(Tin Môi Trường) - Với trữ lượng đất hiếm dồi dào, đứng thứ 3 trên thế giới, việc khai thác nguồn tài nguyên này chắc chắn sẽ đem đến cho Việt nam nhiều lợi ích về kinh tế. Tuy vậy, các nhà khoa học khuyến cáo rằng, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi khai thác loại quặng này rất cao. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có những nghiên cứu kỹ lưỡng về công nghệ cũng như sự kín kẽ trong các chính sách pháp luật.
Trữ lượng lớn
Đất hiếm gồm có 17 nguyên tố, đều là những nguyên tố dạng hiếm có trong bảng tuần hoàn hóa học. Chúng được sử dụng rộng rãi trong ngành sản xuất thiết bị điện tử, ngành công nghiệp hạt nhân hay sản xuất vũ khí và trở thành loại nguyên liệu tối cần thiết cho nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn của các quốc gia phát triển. Bởi đây là chất có tính dẫn điện và từ tính tốt khiến công nghệ trong tay ta nhanh hơn, mạnh hơn và nhẹ nhàng hơn. Nếu không nhờ đất hiếm, máy tính của chúng ta sẽ to như cả một căn phòng vậy.
Ở Việt Nam, đất hiếm có trữ lượng khoảng 17 - 22 triệu tấn, đứng thứ 3 trên thế giới, phân bổ chủ yếu ở các tỉnh Tây Bắc như: Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Phú (Yên Bái) và các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa vào đến Bà Rịa, Vũng Tàu. Ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước Việt Nam khai thác đất hiếm và bán thô lại cho Cộng hòa Séc và Ba Lan. Tuy vậy, do chưa xây dựng và hình thành ngành công nghiệp đất hiếm nên mức độ khai thác còn nhỏ lẻ, công nghệ sử dụng còn lạc hậu, chủ yếu sử dụng các phương pháp thủ công, dẫn đến tổn thất tài nguyên lớn.
Để phát triển ngành công nghiệp đất hiếm tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 25/2008/QĐ-BCT về Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng đá quý, đất hiếm và urani giai đoạn đến năm 2015, có xét đến năm 2025. Theo đó, mục tiêu giai đoạn 2016 - 2025, tổng sản lượng khai thác và chế biến đạt 20.000 tấn ôxít đất hiếm/năm.
Thời gian tới sẽ triển khai một số dự án như: Dự án khai thác, chế biến đất hiếm tại mỏ đất hiếm Đông Pao, Lai Châu do Công ty CP Đất hiếm Lai Châu - Vimico quản lý; Dự án khai thác và chế biến đất hiếm tại mỏ đất hiếm Yên Phú, Yên Bái do Công ty CP Thái Dương làm chủ đầu tư và Dự án khai thác, chế biến đất hiếm tại mỏ đất hiếm Nam và Bắc Nậm Xe, Lai Châu do Công ty CP Hưng Hải làm chủ đầu tư.
Thận trọng khi khai thác nguồn tài nguyên đất hiếm. Ảnh: MH
Nguy cơ ô nhiễm cao
Việc triển khai các dự án khai thác đất hiếm sẽ mang lại lợi ích kinh tế. Theo tính toán của giới khoa học, giá thị trường hiện là 800 USD/tấn đất hiếm, nếu tách riêng các nguyên tố có trong đất hiếm để bán, giá sẽ tăng lên nhiều lần, khoảng 1 triệu USD/tấn nguyên tố. Tuy vậy, khai thác đất hiếm tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao hơn khai thác than đá, dầu mỏ rất nhiều. Vì chế biến đất hiếm phải dùng nhiều loại hóa chất có ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, trong đất hiếm có những khoáng chất mang tính phóng xạ với cường độ cao hơn những loại phóng xạ khác.
