(Tin Môi Trường) - Thanh tra tỉnh Đắk Nông vừa công bố kết luận thanh tra công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (gọi tắt là Công ty Nam Tây Nguyên, trực thuộc UBND tỉnh Đắk Nông). Đây là doanh nghiệp có quy mô lớn trong các Công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Ảnh: IE
Kết luận nêu rõ, quá trình Công ty Nam Tây Nguyên xây dựng, thẩm định và phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững (giai đoạn 2020 - 2030) vào năm 2019 đã có nhiều vi phạm, sai phạm. Gói thầu này có giá trị hơn 2 tỷ đồng và giá trúng thầu là 1,996 tỷ đồng. Cụ thể, khi lựa chọn nhà thầu lập phương án, Công ty Nam Tây Nguyên không đăng tải công khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu; trong đề cương dự toán có nhiều công việc, chi phí không thực tế, không phù hợp. Quá trình thực hiện từ năm 2020 - 2022 (thời gian thanh tra), Công ty này không báo cáo kết quả thực hiện phương án quản lý rừng bền vững. Kết quả kiểm tra của Thanh tra tỉnh xác định, nhiều chỉ tiêu, tiểu mục quan trọng trong giai đoạn này không đạt khối lượng, tiến độ.
Đáng chú ý, cơ quan Thanh tra xác định, hơn 290 ha đất đã được phê duyệt trong phương án quản lý rừng bền vững của Công ty Nam Tây Nguyên là rừng, nhưng trên thực tế (xác minh thực địa và bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng các năm trước) đã xác định là đất không có rừng. Trong khi đó, quy trình để phương án được phê duyệt ngoài trách nhiệm của Công ty Nam Tây Nguyên còn có đơn vị tư vấn, Chi cục Kiểm lâm và một số phòng, ban chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông.
Bên cạnh đó, việc xây dựng, triển khai nhiều hạng mục tại Công ty Nam Tây Nguyên trong giai đoạn này cũng bị xác định không nằm trong phương án sản xuất kinh doanh hoặc không đúng phương án đã được phê duyệt. Điển hình như: nhà ở công nhân kết hợp nhà nuôi chim yến (tại tiểu khu 1476) bị xác định chưa đưa vào kế hoạch sản xuất kinh doanh; không đúng kế hoạch sử dụng đất và từng bị UBND xã Quảng Trực xử phạt vi phạm hành chính. Hạng mục trạm quản lý bảo vệ rừng kết hợp điểm dừng nghỉ có quy mô rộng gấp gần 3,5 lần so với phương án đã được ngành chức năng phê duyệt; việc sử dụng hàng chục khối gỗ có nguồn gốc từ khai thác, tận thu là không đúng với chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Nông…
Theo cơ quan Thanh tra, giai đoạn 2020 - 2022, Công ty Nam Tây Nguyên đã đầu tư sửa chữa 14 hạng mục, công trình với tổng kinh phí gần 3,8 tỷ đồng nhưng không đăng tải kế hoạch và kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định. Thậm chí, một số gói thầu đã được gửi văn bản mời thương thảo hợp đồng sau khi có quyết định… chỉ định thầu.
Về việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp của Công ty Nam Tây Nguyên, cơ quan thanh tra xác định, từ năm 2008 - 202, có hơn 3.350 ha đất bị lấn chiếm, sử dụng trái phép. Liên quan tới vấn đề này, một số cơ quan chức năng cũng bị xác định liên đới trách nhiệm. Điển hình như: Trung tâm đo đạc và tư vấn tài nguyên môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông) đã đo đạc, lập bản đồ giải thửa 27 tờ bản đồ với diện tích hơn 300 ha, trong khi toàn bộ diện tích này không thuộc đối tượng được đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cơ quan chức năng các huyện Đắk R’lấp, Tuy Đức đã cấp hơn 50 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai quy định (tổng diện tích gần 100 ha), trong đó có nhiều giấy chứng nhận được cấp cho người thân ông Trần Minh Đức, nguyên Giám đốc Công ty Nam Tây Nguyên…
Căn cứ vào kết quả kiểm tra, xác minh, Thanh tra tỉnh Đắk Nông kiến nghị, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ tham mưu xem xét kiểm điểm, xử lý, chấn chỉnh trách nhiệm Chủ tịch, Giám đốc Công ty Nam Tây Nguyên; thực hiện truy thu tiền dịch vụ môi trường rừng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân theo đúng quy định; giao các cơ quan chức năng thu hồi các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp sai quy định. Đồng thời, chuyển một số nội dung sang cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông điều tra, làm rõ.
Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đang được giao quản lý, bảo vệ hơn 27.000 ha rừng, đất rừng. Đây là doanh nghiệp được giao quản lý, bảo vệ rừng, đất rừng với diện tích lớn thứ hai của tỉnh. Tuy nhiên, khác với phần lớn các doanh nghiệp lâm nghiệp trên địa bàn, Công ty Nam Tây Nguyên có nguồn thu lớn, bền vững và được đảm bảo từ chi trả dịch vụ môi trường rừng từ 800.000 - 1 triệu đồng/ha rừng/năm.