(Tin Môi Trường) - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) luôn giữ vững vai trò nòng cốt của một tổ chức xã hội-nghề nghiệp trong việc tham gia bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Trong đó, hoạt động Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam là sáng kiến quan trọng và trực tiếp góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan môi trường.
Công nhận cây di sản Việt Nam tại di tích lịch sử đình Háng Pài, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn
Theo chia sẻ của TS. Trần Văn Miều – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, VACNE đã thành lập Hội đồng Cây Di sản Việt Nam và ban hành tiêu chí công nhận Cây Di sản: Đối với cây tự nhiên: Cây sống trên 200 năm, cây to, hùng vĩ, có giá trị về đa dạng sinh học và môi trường, văn hóa, lịch sử; Đối với cây trồng: Cây sống trên 100 năm, cây to, hùng vĩ, có giá trị về đa dạng sinh học và môi trường, văn hóa, lịch sử; Cây khác: Các cây gần đạt tiêu chí của cây tự nhiên và cây trồng, nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học, đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa, mỹ quan.
Sau khi Trang thông tin điện tử của VACNE thông báo về sự kiện và các tiêu chí được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, Nhân dân Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội là nơi hưởng ứng đầu tiên. Ngày 5/3/2010, lần đầu tiên, VACNE tổ chức công nhận 9 cây muỗm gần 600 tuổi, ở đền Voi Phục, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội là cây Di sản Việt Nam. Kể từ năm 2010 đến quý II, năm 2023, VACNE đã công nhận trên 7.000 cây cổ thụ là Cây Di sản Việt Nam, thuộc 120 loài, tại 56 tỉnh/thành trong cả nước.
Cây Di sản Việt Nam được phân bổ đều khắp trong cả nước từ địa đầu phía Bắc Cao Bằng, Hà Giang cho đến cực nam của đất nước như Cà Mau, Kiên Giang, từ núi cao Trường sơn Tây Nguyên tới Côn Đảo, Trường Sa. Riêng ở trên các đảo, VACNE đã phối hợp với các địa phương, các đơn vị tiến hành khảo sát, công nhận nhiều Cây Di sản Việt Nam như: Quần thể cây đa ở đảo Hòn Dấu, Đồ Sơn, TP. Hải Phòng; 2 cây đa sộp trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; ba cây bàng vuông, mù u và phong ba trên đảo Trường Sa, …
Trong số những cây cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, có những cây đạt kỷ lục: Cây cao nhất Việt Nam được ghi nhận là cây samu dầu cao hơn 70 mét ở vườn quốc gia Pù Mát, tỉnh Nghệ An; Cây cao tuổi nhất 2.200 tuổi là hai cây táu, có từ thời An Dương Vương ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; cây đơn thân lớn nhất là cây tung ở Đắk Lắk có đường kính 6,5 mét; cây đa ở đền Thượng, tỉnh Lào Cai (tính cả rễ phụ) có chu vi là 45 mét; quần thể 79 cây bàng, bằng lăng, thị rừng, điệp vàng ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; quần thể 135 cây cổ thụ ở Tiểu khu 379 Mã Đà, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.
Ngoài những kỷ lục cây đã ghi nhận, cũng phải kể đến những cây khác nghìn tuổi gắn liền với ý nghĩa, lịch sử, văn hóa của đất nước như: cây đa 1000 tuổi ở đình Quán La, phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội. Trong một lần về thăm Xuân La tháng 11/1958, Bác Hồ đã đứng dưới bóng mát của cây cổ thụ này và căn dặn cán bộ, Nhân dân địa phương phải bảo vệ, gìn giữ những cây bóng mát muôn đời cho con cháu mai sau; Rặng ruối 18 cây ở Thôn Cam Lâm, Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội trên dưới 1000 năm, từng là nơi vua Ngô Quyền làm chỗ buộc voi chiến, ngựa chiến sau các cuộc tập trận để chuẩn bị tiến về vùng cửa sông Bạch Đằng đánh quân Nam Hán, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc; Cây me cao 24 mét, đường kính thân 1,2 mét, tán lá che phủ hơn 600 mét vuông ở Bảo tàng Quang Trung của tỉnh Bình Định do cha đẻ của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ là ông Hồ Phi Phúc trồng cách đây hơn 200 năm.
Nghi thức mở bia công nhận cây di sản Việt Nam
Thời gian tuy chưa dài nhưng có thể khẳng định hoạt động bảo tồn cây cổ thụ do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát động đã và đang lan rộng khắp cả nước, được người dân tích cực hưởng ứng. Trong suốt 13 năm qua, các buổi Lễ gắn bia, cách thức tổ chức chăm sóc, bảo vệ Cây Di sản Việt Nam tại các địa phương rất đa dạng và phong phú. Có buổi lễ công bố Cây Di sản được tổ chức như một lễ hội lớn của địa phương với hàng nghìn người tham gia. Nhiều buổi lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản được gắn với Hội làng, Ngày Đại đoàn kết toàn dân, Ngày Giỗ các danh nhân, Ngày Giỗ trọng của các dòng tộc... Người dân ở một số nơi cho biết, nhờ có sự kiện vinh danh Cây Di sản, địa phương mới có điều kiện khôi phục lại lễ hội truyền thống đã bị lãng quên từ lâu.
Hoạt động Bảo tồn Cây Di sản được đánh giá là một mô hình vì cộng đồng. Nhiều địa phương sau khi tổ chức Lễ vinh danh, công nhận Cây Di sản Việt Nam đã phát triển thành các tuyến du lịch mới, tạo sinh kế cho người dân và gia tăng các giá trị sản phẩm của doanh nghiệp trên địa bàn. Không chỉ tạo thêm lợi ích về kinh tế, chương trình còn góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia như cây Sấu của thôn Sóc Hà, huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng (giữ cột mốc 651 biên giới Việt-Trung); 5 cây (Mù u; Bàng vuông, Phong ba) trên quần đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa. Một số sản phẩm chè Shan tuyết ở Hà Giang, Sơn La, Yên Bái còn được nâng giá trị thương hiệu, giúp cho đồng bào địa phương ổn định đời sống, nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, gìn giữ những cây quý.
TSKH, Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN Đặng Huy Hùng đã từng chia sẻ, “Bằng những nỗ lực liên tục, chúng tôi đã cố gắng cùng với cộng đồng cả nước hướng tới sự phát triển bền vững. Việc chăm sóc, gìn giữ, bảo vệ cây rừng, cây cổ thụ, Cây Di sản Việt Nam chính là bảo vệ dòng chảy diệu kỳ nuôi dưỡng sự sống. Ngày nay Việt Nam đang từng bước xây dựng nông thôn mới đi lên trên con đường hiện đại, văn minh nhưng hình bóng những cây này vẫn gợi cho chúng ta những xúc cảm rất đỗi thân thương về quê hương, xứ sở, là kỳ quan thiên nhiên sâu thẳm trong tâm hồn các thế hệ của 54 cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đây cũng chính là cách hiện hữu để ngăn chặn sự suy giảm chất lượng môi trường của Trái Đất…”.
Bảo tồn cây cổ thụ không chỉ khơi dậy niềm tự hào của người dân địa phương, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc mà còn góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, tạo dựng môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai.