Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
>> Việt Nam Ngày Nay - cách tiếp cận mới trong thông tin đối ngoại
Khi đến làng Đại Bái, xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh - được coi là cái nôi của quan họ - phóng viên Hà Dịu đã ngỡ ngàng khi được nghe những câu vọng cổ từ miền Tây sông nước.
Trong bài "Tình anh bán chiếu trên quê hương quan họ", đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị vào cuối năm Tây 2010, chị đã thốt lên: "Trong buổi chiều thanh bình của một làng quê Bắc bộ, tôi đã vô cùng kinh ngạc khi nghe một người đàn ông xứ Bắc ca "Tình anh bán chiếu" mùi mẫn không kém những người Nam bộ mà tôi đã từng nghe mỗi khi có dịp về miền Tây."
Có lẽ người cựu phóng viên báo Vietnamnet này sẽ đổi ý, nếu chị được nghe một người đàn ông miền Tây hát bài vọng cổ này trên đất Sài Gòn. Giọng càng ngọt, càng mùi, sau khi đã "đi" hết chai Chivas.
Tâm Chánh trao đổi cùng Bạch Ngọc Chiến và Nguyễn Thế Thanh ngay trước cuộc hôn phối chiến lược giữa SGTT và VTV4 |
Người đàn ông đó là Tâm Chánh. Và dân Sài Gòn Tiếp Thị gọi kiểu vừa uống rượu, vừa hát vọng cổ rất mùi đó là "tiên tửu". Cũng tương tự như Huy Đức vừa uống vang Chile, vừa viết bài "Mắm tôm đi kiện". Chắc chỉ thua mỗi chưởng môn phái "Thiền Tửu" Trần Công Khanh, khi cứ sau khoảng một tiếng "nâng lên đặt xuống", ông lại ngồi thiền chừng nửa tiếng.
Một số cô nương mơ mộng ở Sài Gòn Tiếp Thị cũng vì thế gọi trộm sau lưng Tâm Chánh là "anh bán chiếu".
Nhưng Tâm Chánh có bán chiếu đâu. Ông trải chiếu mời người ta ngồi thì đúng hơn.
Đầu tiên là chiếu văn - chiếu thơ với Võ Đắc Danh, Nguyễn Trọng Tín, Đỗ Trung Quân, Hồ Trung Tú, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Minh Sơn, và gần đây là Nguyễn Quang Lập.
Thứ đến là chiếu thuốc, với BS Đỗ Hồng Ngọc, hay BS Nguyễn Chấn Hùng.
Rồi đến chiếu triết học, với triết gia Bùi Văn Nam Sơn và những nhân vật trong "Giá trị sống".
Cũng không thể không kể đến cái chiếu ẩm thực, làm nên cái hồn cái vía của Sài Gòn Tiếp Thị, với cây bút chủ lực Ngữ Yên - người được phong là lãnh chúa của một "miền nhậu".
Cuối cùng là vào ngày này năm ngoái, ông chính thức cho khai trống mở "chiếu truyền hình".
Trả lời phóng viên Thời báo Kinh tế Sài Gòn vào thời điểm đó, Tâm Chánh giải thích: "Đi thăm một số nước trên thế giới, chúng tôi nhận thấy có một xu hướng làm báo rất hay là báo chí đa phương tiện. Tức là từ một sự kiện, một thông tin ta có thể diễn đạt bằng nhiều phương thức khác nhau, tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau. Chẳng hạn như cũng một sự kiện ấy, ta có thể vừa viết cho báo in, vừa chuyển thành tin, bài cho radio, truyền hình..."
Ông cũng thành thực thú nhận rằng "đây cũng là một bước chuẩn bị để lỡ khi báo in có sự thay đổi thì mình thích ứng cho nhanh".
Tuy chưa thực sự phát triển được như New York Times, hay Washington Post, khi phóng viên đi về là chui vô mấy cái studio để viết tin, bình luận, và thu xong gửi bán luôn cho truyền hình, một số phóng viên của ban truyền hình SGTT thực sự đã trở thành những nhà báo đa phương tiện. Sau mỗi chuyến đi xa làm phim, một số người luôn viết cả phóng sự - ký sự cho báo giấy.
Trong số đó, nổi bật có Nguyễn Đình - Thiên Ý được coi là Mr.Five-in-One. Anh có thể quay phim, viết lời bình, dẫn chương trình, chụp phóng sự ảnh, và viết phóng sự - ký sự.
