Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Không thể tiến ra biển theo kiểu bầy đàn

(20:49:17 PM 14/07/2011)
(Tin Môi Trường) - Không chỉ so sánh Vũng Tàu với Đà Nẵng hay Hải Phòng mà phải so sánh với Thượng Hải, Thâm Quyến hay những địa chỉ đầu tư hấp dẫn ở Thái Lan và Myanma. Cạnh tranh hiện nay nó khốc liệt như vậy, chứ không phải Hải Phòng nhìn sang Đà Nẵng rồi thấy mình vậy là "ăn đứt" rồi.

Dàn hàng ngang

 

Nhà báo Huỳnh Phan: Chúng ta chuyển sang đề tài về khu kinh tế ven biển. Trong diễn đàn tại Hải Phòng năm ngoái, tôi còn nhớ, các ông đều nói thực ra vì năng lực chinh phục biển của Việt Nam còn hạn chế nên phải lấy các khu kinh tế ven biển làm bàn đạp. Xin được hỏi, chúng ta đã có 15 khu kinh tế mở, nhưng chúng ta có thể thừa kế được gì từ đó để làm các khu kinh tế ven biển?

 

PGS-TS Trần Đình Thiên: Đánh giá tổng thể thế này. Khu kinh tế biển là cách để thực hiện phát triển kinh tế biển. Ta vẫn nói Khu kinh tế biển là những cứ điểm, trung tâm để lan tỏa vươn ra, thì ý thức xây dựng khu kinh tế biển thường gắn với vùng cảng biển. Đó là những chỗ tốt nhất để lan tỏa và hội tụ phát triển. Ta có 15 khu kinh tế biển, nhưng đa số là chưa thành công theo nghĩa cho đến bây giờ không tận dụng hết năng lực, lợi thế của từng khu, độ lan tỏa rất yếu, hầu như chưa có gì.

 

Đặc biệt, đối với những khu này, những yếu tố để khẳng định đẳng cấp phát triển, kể cả công nghệ lẫn thể chế, là chưa có. Thường thường, khi đã làm khu kinh tế thì phải thiết kế cho nó một thể chế khác, trình độ cao vượt trội. Đối với đặc khu kinh tế thì phải nói đến một đẳng cấp thể chế khác. Nhưng ở ta, thể chế thực tế của các khu kinh tế còn xa mới được như vậy. Ví dụ như Khu Kinh tế Hải Hà (Quảng Ninh) đã có gì đâu. Hay Chu Lai cũng đã có gì đâu. Vốn liếng bỏ vào khá nhiều, nhưng không đến nơi, không đủ mức.

 

Cách tiếp cận đến các khu kinh tế, theo tôi, đã đến lúc phải được nghiêm khắc đánh giá lại, phải thay đổi căn bản. Các khu kinh tế biển không phải chỉ là khu kinh tế. Chúng phải có đặc sắc biển, mang tầm nhìn biển, phải vì biển mà làm khu kinh tế. Cho đến nay, các khu kinh tế cũng "na ná" các khu công nghiệp thôi, trình độ thể chế, đẳng cấp công nghệ, tầm vươn quốc tế rất thấp. Đấy cũng là một cách lãng phí tài nguyên và lợi thế. Những cái "chốt" gắn với biển thực sự để phát huy lợi thế biển là chưa rõ ràng.

 

Tuy nhiên bây giờ đặt vấn đề các khu kinh tế đó là những "cứ điểm" phát triển kinh tế biển, là những tọa độ chiến lược quan trọng bậc nhất, thì cách nhìn, cách hành động phải khác. Phải tập trung nghiên cứu cho ra nhẽ. Phải tập trung nguồn lực cho nó. Ở đây tôi muốn nói tầm nhìn cho những khu kinh tế trong chiến lược biển phải rõ ràng.

