(Tin Môi Trường) - Huyện Diễn Châu, Nghệ An có 25 km bờ biển trải dài qua gần 10 xã. Vào mùa mưa bão (tháng 9, 10), nhiều loài chim hoang dã, chim di cư theo mùa như Vạc, Én, Cò, Cói… bay về để trú ngụ, tìm kiếm thức ăn trên những rừng phi lao, rừng sú vẹt, khu vực gần ao hồ, cửa sông, cửa lạch. Các cấp chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, ngành Kiểm lâm đã ban hành “lệnh cấm” và thực hiện các biện pháp tuyên truyền, tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn tình trạng săn, bắn, bẫy bắt chim hoang dã, chim di cư. Tuy nhiên, người dân tại nhiều xã vùng ven biển vẫn ngang nhiên săn bắn, bẫy bắt chim trời bằng theo kiểu “tận diệt”.
Ảnh: TTXVN
*Công nghệ bẫy Én
Hàng năm, vào thời điểm từ tháng 9, khu vực đồng ruộng giáp ranh giữa địa bàn hai xã Diễn Kim, Diễn Hải (huyện Diễn Châu) lại “nở rộ” hoạt động bẫy chim Én. Trên con đường liên xã nối địa bàn xã Diễn Kim, Diễn Hải, rất dễ dàng nhận ra nhiều điểm bẫy bắt chim Én. Hoạt động bẫy chim tại các điểm này diễn ra vào các thời điểm trong ngày và chiều tối. Người dân đã trang bị những tấm lưới “tàng hình” (màu trắng, sợi mảnh), bình ắc - quy, loa phát âm thanh giả tiếng chim và những con chim Én làm mồi nhử bị buộc chân bằng sợi dây cước vào cọc gỗ, có thể bay nhảy ở tầm thấp. Khi âm thanh giả tiếng chim được phát ra, những con chim mồi bị buộc chân sẽ đập cánh bay lên, dụ những đàn chim Én bay về và sà xuống thấp. Thợ săn chim ngồi ở cửa lều sẽ nhanh chóng dùng sức để giật tấm lưới có chiều rộng hàng chục mét vuông sẽ bao trùm, nhốt lấy những con chim Én xấu số. Những con chim may mắn thoát nạn dáo dác bay lên cùng tiếng kêu hoảng hốt khi chứng kiến cảnh đồng loại vẫy vùng trong mắt lưới. Sau khi thoát khỏi tấm lưới, những con chim này lại tiếp tục sà xuống để giải cứu đồng loại và sẽ bị sập bẫy.
Tỷ lệ thành công trong những lần giật lưới của “thợ săn chim” khá cao, ít thì vài con, nhiều từ 3 đến 5 con.Với tần suất giật bẫy từ 3 đến 4 phút/lần, chỉ trong vòng vài ba giờ đồng hồ, những thợ săn có thể bẫy bắt được hàng trăm con. Các “thợ săn chim” bán cho thương lái với giá từ 2.000 đồng đến 2.500 đồng/con.
Thừa nhận thực trạng bẫy bắt chim diễn ra trên địa bàn, ông Lê Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu cho biết: Khu vực có các điểm bẫy bắt Én xảy ra thuộc địa bàn xã Diễn Kim, nhưng người của xã khác sang bẫy bắt. Việc bẫy bắt chim trời trên địa bàn còn diễn ra ở rừng phi lao tại khu vực cửa biển Lạch Vạn, chủ yếu là bẫy bắt cò. Thực trạng này, xã đã giao cho lực lượng Công an đi kiểm tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ảnh: TTXVN
*Những vùng “tử địa”của chim trời
Tại vùng ven biển huyện Diễn Châu, môi trường sinh thái khá đa dạng với những rừng phi lao, rừng sú vẹt, nhiều ao hồ, đầm, cửa sông, cửa lạch thích hợp cho các loại chim hoang dã, chim di cư như Vạc, Én, Cò, Cói… tìm về kiếm ăn, trú ngụ. Cứ vào mùa mưa bão, người dân lại ồ ạt săn, bắn, bẫy chim đã hình thành nên những “vùng tử địa” tận diệt chim trời. Thực trạng này dẫn đến hệ lụy đáng báo động khi trực tiếp hủy hoại môi trường, phá vỡ môi trường sinh thái, làm giảm đáng kể số lượng các loài chim hoang dã.