Ở chàng trai đa tài - đa năng và luôn cầu thị này, cái thiếu duy nhất là cái tên chưa đủ dài. Nguyễn Đình - Thiên Ý cắt làm đôi chỉ được hai bút danh, cộng với Lam Phong là ba. Chắc anh phải ghép thêm theo thứ tự khác, kiểu như Nguyện Ý - Thiên Đình, thì mới đủ.
Mr.Five-inOne - đại diện cho chiến lược mới của SGTT. |
Nghe nói, ở ngoài Bắc ban TH-SGTT cũng đang cố xây dựng cây bút Đỗ Hữu Lực, người cũng có vốn liếng "giắt lưng" là mấy video clip quay đám cưới ở quê, trở thành một người như vậy.
Phóng viên cỡ "già làng" như Nguyễn Trọng Tín, trong những chuyến đi xa, ngoài việc viết lời bình cho phim và phóng sự - ký sự cho báo giấy, cũng như tích luỹ tư liệu cho những tác phẩm văn chương sau này, cũng đã phát hiện thêm những khả năng mới mẻ của mình. Chẳng hạn, trong chuyến đi Ấn Độ theo đoàn Hội Nhà văn, tận dụng lợi thế về hình thể, ông đã chứng tỏ mình là một "paparazzi" có hạng.
Ngay cả trưởng ban TH-SGTT Binh Nguyên, người vừa lo chỉ đạo nội dung, vừa lo cơm áo gạo tiền, vẫn thường xuyên đi theo một nhóm làm phim nào đó. Và mỗi lần trở về chốn Lầu Xanh (chả là tầng lầu cao nhất của toà nhà 25 Ngô Thời Nhiệm, Phường 6, Quận 3, TP HCM, mã số thuế..., à quên, dành cho TH-SGTT, được sơn màu xanh), bỏ ba lô xuống là Binh Nguyên ngồi ngay vào bàn viết "Nhật ký đôi giày đỏ".
Nhưng cái chiếu lớn nhất Tâm Chánh đã trải ra là "chiếu nghề". Ông kiên nhẫn chờ đợi từng người phát lộ tài năng, với cái tiêu chí cao nhất là trách nhiệm với độc giả, với xã hội.
Trong cái chiếu nghề của SGTT, dường như ít có sự phân biệt về ngôi thứ khi tranh luận về nghiệp vụ. Người viết đã từng chứng kiến những trận tranh cãi nảy lửa giữa Tổng Biên tập, hay Tổng Thư ký Toà soạn, với một phóng viên bình thường, trong những buổi giao ban trực tuyến, hay trong chương trình Nhật ký Trực tin.
Tâm Chánh. |
(Cũng nhờ những cuộc tranh luận ra môn ra khoai như thế mà toà soạn SGTT đã phát hiện khả năng viết "Góc nhìn" rất sắc sảo của một phóng viên ảnh.)
Tuy nhiên, có những lúc căng thẳng dường như không thể giải quyết được, thì ông và các đồng nghiệp của mình lại dùng bàn nhậu như một giải pháp cuối cùng, theo đúng phong cách của dân miền Tây. (Dường như tính cách phóng khoáng của Miền Tây là một sự tương đồng khá lớn giữa Việt Nam và Mỹ).
Người viết đã từng chứng kiến một phóng viên ngồi xuống bàn nhậu, tại căng tin bên ban công lầu 1, với dáng điệu như sắp đánh nhau với ông, đến cuối buổi nhậu lại ôm vai ông ngồi hát những bản tình ca. Trong tiếng đệm organ của TGĐ Minh Phúc (có người gọi là Mr. Tiền Giả Định), và giọng lĩnh xướng của "giọng ca vàng" Doãn Khởi.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến ngồi vào cái chiếu ông trải sẵn. Nhưng cũng có những người, rất may là số này ít hơn đáng kể, đã không tìm thấy sự thoải mái trên cái chiếu đó. Ông cũng chẳng giữ. Thậm chí, ông còn tặng thêm họ chút "phẫn chí" làm "của hồi môn" để nhanh chóng tự khẳng định mình ở nơi mới, bằng vẻ mặt bất cần, hay cái giọng khá "chua".
Nhưng hầu hết những người ra đi, khi ngẫm lại đều hiểu tại sao Tâm Chánh phải làm vậy, dù đối với ông mỗi thành viên của gia đình SGTT đều đáng quý. Là một người chủ trò, ông phải duy trì cuộc chơi. Nhất là khi đa số những người chơi lại là những cá tính cực kỳ mạnh mẽ, gai góc.