 

Thứ hai là cách tiếp cận thể chế trong một khu kinh tế. Ta mở cửa làm những khu kinh tế để làm gì? Là để hút những nguồn lực tốt nhất vào đây, để từ đó lan tỏa ra những vùng xung quanh tốt lên.

 

Để hút được những nguồn lực tốt nhất thì phải làm thế nào? Tốt nhất ở đây là nói đế những cái tốt nhất của thế giới, rồi đến cái tốt nhất của Việt Nam. Để hút được cái tốt nhất thì thể chế ở đó phải là tốt nhất. Luật lệ phải rõ ràng minh bạch nhất, thông thoáng nhất. Những điều kiện để người tài phát huy hết năng lực phải là rõ ràng. Cơ chế kích thích để sáng tạo phải cao nhất.

 

Hãy chú ý đến cách phát triển Thâm Quyến ở Trung Quốc và Inchon của Hàn Quốc. Hai khu đó là điển hình tập trung thể chế tốt nhất cộng với nguồn lực mạnh nhất. Hình ảnh "cứ sau 3 ngày là Thâm Quyến cao thêm một tầng", mới thấy năng lực tập trung nguồn lực khủng khiếp thế nào.

 

PGS-TS Trần Đình Thiên và PGS-TS Nguyễn Chu Hồi. Ảnh: Lê Anh Dũng

 

Thể chế là thể chế tự do. Người bình thường không phải vào là được, phải có năng lực gì đó mới được vào. Inchon cũng là mẫu hình chỉ có những doanh nghiệp công nghệ cao nhất mới được vào. Doanh nghiệp Hàn Quốc đẳng cấp cao có khi còn chưa được vào. Khi tư duy khu kinh tế biển là phải nói đến năng lực tập trung nguồn lực và tập trung trí tuệ.

 

Thêm một yếu tố nữa mà anh Nguyễn Chu Hồi đã vẽ ra là vị trí chiến lược của các khu kinh tế - có gắn với tuyến "hải hành quốc tế" nào không. Không phải chỗ nào có cảng tốt đều làm làm được khu kinh tế to, hiện đại cả đâu. Không thể cứ thấy cảng to là làm được những khu kinh tế giống y nhau. Nhìn bản đồ toàn cầu theo các tuyến "Hải Hành", sẽ thấy có điểm thuận lợi cho việc phát triển khu kinh tế kiểu này, quy mô này, có điểm thuận lợi cho làm việc khác.

 

Ví dụ như Hải Phòng sâu tít vào bên trong Vịnh Bắc bộ, nhưng Vân Phong thì lại là điểm sát tuyến hải hành quốc tế. Khi đó, Vân Phong là tọa độ làm cảng trung chuyển quốc tế là tốt nhất. Câu chuyện làm cảng ở đâu, khu kinh tế biển ở đâu để nối ra thế giới liên quan đến chi phí, liên quan đến khả năng kết nối xung quanh. Như Vân Phong nối ra ngoài tốt, nhưng nối vào trong toàn núi, đất đồng bằng không có, hẹp, Khu Kinh tế biển, đô thị cảng biển mà không có "hậu phương" thì chưa thể phát triển nhanh được. Phải tính đến Vân Phong trong tầm nhìn tương lai, bây giờ thì phải tính sát sườn hơn, cho Hải Phòng, cho Cái Mép - Thị Vải.

 

Cách tiếp cận ở đây thêm một biến số nữa: ngoài thể chế, ngoài năng lực tập trung vốn, phải đặt mình vào trong chuỗi sản xuất của thế giới. Cái đó quan trọng. Nhưng Việt Nam ta chưa quen theo kiểu vẽ bản đồ thành các vòng tròn bán kính lan tỏa mấy trăm cây số hoặc những hình tam giác phát triển để vạch ra tuyến hải hành. Khi làm được như thế, thì những lựa chọn sẽ rõ ràng hơn.

