(Tin Môi Trường) - Ngày 8/12, Hội nghị công tác quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ năm 2023 được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị phát biểu
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên toàn quốc đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần bảo vệ, phát triển những “mảng xanh” của đất nước. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những vướng mắc trong cơ chế, chính sách đối với lực lượng làm nhiệm vụ dẫn đến khó khăn trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, đã xảy ra nhiều vụ việc chống người thi hành công vụ làm một số cán bộ quản lý, bảo vệ rừng bị thương và hy sinh, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị đề nghị các chủ rừng, toàn bộ lực lượng tham gia quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân giao phó; đề nghị chính quyền địa phương cấp tỉnh tiếp tục tạo điều kiện, quan tâm, hỗ trợ các lực lượng tham gia quản lý, bảo vệ rừng.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết, Bộ sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị với Trung ương để xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắt trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; tiếp thu các ý kiến phản ánh của địa phương để nghiên cứu, xem xét chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn quản lý.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã phân tích, đánh giá mặt tích cực và hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; đề ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đa số các ý kiến cho rằng, công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng còn gặp nhiều khó khăn do cơ chế, chính sách và chế độ đãi ngộ lực lượng trực tiếp tham ra quản lý, bảo vệ rừng chưa xứng đáng; tình trạng xâm phạm tài nguyên rừng vẫn còn diễn ra, gây áp lực lớn lên công tác quản lý, bảo vệ.
Theo ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum), đặc thù công việc của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng rất khó khăn, vất vả, trách nhiệm nặng nề và nguy hiểm, tuy nhiên chế độ đãi ngộ lại khá thấp, không đủ chăm lo đời sống gia đình. Đây là thực trạng chung của cả nước, một trong những nguyên nhân khiến trong thời gian qua có nhiều người trong lực lượng này xin nghỉ việc, chuyển công tác. Trong khi đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cũng gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về cơ chế, chính sách. Do đó, ông Thủy đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các quy định để có giải pháp sửa đổi, bổ sung, sớm tháo gỡ khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Đại diện Cục Lâm nghiệp cũng nhận định, những quy định của pháp luật về lâm nghiệp hiện nay còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại các ban quan lý rừng. Đơn cử, theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở địa phương thuộc Kiểm lâm tỉnh quản lý. Do vậy, một số địa phương đã tổ chức lại lực lượng kiểm lâm của các ban quản lý rừng đặc dụng làm suy yếu chức năng quản lý bảo vệ rừng của đơn vị. Trong khi đó, áp lực về bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học ngày càng tăng.
Nhiều khu rừng đặc dụng hiện nay ranh giới, diện tích trên bản đồ không còn trùng khớp với ngoài thực địa, chồng chéo về diện tích với cộng đồng dân cư và diện tích quy hoạch khác. Bộ máy tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ vẫn chưa có sự đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương. Mặt khác, các nguồn lực đầu tư cho hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nằm phân tán trong các chiến lược phát triển chuyên ngành khác nhau, dẫn đến thiếu sự tập trung đồng bộ cho mục tiêu bảo vệ rừng, bảo tồn đa dang sinh học và nâng cao chất lượng rừng phòng hộ.
Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp đề nghị, trong thời gian tới, các chủ rừng tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Các chủ rừng bảo vệ có hiệu quả diện tích rừng được giao quản lý; khôi phục hệ sinh thái rừng bằng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, chú trọng khôi phục đảm bảo 15% diện tích hệ sinh thái rừng bị suy thoái được phục hồi và bảo tồn, đặc biệt là hệ thống rừng đặc dụng.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc các đơn vị cơ sở tuần tra, kiểm soát tại rừng, nhằm bảo vệ rừng tận gốc; chốt chặn tại khu vực “điểm nóng” về vận chuyển lâm sản trái phép; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học ở cơ sở, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp cơ sở triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng; thiết lập mối liên hệ chặt chẽ giữa ban quản lý rừng với chính quyền và cộng đồng dân cư địa phương để có sự đồng thuận, hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ rừng, phục vụ công tác bảo tồn thiên nhiên ở khu rừng đặc dụng, phòng hộ; đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Trong thời gian tới, Cục Lâm nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu, hoàn thiện các quy định của pháp luật để làm cơ sở pháp lý cho các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thực hiện hình thức hợp tác, liên kết, cho thuê môi trường rừng để tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; khuyến khích cộng đồng người dân địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, phòng hộ nhằm nâng cao nhận thức, ý thức về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên rừng và đa dạng sinh học; nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các giá trị dịch vụ hệ sinh thái trong môi trường rừng.