Trên tuyến đê biển ngăn mặn qua địa bàn các xã Diễn Kim, Diễn Thịnh, Diễn Trung... (huyện Diễn Châu), dễ dàng bắt gặp nhiều địa điểm với cảnh tượng những con Cò trắng giả làm bằng xốp, được găm chặt trên ngọn cây, khu vực gần ao đầm nuôi tôm, cửa sông... để đặt bẫy, dụ những đàn cò sà xuống, dính bẫy nhựa, hoặc bị bắn.
Dưới tán rừng phi lao ven biển tại các xã Diễn Kim, Diễn Thịnh, Diễn Trung... không khó để thấy những chiếc lều, lán được thợ săn chim dựng lên để làm nơi nghỉ ngơi và diễn ra các hoạt động săn, bẫy những đàn chim di cư. Xung quanh lều, lán là những con chim bị khâu mắt được buộc chặt trên những giá đỡ. Vô số các sợi dây cước có kích thước khác nhau giăng mắc trong rừng phi lao, một đầu buộc vào thân cây cây, cọc, đầu còn lại dẫn lên các con chim mồi đang bị “giam lỏng” trên ngọn cây. Quanh những con chim mồi là tua tủa những que nhựa dính. Nhìn xuyên qua những tán rừng phi lao là vô số những con Cò giả bằng xốp trắng đang đung đưa theo chiều gió. Các thợ săn chim còn chuẩn bị đầy đủ nguồn nước uống, mỳ tôm, lương khô, bánh kẹo... đủ dùng cho cả ngày. Những khẩu súng hơi, súng săn được các thợ săn dựng bên những thân cây phi lao. Những chiếc thang cao vút, cột buộc bằng những thân phi lao mà các thợ săn chim tạo nên, phục vụ cho việc leo lên quan sát, thu, gỡ chim bị dính bẫy nhựa.
Hoạt động săn, bẫy bắt chim diễn ra chủ yếu vào lúc sáng sớm và chiều muộn. Các loài chim bẫy bắt, bắn được sẽ được vận chuyển về làng trong ngày bằng xe máy để bán cho người dân trong khu vực.
Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh Phạm Bá Ái cho biết: Xã có rừng phi lao rộng, trải dài trên khoảng 4km đường bờ biển. Vấn nạn đánh, bẫy bắt, săn chim trời trước đây xảy ra nhiều. Địa phương đã có những biện pháp ngăn chặn, xử lý. Vào mùa có chim cò về, địa phương kiện toàn lại Ban Quản lý cấm bẫy bắt, săn bắn bắt chim trời. Chính quyền địa phương có văn bản gửi đến người dân và thông báo lên hệ thống truyền thanh của xã về việc nghiêm cấm săn, bắt, bẫy chim trời.
Những cá nhân, hộ dân nào làm chim mồi, nhựa khi bị phát hiện sẽ bị xử lý. Đối với trường hợp đánh, bẫy bắt trong rừng phi lao, lực lượng Công an huyện, xã, bộ đội Biên phòng sẽ đi tuần tra, kiểm tra, bắt và xử lý, thu hồi súng.
Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh cho biết, năm nay cò di cư về địa bàn muộn. Việc người dân tổ chức đánh, bẫy bắt chim trời chỉ là hoạt động lén lút và còn lại ít. Không chỉ người dân sở tại, nhiều người dân ở địa bàn khác sang đánh, bẫy bắt chim trời trên địa bàn.
