Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Số lượng cây cổ thụ được xét công nhận Cây Di sản lớn nhất từ trước tới nay

(09:29:57 AM 08/09/2023)
(Tin Môi Trường) - Ngày7/9/2023, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã xét gần 1.600 hồ sơ cây cổ thụ, từ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Phước vừa gửi về, công nhận 1.007 cây đủ tiêu chuẩn Cây Di sản Việt Nam.

 Số lượng cây cổ thụ được xét công nhận Cây Di sản lớn nhất từ trước tới nay

Quang cảnh cuộc họp - Ảnh: VACNE

 
Tỉnh Quảng Nam là địa phương đứng đầu về số cây được công nhận đủ tiêu chí trong đợt xét lần này. Cụ thể là: Kiểm Lâm và phòng Văn hóa huyện Tây Giang đã gửi hồ sơ của 1.503 cây Lim xanh (có số đo chu vi thân từ 1,5 đến 6 mét) trong khu vực thôn Tà’ry và Pơr’ning, của xã Lăng ra Hội đồng và được các chuyên gia xác định: có 959 cây trên 200 tuổi, đủ tiêu chuẩn Cây Di sản Việt Nam.
 
Tỉnh Bình Phước là địa phương đứng thứ hai trong danh sách của đợt xét lần này, với 27 cây, tại Tiểu khu 379 Mã Đà, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, do Công ty B58 đăng ký xét bổ sung. Cộng với 135 cây đã được xét ở những đợt trước, tới nay khu vực này đã có 162 cây, thuộc 15 loài được công nhận đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam.
 
Thành phố Hà Nội xếp thứ ba, với 7 cây. Đó là cây Đa hơn 400 năm trong khuôn viên đền Đức Thánh Mẫu, ở thôn Kim Bồng, xã Kim Đường (huyện Ứng Hòa). Bốn cây gần 150 năm (02 cây Sung + 02 cây Vối) ở thôn Chử Xá, xã Văn Đức (huyện Gia Lâm). Hai cây cổ thụ khác của thành phố Hà Nội (cây Đa 239 năm và cây Ruối 308 năm) của thôn Thụy Hà, xã Bắc Hồng, thuộc huyện Đông Anh cũng được xét công nhận trong đợt này.
 
Tỉnh Ninh Bình có 06 hồ sơ cây của xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan gửi đến, nhưng Hội đồng chỉ xét và công nhận 04 cây đủ tiêu chuẩn. Đó là cây Bàng + 02 cây Lộc Vừng và cây Bồ Đề có tuổi gần 200 năm ở trong khuôn viên Đình Yên Chỉ, đủ tiêu chuẩn để công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
 
Các tỉnh: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Khánh Hòa đều có 02 Cây Di sản Việt Nam trong đợt xét lần nay, nhưng mỗi nơi lại có nét đặc sắc riêng. Nếu như cây Đa 09 gốc ở Đền Thỏng và cây Thông mật ở Đền Thượng, của khu danh thắng Tây Thiên (Vĩnh Phúc) được xếp vào loại cổ thụ nhất, thì hai cây: Quao vàng và cây Xoay ở chùa Hòa Thành và đình Tân Lập (đều ở xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm) lại là những loài thực vật mới, lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam.
 
Hai cây Thị có tuổi hơn 300 năm trong khuôn viên chùa Tổ, phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh được Hội đồng công nhận đủ tiêu chí công nhận là Cây Di sản Việt Nam
 
Lần này, tỉnh Thanh Hóa có 04 cây cổ thụ được công nhận đủ tiêu chí công nhận Cây Di sản Việt Nam. Đó là cây Đa hơn 100 năm trong khuôn viên trường Trung học cơ sở xã và 02 cây (01 cây Đa + 01 cây Bàng) đều hơn 100 năm, ở đền Mẫu, thôn Vân Cô, xã Hà Lai huyện Hà Trung. Đặc biệt, có cây Nhội hơn 700 năm của Công ty cổ phần Kỳ Linh Mộc, phường Quảng Thịnh, thành phố Thanh Hóa cũng được xét công nhận đủ tiêu chuẩn.
 
Các tỉnh: Hải Dương, Đồng Nai đều có 01 cây được xét công nhận Cây Di sản Việt Nam. Cụ thể là: cây Bồ đề hơn 200 năm ỏ xóm 3, thôn Đại Uyên, xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn; cây Dầu rái hơn 300 năm trong khuôn viên chùa Hoàng Ân, phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa.
 
Nếu như Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam phê duyệt tất cả những cây đã được Hội đồng thông qua, thì đây là số lượng Cây Di sản lớn nhất từ trước tới nay.
BTV