 

Hiện nay, nhiều khu kinh tế ta đã làm rồi, bây giờ phải làm tiếp. Nhưng phải nói ta chưa tính đầy đủ các yếu tố gắn với tầm nhìn xa trông rộng. Do vậy, phải điều chỉnh, phải sửa. Nhưng điều chỉnh không dễ; chi phí điều chỉnh để hiện đại hóa là không nhỏ.

 

Thứ hai là tập trung vào ít tọa độ thôi, không thì những khu kinh tế dàn hàng ngang ra tiến như một trung đội như thế, cộng thêm hơn 200 khu công nghiệp, thì không sức đâu mà làm. Phải tư duy khác đi.

 

Chu Lai, Dung Quất, sau khi đã có Đà Nẵng, lại thêm Chân Mây, Quy Nhơn mà không biết phân vai thế nào thì nơi nào cũng có một vài nhà máy, tỉnh nào cũng có thêm một tí ngân sách, nhưng cơ bản không có gì đột phá, nhất là về phương diện cơ cấu, về năng lực đua tranh quốc tế. Ta phải hỏi ở những khu cảng đắc địa đó, hậu phương công nghiệp nằm ở đâu, hậu phương đô thị nằm ở đâu? Với tầm phát triển nào trong thế giới toàn cầu hóa nào?

Tôi đề xuất là những thể chế ta làm thử, mà không phải thử mà làm thật luôn. Có lẽ chỉ tập trung vào 3 khu kinh tế biển, xây dựng 3 khu kinh tế mà thể chế phải là những khu kinh tế tự do. Như thế mới có điều kiện để tập trung nối với những lợi thế riêng của từng khu để có chức năng phù hợp. Ví dụ Hải Phòng, cửa khẩu cho toàn bộ vùng Bắc Bộ tiềm năng lớn lắm, nối cả hành lang Tây Nam Trung Quốc. Miền Trung có Đà Nẵng - Huế nối với hành lang Đông Tây, và miền Nam là Thị Vải - Cái Mép của Vũng Tàu. Đó là những tọa độ lớn để hình thành những trung tâm - cực phát triển. Về mặt chiến lược quốc gia phải tính như thế.

 

Tạo đột phá để lan tỏa

 

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi: Tôi thấy suy nghĩ của một số người đã phát ra rằng chuỗi các khu kinh tế ven biển hiện nay là một nhóm giải pháp mang tính đột phá để thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Và như anh Thiên nói, thực ra cách làm như hiện nay gần như là cách làm thông thường với 200 khu công nghiệp đã có ở các tỉnh. Thế thì chẳng có biển, chẳng có chiến lược biển, mà muốn phát triển họ vẫn phải tính, phải làm. Bây giờ có chiến lược biển thì nhân tiện "mô hình khu công nghiệp" sẵn có thì nhanh chóng chuyển ra chiếm lĩnh dải duyên hải này mà thôi.

 

Đó cũng là vùng màu mỡ đối với những nước phát triển kinh tế đi theo kiểu bài bản, truyền thống. Đầu tiên các cụ nhà ta cứ bám vào các triền sông màu mỡ làm nông nghiệp, sau đến công nghiệp thì những nơi có thể giao lưu được, hội nhập được thì phát triển trước. Đó là một ý tưởng, nhưng coi nó là một nhóm giải pháp đột phá thì phải tính kỹ hơn. Vì như anh Thiên nói mình có khái niệm khu công nghiệp, khu kinh tế, vậy chúng khác nhau cái gì, nội hàm như thế nào, chỉ số nào để nhận diện sự khác nhau này?,...Rồi các khu kinh tế phải kéo theo mô hình đơn vị hành chính, với thiết kế và quy hoạch khá bài bản để tránh tùy tiện trong phát triển và đầu tư, phá vỡ ranh giới lãnh thổ hành chính mà phải theo cách tiếp cận vùng lãnh thổ để có cái nhìn xa, trông rộng, toàn cục, giảm bệnh "hội chứng - copy style" trong phát triển ở không ít lĩnh vực như vừa qua.

