Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cần giữ gìn và phát huy giá trị Cây di sản Việt Nam

(16:37:03 PM 06/11/2023)
(Tin Môi Trường) - Hội đồng Cây di sản Việt Nam - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường (BVTN&MT) Việt Nam đã thông qua hồ sơ công nhận cây dầu rái hơn 300 năm trong khuôn viên chùa Hoàng Ân, P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa là Cây di sản Việt Nam.

Đây là cây di sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Đồng Nai được công nhận. Nhân dịp này, GS-TS ĐẶNG HUY HUỲNH, Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN, Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam đã có cuộc trò chuyện.


GS-TS Đặng Huy Huỳnh

 

Cây di sản góp phần phát triển du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học
 
-Với việc Hội đồng Cây di sản Việt Nam thông qua danh sách ngày 7-9-2023, lần đầu tiên tỉnh Đồng Nai có cây di sản Việt Nam. Với vai trò Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam đồng thời là Phó chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam, ông nhận xét gì về việc Đồng Nai lần đầu tiên có cây di sản Việt Nam?
 
- Trước tiên tôi xin chúc mừng và cảm ơn các vị quản lý khuôn viên chùa Hoàng Ân đã hưởng ứng sự kiện vinh danh Cây di sản Việt Nam của Hội BVTN&MT Việt Nam, và đây là cây nằm trong danh sách 8 ngàn cây di sản Việt Nam. Đây là một niềm tự hào của nhân dân TP.Biên Hòa đã góp phần bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam nói chung và miền Đông Nam bộ nói riêng.
 
Ở Việt Nam, mở đầu cho sự kiện Cây di sản Việt Nam là vào dịp đại lễ kỷ niệm 1 ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Đó là ngày 5-10-2010, 9 cây muỗm cổ thụ gần 1 ngàn tuổi ở đền Voi Phục (Q.Tây Hồ, Hà Nội) đã được Hội BVTN&MT Việt Nam công nhận, vinh danh. Từ đó đến nay trải qua 13 năm, cây di sản Việt Nam đã có mặt ở 55/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, từ dãy núi cao Hoàng Liên Sơn cao 3.430m so với mực nước biển cho đến các vùng sát biên giới Việt - Trung tại cột mốc biên giới số 651 ở H.Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, xuống tận các vùng biển, đảo của Tổ quốc như: Hòn Dấu - Hải Phòng, Sơn Trà - Đà Nẵng, cù lao Chàm - Quảng Nam, Lý Sơn - Quảng Ngãi, Côn Đảo - Bà Rịa - Vũng Tàu, các đảo Sơn Ca, Song Tử Tây, Nam Yết và Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa…
 
Đồng Nai là vùng Đông Nam bộ lần đầu tiên có cây di sản Việt Nam được tôn vinh.
 
- Việc Đồng Nai có cây di sản Việt Nam có là cơ hội tốt để lan tỏa các giá trị của cây di sản tại địa phương?
 
- Cây di sản là loài cây gỗ hay cây thân gỗ, sống lâu năm, mọc tự nhiên hay được trồng có giá trị đặc biệt về cảnh quan môi trường, văn hóa - lịch sử, khoa học. Để được công nhận là Cây di sản Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chí như: cây mọc tự nhiên, phải sống trên 200 năm, cao to hùng vĩ (cao trên 40m, chu vi trên 6m đối với cây gỗ đơn thân còn đối với các cây đa, si thuộc chi ficus phải cao trên 25m, chu vi trên 15m), có hình dáng đặc sắc. Đối với cây trồng, phải sống trên 100 năm, cao to hùng vĩ (cao trên 30m, chu vi trên 3,5m đối với cây gỗ đơn thân còn với cây đa, si thuộc chi ficus phải cao trên 20m, chu vi trên 10m), có hình dáng đặc sắc (ưu tiên các loài có giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử). Cây không đạt các tiêu chí kỹ thuật đã nêu nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học hoặc lịch sử hoặc văn hóa hoặc mỹ quan cũng sẽ được xem xét đặc biệt.
 
“Không chỉ những cá nhân hay địa phương có cổ mộc trăm năm làm đơn trình lên Hội BVTN&MT Việt Nam để được công nhận cây di sản, mà cần có sự đồng lòng chung tay của các tổ chức, cá nhân, khi phát hiện, nghe nói về cổ mộc, thì nên đến thăm, thậm chí chủ động tìm tòi và chủ động làm hồ sơ cho cây”.
 
Vì vậy, việc Đồng Nai có cây di sản Việt Nam không chỉ góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho cộng đồng, đồng thời góp phần phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng địa phương.
 
- Như vậy, việc tôn vinh cây di sản không chỉ có vai trò quan trọng trong bảo vệ hệ sinh thái tại địa phương mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục cộng đồng?
 