Theo TS. Nguyễn Thúy Lan, Viện Khoa học Mỏ - Luyện kim, khai thác và chế biến quặng đất hiếm sinh ra một khối lượng lớn chất thải. Đất đá thải trong khai thác quặng đất hiếm được lưu giữ trong các bãi thải và thường phơi lộ trong môi trường, nên các chất độc hại như các chất phóng xạ, sulphides, fluorites và kim loại nặng trong đất đá thải sẽ hòa tan và lan truyền tới các thủy vực, rò rỉ vào hệ thống nước ngầm và đất đai. Quặng đuôi thải ra từ quá trình tuyển quặng đất hiếm được lưu chứa trong các hồ thải cũng là nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn. Các thành phần độc hại trong quặng đuôi khi hòa tan có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí, bao gồm các kim loại như Al, Ba, Be, Cu, Pb, Mn, Zn, các chất phóng xạ (Th và U), fluorides, sulphate, hóa chất tuyển…
Những tác hại từ quá trình khai thác quặng đã được minh chứng tại Trung Quốc. Nhiều năm trước Trung Quốc là nước khai thác đất hiếm nhiều nhất, với sản lượng 120.000 tấn mỗi năm, chiếm 97% thế giới. Nhưng sự khai thác ồ ạt với công nghệ lạc hậu đã khiến sông Hoàng Hà, nguồn nước quan trọng của hơn 150 triệu dân bị đe dọa bởi chất thải từ mỏ khai thác đất hiếm. Tại tỉnh Quảng Đông, dân cư đang cố gắng cải tạo những cánh đồng lúa và suối, kênh… đã bị hủy hoại bởi nguồn axít cực mạnh rò rỉ từ những khu khai thác đất hiếm gần đó. Thậm chí, động vật nuôi cũng bị chết, mùa màng không còn, dân số từ 2.000 người giảm xuống còn vài trăm người do bệnh tiêu chảy, loãng xương, tim phổi. Chính vì vậy, năm 2012 Trung Quốc đã bắt đầu ngừng xuất khẩu đất hiếm, giảm sản lượng khai thác và ban hành các văn bản luật để siết chặt việc khai thác đất hiếm.
Tìm kiếm công nghệ
Có thể khẳng định, Việt Nam là nước có tiềm năng về tài nguyên đất hiếm. Tuy vậy, để khai thác bền vững quặng đất hiếm, hạn chế các tác động đến môi trường, trước mắt phải nghiên cứu công nghệ sản xuất, lựa chọn và áp dụng thiết bị tiên tiến phù hợp. Từ năm 2010 Chính phủ Việt Nam đã quyết định chọn Nhật Bản làm đối tác hợp tác trong việc khai thác đất hiếm. Nhật Bản đã giúp Việt Nam xây dựng và vận hành Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đất hiếm nhằm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường cho quá trình chế biến sâu quặng đất hiếm Việt Nam; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, vật liệu, sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ đất hiếm Việt Nam; đào tạo cán bộ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật thông qua nghiên cứu và thông qua các chương trình đào tạo nhân lực; thực hiện chuyển giao công nghệ.
Đây là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam nâng cao trình độ công nghệ khai thác và chế biến nguồn tài nguyên đất hiếm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ có hiệu quả, bền vững, thân thiện với môi trường.
Đến nay, nước ta đã xây dựng cơ sở nghiên cứu với hệ thống trang thiết bị tương đối đồng bộ cho việc chế biến sâu quặng đất hiếm, gồm các thiết bị từ giai đoạn tuyển khoáng, thủy luyện, phân chia tinh chế đất hiếm đến xử lý chất thải và phân tích phục vụ quá trình nghiên cứu với kinh phí khoảng 3 triệu USD.
Bên cạnh đó, đã thực hiện thành công các công nghệ như phát triển công nghệ tuyển quặng đất hiếm đạt mức độ thu hồi cao; xây dựng thành công công nghệ phân hủy tính quặng quy mô pilot; xây dựng công nghệ phân chia, thu nhận đất hiếm riêng lẻ độ tinh khiết cao; xây dựng công nghệ xử lý chất thải chứa nhân phóng xạ tự nhiên của quá trình tuyển, thủy luyện, phân chia tinh chế…