 

Đề cập đến khái niệm khu kinh tế ven biển/hướng biển là cách chơi ở đẳng cấp cao của thế giới. Nhưng đã là đẳng cấp, như anh Thiên nói, mà dàn hàng ngang ra mà tiến thì chắc là khó. Hơn nữa, nếu định coi 15 khu kinh tế ven biển hiện nay sẽ trở thành các "cực phát triển" mạnh ở duyên hải, để tạo ra bán kính lan tỏa ảnh hưởng càng rộng càng tốt, đánh thức tiềm năng các khu vực xung quanh, kết nối không gian các mảng vào với nhau để cho cả một vùng lãnh thổ rộng lớn trỗi dậy về mặt kinh tế, phát triển về xã hội thì tôi cho rằng đầu tiên anh phải nhìn nhận về quy hoạch tổng thể.

 

Tôi cho rằng cùng lúc coi 15 đặc khu này có vai trò như thế, thì lại mắc vào hội chứng cũ, vận hành theo cơ chế xin-cho. Chúng ta đã trải qua một thời đâu cũng xin nhà máy bia, đâu cũng xin nhà máy thuốc lá, cảng nước sâu,...Đến bây giờ là nơi nào có cảng nước sâu thì nơi đó lại có khái niệm khu kinh tế ven biển, gắn với cảng nước sâu như một hạt nhân của cả một khu hành chính trong tương lai. Tôi cho rằng kiểu làm ồ ạt thế này đối với một đất nước có xuất phát điểm của nền kinh tế còn thấp là không hề khôn ngoan.

 

Thứ hai, định làm một khu như thế, thì đầu tiên phải nghĩ ngay đến một cơ chế chính sách, một thể chế đủ tầm cho sự hấp dẫn các nhà đầu tư đẳng cấp cao. Nếu không thì đừng nói mỹ miều là sẽ tạo ra sự đột phá, họ sẽ nhìn vào các tiêu chí đó để đánh giá. Trong tình cảnh đó, tự ta lại dồn hết nguồn lực, gồng hết lên để mà cho vốn đầu tư vào mà không nhìn thấy các chỉ báo dài hạn thì tôi cho là phiêu lưu.

 

Vậy thì quay lại câu chuyện về cực phát triển, tại sao anh bố trí 15 khu kinh tế ven biển ở vị trí này mà không phải ở vị trí khác? Câu hỏi rất đời thường khiến những người ra quyết định phải tính toán, và sự tính toán đó phải được đặt trên bình đồ phát triển mà trong khoa học quen gọi là "tổ chức lãnh thổ".

 

Liên quan đến câu chuyện này, người Pháp rất giỏi và hơn trăm năm về trước các nhà quy hoạch Pháp đã chọn mô hình "cảng - đô thị hóa - biển" để xây dựng thành những "cực phát triển" theo cách tiếp cận tổ chức lãnh thổ duyên hải. Rồi họ vẽ trên bình đồ miền duyên hải các vòng tròn bán kính to nhỏ khác nhau để biểu thị quy mô phát triển của mỗi cực và bán kính ảnh hưởng lan tỏa của nó. Trên cơ sở đó xác định các tuyến lực nối kết các cực như vậy tạo ra mối liên kết vùng, có khả năng đánh thức tiềm năng của cả miền duyên hải và khu vực lãnh thổ rộng lớn xung quanh.