Ảnh: TTXVN
*Cần chung tay vào cuộc
Ngày 2/8/2023, UBND huyện Diễn Châu đã ban hành công văn số 2106/UBND-NN về việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về quản lý động vật hoang dã và chim di cư trên địa bàn gửi UBND các xã, thị trấn, Hạt kiểm lâm cùng các đơn vị, lực lượng liên quan. UBND huyện yêu cầu chính quyền các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng nội dung Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách để bảo tồn các loại chim hoang dã, di cư; tổ chức ký cam kết không mua bán, nuôi nhốt, săn bắn, bẫy, giết mổ, kinh doanh trái phép chim di cư về sinh sống trên địa bàn; nghiêm cấm tuyệt đối các hộ gia đình, cá nhân dùng các loại súng săn, giăng lưới, đặt chim mồi, băng đĩa phát tiếng chim… để săn bắn, bẫy bắt, giết mổ, mua bán, kinh doanh, chế biến các loại chim di cư; kiểm tra, xử lý nghiêm đối tượng có hành vi săn, bắt, bẫy, mua bán, kinh doanh các chim di cư tại các chợ, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn…
UBND huyện Diễn Châu yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện tham mưu cho UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các lực lượng công an, dân quân tự vệ, lâm nghiệp xã... tổ chức ký cam kết không mua bán, nuôi nhốt, săn bắn, bẫy, giết mổ, kinh doanh, chế biến trái phép các loài chim di cư trên địa bàn; phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức lực lượng kiểm tra tại các chợ, nhà hàng, cánh đồng, hồ đập… ngăn chặn tình trạng săn, bắn, bẫy bắt, mua bán, giết mổ, kinh doanh, chế biến các loài chim di cư...
Công an huyện Diễn Châu có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng Công an xã tăng cường kiểm tra, thu giữ, xử lý các đối tượng dùng các loại súng để săn bắn các loài chim di cư; bố trí lực lượng phối hợp chính quyền địa phương, ngành kiểm lâm tổ chức tháo dỡ, thu dọn dụng cụ bẫy, bắt chim trời. Đồn Biên phòng Diễn Thành (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực các xã ven biển, cảng cá, cửa sông, cửa lạch nhằm kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các trường hợp mua bán, vận chuyển, dùng chim mồi, giăng lưới săn bắt, bẫy các loài chim hoang dã, di cư...
Ông Lê Minh Nguyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Diễn Châu cho biết, Hạt Kiểm lâm đã tổ chức tuyên truyền tại nhiều xã; treo băng rôn tuyên truyền khuyến cáo người dân không săn bắn, bẫy bắt, mua bán, vận chuyển giết mổ, tiêu thụ kinh doanh chế biến, cất giữ các loài chim hoang dã, chim di cư tại các chợ; tổ chức cho người dân ở các xã, các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ký cam thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ chim hoang dã, chim di cư. Nhiều xã đã thành lập tổ kiểm tra, giám sát việc săn bắn, đánh bắt động vật hoang dã trên địa bàn; có thông báo đến người dân trong xã thực hiện nghiêm việc săn bắn, bẫy bắt các loại chim di cư như cò, vạc, én…
Nhiều ngày giữa tháng 9/2023, quá trình tác nghiệp, phóng viên đã thu thập được vô số hình ảnh về tình trạng chim trời bị “tận diệt” trên địa bàn huyện Diễn Châu. Tuy tình trạng mua, bán trực tiếp các loại chim hoang dã, chim di cư tại các chợ trên địa bàn huyện đã “vắng bóng” nhưng để qua mắt các lực lượng chức năng. Các tiểu thương kinh doanh mặt hàng chim trời đã chuyển sang rao bán bằng hình thức online trên các mạng xã hội. Điều này cho thấy, ở một số xã, công tác kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ chim hoang dã, chim di cư vẫn còn buông lỏng. Công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương với lực lượng chức năng trong bảo vệ chim hoang dã, chim di cư còn chưa đồng bộ, kịp thời.
Các tỉnh miền Trung đang vào mùa mưa bão. Đây là thời điểm mà các loài chim hoang dã, chim di cư theo mùa như Én, Cò, Vạc, Diệc... xuất hiện nhiều tại các địa bàn ven biển để tìm kiếm thức ăn, trú ngụ. Là huyện với hàng chục km đường biển, huyện Diễn Châu là một trong những địa phương có các loài chim hoang dã, chim di cư với số lượng cá thể lớn tìm về mỗi khi mùa mưa bão đến. Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, lực lượng liên quan nếu không có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ, mỗi ngày không biết bao nhiêu cá thể chim hoang dã, chim cư sẽ bị “tận diệt”.