chi trả khoảng 235 tỉ đồng trong giai đoạn 2023-2025. Riêng năm 2023, Quảng Bình được nhận 82,4 tỉ đồng.
 
Theo ông Mai Văn Minh - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, diện tích rừng của Quảng Bình được chi trả từ dịch vụ bán tín chỉ carbon là 469.317ha trong tổng số gần 600.000ha rừng tự nhiên.
 
Được biết, tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường bể hấp thụ từ hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng.
 
Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính.
T.T