 

Mình phải tổng kết những nguyên tắc ấy để có một bình đồ tổ chức lãnh thổ duyên hải mới, thể hiện tư duy và cái nhìn có tầm của quốc gia. Nếu không sẽ dẫn đến việc mật độ phân bố của các cực sẽ rất buồn cười và có cực mà không có tuyến lực, thiếu liên kết vùng,...Thí dụ như khu kinh tế mở Chu Lai nằm cách khu kinh tế ven biển Dung Quất tầm 20km. Nếu cả hai "ông này" đều bành trướng ra hai bên về không gian hành chính thôi, thì chúng đã sát vào nhau rồi. Cho nên, đứng trên bình diện tổ chức lãnh thổ để xem xét thì sẽ loại bỏ được cách tiếp cận hành chính và dự án theo đơn vị tỉnh (Quảng Nam và Quảng Ngãi). Cần phải khách quan đến mức độ như vậy thì mới bảo đảm được lợi ích toàn cục và cái nhìn lâu dài trong phát triển kinh tế biển-ven biển.

 

Khi hồi cố quá khứ, chúng ta thấy thành phố Hải Phòng bây giờ, nói theo người Pháp, chính là một khu kinh tế ven biển và một cực phát triển quan trọng xưa kia, điển hình của một khu cảng-đô thị-kinh tế biển. Công thức của nó cũng bắt đầu từ cái bến nhỏ Ninh Hải khi ông Gurou trên 100 năm trước đi tàu từ Sài Gòn ra cắm sào ở đây, nói chỗ này là cảng lớn của vùng châu thổ sông Hồng, và chỉ có cảng nước sâu này là tốt nhất. Sau đó nhịp độ đô thị hóa Hải Phòng diễn ra rất nhanh gắn với nhịp độ phát triển của cảng nước sâu này. Đến một mức độ đô thị hóa mạnh, Hải Phòng mới vươn ra phát triển các dịch vụ khác, đặc biệt là kinh tế biển.

 

PGS-TS Trần Đình Thiên: Ở Việt Nam số Khu Kinh tế, Khu công nghiệp thành công rất ít. Như Trung Quốc ban đầu họ chỉ làm 5 đặc khu, sau đó mới lan ra. Sau mấy đặc khu ở Quảng Đông, Phúc Kiến, mới có thêm Phố Đông rồi Thiên Tân, rồi đảo Hải Nam chẳng hạn. Tự lan ra.

 

 
PGS-TS Trần Đình Thiên
 

 

 

Đó là cách làm tạo đột phá để lan tỏa. Đây là đột phá mạnh về thể chế. Những cái đầu tiên phải là mẫu hình để làm tiếp, chứ làm ào ào chất lượng thể chế bao giờ cũng thấp. Phát triển thể chế mà làm chung chung, ào ào thì bao giờ cũng chỉ thích hợp với anh kém nhất chứ không phải anh cao nhất.

 

Điểm thứ hai rất quan trọng là phải thay đổi tư duy thì mới làm được điều đấy. Ví dụ như cách phân cấp, phân chia lợi ích phát triển của ta hiện nay. Chia dự án tỉnh nào cũng bằng tỉnh nào, tức là ở đây không chia theo vai trò chức năng. Hải Phòng có một chức năng mà nếu không mở ra thì cả vùng đồng bằng Bắc Bộ này sẽ chậm phát triển, Hải Phòng không phải là Thái Bình, Hưng Yên..., mà Hải Phòng có lên thì các tỉnh này mới được hưởng lợi. Phải tư duy như thế, chứ không phải Hưng Yên, Thái Bình lại đi "tị" với Hải Phòng là tại sao lại đầu tư cho Hải Phòng nhiều thế, tôi ít thế. Phải hiểu rằng đó không phải là đầu tư cho riêng Hải Phòng, mà cho cả cái vùng này. Vì cả vùng, cả nước nên phải làm như vậy, phải tập trung đầu tư cho Hải Phòng, phải tạo ra cấu trúc thế này, phải có cái cảng này thì cả vùng mới vươn ra thế giới được.