Cũng vì vậy, không ít người coi ông là một "nhà độc tài". Nhưng đằng sau vẻ mặt lạnh lùng đó là một tâm hồn mẫn cảm và luôn thấu hiểu.
Còn nhớ, có một lần, có một phóng viên ở văn phòng Hà Nội gặp đôi chút "trục trặc" với người đại diện. Ông, một mặt, đã kiên quyết bảo vệ người đại diện, để bảo đảm sự vững bền của hệ thống. Nhưng, mặt khác, ông dặn Nguyễn Trọng Tín, đang chuẩn bị ra Hà Nội, là nhớ phải ngồi nhậu với phóng viên kia để xem tâm tư ra sao.
Nhiều người thắc mắc tại sao giọng Tâm Chánh khi ca vọng cổ "ngọt" thế, còn khi họp hành, chỉ đạo, lại "chua" thế. Hay nói theo ngôn ngữ của Nguyễn Minh Sơn, khi giải thích cụm từ "con gái hay trở mặt", Tâm Chánh quả đúng là hay "giở giọng".
NSND Tâm Chính với tiết mục "Cô hàng giải khát" |
Nhưng, may thay, cuối cùng đã có người đã tìm được sự kết hợp hài hoà, chứ không phải là tương phản, trong cái kiểu "giở giọng", thoắt ngọt - thoắt chua, đó. "Cái chua của Tâm Chánh là chua ngọt, kiểu canh chua cá lóc", một nữ nhân viên cũ của Tâm Chánh nhận xét với người viết, khi cả hai tình cờ ôn lại kỷ niệm về SGTT.
Phụ nữ quả là tinh tế! Nhất là khi nhận xét về đàn ông, mà lại là kiểu "Young, Beautiful & Single" như Tâm Chánh.
Đúng là cái chua của canh chua cá lóc là do vị của cà chua và dứa (thơm), kiểu chua chua - ngọt ngọt. Đó là chưa nói đậu bắp, và nhất là giá đỗ, đã làm cho thực khách thêm phần mát họng, mát ruột.
Cô cựu nhân viên của Tâm Chánh còn bật mí thêm: "Tại Siêu thị SGTT có bán hai loại giá: loại còm nhom là "Giá Đỗ Trung Quân", còn loại mập mạp là "Giá Đỗ Hữu Lực" - đều là hàng Việt Nam chất lượng cao cả. Chỉ tuỳ theo khẩu vị mà lựa thôi."
Nghe đến đây, người viết chợt nhớ đến lời nhận xét của một nữ nhà thơ, vốn là đồng nghiệp với "bà xã" của người viết, rằng cái "chua" trong giọng văn Huy Đức là chua kiểu "ô mai". Bà giải thích rằng ô mai vừa chua, vừa mặn, để lại dư vị khá lâu. Và lý do tại sao người ta thích ngậm ô mai cũng chính là lý do tại sao người ta thích đọc đi đọc lại bài của Huy Đức.
"Thảo nào, không ít các cô bé tuổi ô mai (tuổi teen) cũng lại thần tượng Huy Đức đến thế", người viết chợt tìm ra lời lý giải.
Quay lại chuyện Tâm Chánh, nếu có dịp vào Sài Gòn, người viết mong nhất được ông mời thưởng thức một tô canh chua cá lóc, to thiệt là to, do ông tự nấu. Nghe những người đi Quảng Châu và Soeul cùng ông kể lại, Tâm Chánh rất chịu khó sắm đồ nấu bếp, kể từ khi dọn về căn hộ mới.
Còn nếu ông ra Hà Nội, người viết hứa sẽ dẫn ông tới gặp một người đã từng làm một cái nghề mang ít nhiều tính mạo hiểm như nghề của ông. Đó là NSND Tâm Chính (gọi theo kiểu miền Nam cũng là Tâm Chánh) - người nổi tiếng với khả năng giữ thăng bằng trong tiết mục đã trở thành thương hiệu là "Cô hàng giải khát". Nghe nói, trong suốt mấy chục năm biểu diễn xiếc của mình, Tâm Chính chưa từng một lần làm sánh ra ngoài giọt nước từ những chồng ly.
Người viết, vốn là đệ tử của phái Lưu Linh, nhìn giọt Chivas nào sánh khỏi ly là tiếc đứt ruột giọt ấy!