- Bảo tồn cây di sản không chỉ có giá trị tạo không gian xanh, làm tăng giá trị các công trình văn hóa, kiến trúc, mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là địa điểm tâm linh, văn hóa của cộng đồng, là điểm tham quan, du lịch hấp dẫn. Cây di sản trên khắp các vùng miền của nước ta hiện nay đã, đang và tiếp tục góp phần hình thành ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen thực vật, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, đặc biệt các hoạt động chăm sóc, bảo vệ cây di sản tại các địa phương đã giáo dục thế hệ trẻ tình yêu thiên nhiên, niềm tự hào dân tộc về truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương...
 
Truyền cảm hứng bảo vệ thiên nhiên, môi trường
 
 -Thưa ông, có phải khi một đại danh mộc được công nhận cây di sản, thì cơ hội để cây được trường tồn cùng thời gian sẽ cao hơn?
 
 - Chúng ta biết, cổ mộc hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm tuổi, cũng như di tích, không phải vô hạn và cũng không phải bỗng nhiên có được. Cần sự đồng lòng chung tay của các tổ chức, cá nhân để bảo vệ, gìn giữ, chăm sóc. Khi triển khai xây dựng các công trình lớn, người ta vô tình khai quật những di tích, di sản có giá trị văn hóa từ hàng ngàn năm lịch sử. Đó là những cổ vật giá trị văn hóa vô giá của dân tộc và nhân loại. Nhưng vì chưa hoặc không được công nhận là di sản, di tích, nên hiện tượng chảy máu di sản, di tích rất phổ biến.
 
Cần giữ gìn và phát huy giá trị Cây di sản Việt Nam
Cây dầu rái được công nhận Cây di sản Việt Nam ở chùa Hoàng Ân. Ảnh: HUY ANH
 
Vì vậy, cứ thêm một đại danh mộc được công nhận cây di sản, đồng nghĩa với việc cây sẽ được cộng đồng bảo vệ, chăm sóc và là cơ hội để cây được trường tồn cùng thời gian sẽ cao hơn. Khi được công nhận cây di sản, cây sẽ được quan tâm, được bảo vệ, tránh việc bị một số người hám lợi mà sẵn sàng bán cây.
 
- Trong tín ngưỡng của người Việt có tục thờ thần cây và các cây cổ thụ được Hội BVTN&MT Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam luôn được người dân xem như báu vật và nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn?
 
- Tín ngưỡng của người Việt rất mạnh, mặc dù không quan niệm vạn vật tính linh như một số tộc người thiểu số, nhưng đồng bào ta luôn luôn chú trọng việc thờ cúng tại các đình, đền, miếu, quán. Vì thế mà nơi đâu cũng có hệ thống thờ các vị thần. Và dĩ nhiên có thần cây. Cây được phong “thành hoàng” thì có Linh Mộc ở La Chàng, tỉnh Hưng Yên. Một số nơi tuy không phong thành hoàng cho cây, nhưng thờ Mộc thần cũng khá nhiều, như Mộc thần ở làng Bối Khê, Thanh Oai, Hà Nội hay Mộc thần ở làng Đào Xá, Ứng Hòa, Hà Nội và nhiều Mộc thần khác trên cả nước.
 
Cây di sản trên khắp các vùng miền của nước ta lâu nay đã, đang được người dân xem như báu vật và nâng cao ý thức bảo vệ giữ gìn. Bởi biết quý trọng thiên nhiên là biết quý trọng mình. Biết quý trọng mình thì biết quý trọng người khác.
 
- Theo ông cần có các chương trình nhằm khơi gợi tình yêu thiên nhiên, ý thức của cộng đồng để bảo vệ cây di sản không?
 
- Việc lựa chọn và vinh danh cây di sản sẽ góp phần bảo tồn nguồn gen tiêu biểu, nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng; quảng bá sự phong phú, đa dạng với giá trị khoa học cao của hệ thực vật Việt Nam, đồng thời tạo nguồn du lịch sinh thái. Trong những năm qua một số cây di sản sau khi được công nhận, vinh danh do tuổi cao hoặc do tác hại từ bên ngoài nên có một số cây  bị chết. Vì vậy, cần phải có giải pháp đầu tư về khoa học và công nghệ, chăm sóc đảm bảo tính khoa học để kéo dài tuổi thọ cho cây di sản.
 
Trong đó, tôi nghĩ rằng vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương cũng như ở các địa phương trong việc truyền thông bảo vệ cây di sản là vô cùng quan trọng.
 
 -Xin cảm ơn ông!
 
Lê Việt Nhân (thực hiện)
 
(Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202310/gs-ts-dang-huy-huynh-anh-hung-da-dang-sinh-hoc-asean-chu-tich-hoi-dong-cay-di-san-viet-nam-can-giu-gin-va-phat-huy-gia-tri-cay-di-san-viet-nam-f71596b/)

 

(Nguồn: báo ĐN cuối tuần)