 

Tôi thấy rằng đây là cả một câu chuyện phải thay đổi, trong đó trước hết là tư duy. Nói thì đơn giản, nhưng thực hiện không dễ tý nào, bởi phải thay đổi cả một tư duy về lợi ích. Nó đòi hỏi một tầm nhìn, quyết tâm rất lớn, một cam kết phát triển mạnh mẽ.

 

Ở trong kia (miền Trung và miền Nam) cũng thế thôi. Nhiều khi miền Trung hay bị bão lụt, vì tinh thần tương thân tương ái, thì thôi, chỗ nào nghèo tặng cho một vài dự án phát triển. Các dự án cứ rải như vậy, tuy được cái tình thương tức thời, nhiều khi lại thành lãng phí tiền bạc. Cả dải miền Trung dài dằng dặc như thế, cần thử một mẫu phát triển trước chứ không thể tràn lan. Cả Chu Lai, Dung Quất, sau khi đã có Đà Nẵng, lại thêm Chân Mây, Quy Nhơn mà không biết phân vai thế nào thì nơi nào cũng có một vài nhà máy, tỉnh nào cũng có thêm một tí ngân sách, nhưng cơ bản không có gì đột phá, nhất là về phương diện cơ cấu, về năng lực đua tranh quốc tế. Ta phải hỏi ở những khu cảng đắc địa đó, hậu phương công nghiệp nằm ở đâu, hậu phương đô thị nằm ở đâu? Với tầm phát triển nào trong thế giới toàn cầu hóa nào? Đó là những thứ quan trọng lắm, vì cùng với khu công kinh tế phải là sức hút đô thị.

 

Tại một cuộc hội thảo gần đây, một chuyên gia Nhật Bản cứ đặt đi đặt lại một câu hỏi là tại sao Hải Phòng từ lâu chỉ có 2 triệu dân, và với 2 triệu dân đó, thu nhập còn thấp thì Hải Phòng có lớn lên nhanh được không? Có tiến vượt lên được không?

 

Bởi muốn vươn xa thì dân số phải đông, mức thu nhập tương xứng thì mới bảo đảm được. Chứ còn một thành phố toàn khu công nhân, lương công nhân chỉ có 2 triệu đồng, thì tôi cho rằng vô cùng không có triển vọng phát triển.

 

Cho nên nhiều tỉnh phát triển khu công nghiệp đại trà, khu công nghiệp kiểu cái gì cũng thu hút vào, loại khu công nghiệp tôi gọi là "hầm bà làng", sử dụng chủ yếu nhân lực kỹ năng thấp, năng suất thấp, tiền lương thấp, nói là thảm họa thì hơi quá, nhưng nó là bi kịch phát triển. Chi phí, và thời gian bỏ ra cho phát triển khu công nghiệp đó là rất lớn, phải phát triển trong nhiều năm. Nghĩa là còn phải chung sống với những khu công nghiệp trình độ thấp, với dân cư tiền lương thấp nhiều năm nữa. Vậy thì làm sao tiến lên hiện đại đây?

 

Cách làm khu công nghiệp của ta trình độ quá thấp nên rủi ro rất lớn. Cho nên cách tiếp cận, nhất là hướng ra biển, là phải tạo ra những vùng lớn, những đô thị lớn và hiện đại, và phải tạo được sự lan tỏa, bởi không kết nối được thì cái khu đó sẽ đơn độc, sẽ chết.

 

Ví dụ như có một đường cao tốc là đánh thức cả một vùng không gian, như Hà Nội - Hải Phòng cách nhau trăm cây số, phải đi 3-4 tiếng đồng hồ. Chạy theo đúng chuẩn cao tốc thế giới là chỉ có 40 phút. Đường sắt thì tốc độ như vậy, trên đoàn tàu hầu như chả có ai cả, lãng phí tài nguyên ghê gớm.

