Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cải thiện sinh kế cho người dân khu vực quy hoạch bảo tồn voọc gáy trắng

(06:19:45 AM 03/12/2023)
(Tin Môi Trường) - Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình vừa tiếp nhận khoản viện trợ gần 7 tỷ đồng từ Tổ chức Nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế (ICRAF) tài trợ để triển khai Đự án đồng quản lý đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế cho người dân khu vực quy hoạch bảo tồn Voọc gáy trắng tại huyện Tuyên Hóa.

 Cải thiện sinh kế cho người dân khu vực quy hoạch bảo tồn voọc gáy trắng

Ảnh: TL

 
Dự án thực hiện nhằm giảm bớt sự suy thoái đa dạng sinh học rừng, bao gồm các mối đe dọa đối với quần thể Voọc Hà Tĩnh và một số loài thực vật rừng quý hiếm có nhiều nguy cơ nếu không được quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại như gỗ mun, hương giáng, lim xanh, vù hương, sưa ở huyện Tuyên Hóa. Bên cạnh đó, dự án còn góp phần thúc đẩy sự tham gia tích cực của cộng đồng vào công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng và phát triển các mô hình nông lâm kết hợp cải thiện sinh kế cho người dân.
 
Trên cơ sở đó, dự án sẽ thiết lập nhiều hoạt động có giá trị nhằm tạo sinh kế cho người dân, giúp họ giảm tải áp lực cuộc sống, nâng cao nhận thức, chung tay thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng bền vững.
 
Voọc gáy trắng là loài linh trưởng đặc hữu của khu vực miền Trung, Việt Nam và Lào. Hiện nay, tại Việt Nam, voọc gáy trắng chỉ phân bố giới hạn tại hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.
 
Cách đây vài năm, người dân ở các xã Sơn Hóa, Thạch Hóa, Đồng Hóa và Thuận Hóa (huyện Tuyên Hóa) tình cờ phát hiện một số cá thể voọc gáy trắng sống trên núi đá vôi gần khu dân cư. Nhờ sự chung tay bảo vệ của người dân và chính quyền địa phương, đàn voọc được bảo tồn, sinh trưởng, phát triển tốt. Thống kê hiện có ít nhất hàng chục đàn voọc gáy trắng với hàng trăm cá thể đang sinh sống tại khu vực này.
 
Tỉnh Quảng Bình đã thu hồi nhiều diện tích núi đá vôi đã quy hoạch làm mỏ vật liệu và chuyển thành khu vực quy hoạch rừng đặc dụng với diện tích hơn 500 ha để bảo vệ đa dạng sinh học, tạo môi trường và không gian sống cho đàn voọc.
 
Đến nay, nhận thức của người dân ở khu vực sinh tồn của voọc gáy trắng ở các xã Sơn Hóa, Thạch Hóa, Đồng Hóa và Thuận Hóa (huyện Tuyên Hóa) về công tác bảo vệ rừng, động vật hoang đã được nâng lên đáng kể dù cuộc sống còn nhiều khó khăn.
 
Chính vì vậy, bên cạnh việc nâng cao quản lý đa dạng sinh học, việc thực hiện cải thiện sinh kế cho người dân của dự án thực sự rất cần thiết và nhiều giá trị để họ thực hiện tốt hơn việc chung tay bảo vệ rừng, bảo tồn đàn voọc gáy trắng.
Mạnh Thành