 

Hay nhà đầu tư người ta không phải là chỉ nhìn vào Vũng Tàu đâu. Người ta nhìn sang Thái Lan, Trung Quốc kia kìa và người ta sẽ chọn. Họ không chỉ so sánh Vũng Tàu với Đà Nẵng hay Hải Phòng mà so sánh với Thượng Hải, Thâm Quyến hay những địa chỉ đầu tư hấp dẫn ở Thái Lan và Myanma. Cạnh tranh hiện nay nó khốc liệt như vậy, chứ không phải Hải Phòng nhìn sang Đà Nẵng rồi thấy mình vậy là "ăn đứt" rồi. Không phải vậy, anh chưa ăn đứt được ai nếu chưa nhìn ra thế giới. Như vậy ở đây vấn đề là tầm nhìn và cách tiếp cận thể chế phát triển phải khác hẳn.

 

Thêm cái nữa là ban nãy anh Hồi nói về giao thông, tôi đặc biệt quan tâm đến nhân lực. Nhân lực hiện nay đã lên khu công nghiệp đẳng cấp phải cao. Ví dụ Trung Quốc làm Phố Đông ở Thượng Hải với tư duy rằng đó là thành phố hiện đại bậc nhất thế giới của thế kỷ 21. Vậy thì ví dụ như khi ta phát triển Đà Nẵng, Hải Phòng, Vũng Tàu chẳng hạn thì ta phải hình dung thành phố đó sẽ đóng vai trò gì trong chuỗi đô thị của khu vực và thế giới, chức năng và tầm vóc thế nào. Nếu không hình dung như thế thì sẽ không cạnh tranh được.

 

Nhà báo Huỳnh Phan: Thực ra những điều mà hai ông đề cập vừa rồi là cái tư duy làm dự án theo kiểu bầy đàn,và cái gì cũng muốn làm nhanh. Tư duy đó thể hiện rất rõ trong cái thí điểm ta làm tập đoàn kinh tế, tức là chưa có nghị định quy định tập đoàn kinh tế là thế nào ta đã có 8 tập đoàn kinh tế rồi.

 

Hay Chu Lai làm được 2 năm thì sau đấy là một loạt khu kinh tế ra đời. Có thể thấy rất rõ là một khu đại diện cho một hình thức phát triển cao nhất lại do UBND tỉnh nắm, chính cái đó đã kéo cái anh đang ở một trình độ phát triển được kỳ vọng rất cao lại bị quản lý bởi một cơ chế hành chính nhiều khi rất lạc hậu.

 

Điều đó giúp chúng ta những kinh nghiệm gì khi phát triển khu kinh tế ven biển?

 

PGS-TS Trần Đình Thiên: Điều anh nói là đúng. Một ví dụ rất rõ là đô thị cảng lớn là bao giờ cũng phải có một chính quyền cảng. Chính quyền cảng phải khác với chính quyền ở huyện, hay chính quyền của một tỉnh miền núi. Quyền hạn, chức năng, và năng lực của nó phải khác, tức thể chế phải tương ứng, phù hợp.

 

Những khu kinh tế như thế để có thể hấp thụ tốt nhất nguồn lực của thế giới về thì trình độ thể chế cũng phải tiếp cận trình độ thể chế tốt nhất của thế giới, chứ không thể thấp hơn được. Chúng ta cứ nhìn như Dubai, hay bất cứ mẫu hình nào, bao giờ người ta cũng chọn một thể chế tốt nhất thế giới.Và như thế, khái niệm khu kinh tế tự do nó giống như đặc khu, như Thâm Quyến bây giờ đã định hình rồi thì lập tức nó có một cơ chế để không phải đối tượng nào đó cũng sống được, mà phải có một năng lực nhất định nào đó. Chẳng hạn, tuổi trung bình của dân số Thâm Quyến chỉ 26-27 tuổi. Bởi người già vào đó là "chịu chết". Người không có năng lực đổi mới, năng lực sáng tạo, không chịu được đua tranh áp lực cao thì không thể vào đó được.

Theo Huỳnh Phan /VNN