(Tin Môi Trường) - Việc công nhận rừng phòng hộ Cần Giờ là khu Ramsar sẽ tạo uy tín cho TP.HCM, mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế về quản lý có hiệu quả đất ngập nước.
Tuyến đường huyết mạch Cần Giờ (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề cử rừng phòng hộ Cần Giờ thành khu Ramsar (vùng lõi và vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ).
Theo hồ sơ báo cáo sơ bộ, rừng phòng hộ huyện Cần Giờ đáp ứng 4/8 tiêu chí đề cử khu Ramsar. Cụ thể, rừng chứa đựng một mẫu về sự độc đáo, hiếm và đại diện cho một kiểu đất ngập nước tự nhiên hoặc gần với tự nhiên trong vùng địa lý sinh học đặc biệt.
Rừng phòng hộ Cần Giờ có nuôi dưỡng các loài cực kỳ nguy cấp, nguy cấp hoặc sắp nguy cấp, hoặc các quần xã sinh thái đang bị đe dọa, theo tiêu chuẩn của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Thường xuyên hỗ trợ (cung cấp thức ăn, nơi dừng chân) từ 20.000 cá thể chim nước trở lên.
Cuối cùng là đáp ứng tiêu chí cung cấp nguồn thức ăn quan trọng cho các loài cá, là nơi sinh sản, nuôi dưỡng và/hoặc đường di cư mà nhờ đó các loài cá có thể sinh sôi nảy nở tại khu đất ngập nước hay ở nơi khác tùy thuộc vào điều kiện cụ thể.
Với diện tích gần 35.000 ha rừng ngập mặn, rừng phòng hộ huyện Cần Giờ có các hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Đây là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài động thực vật hoang dã có giá trị kinh tế, khoa học. Đóng góp nhiều giá trị to lớn trong việc phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, ổn định đời sống dân cư địa phương cũng như vùng lân cận.
Vùng đất ngập nước Cần Giờ còn gắn liền với hệ sinh thái rừng ngập mặn được phục hồi sau chiến tranh và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam.
Việc công nhận rừng phòng hộ Cần Giờ là khu Ramsar sẽ tạo uy tín cho TP.HCM, mở rộng các quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế về quản lý có hiệu quả đất ngập nước.
Mặt khác, sẽ giúp TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung có tiếng nói trên các diễn đàn quốc tế. Tiếp cận được nhiều thông tin phục vụ cho việc quản lý và sử dụng bền vững đất ngập nước góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Rừng phòng hộ Cần Giờ có diện tích hơn 34.000 ha
Rừng ngập mặn Cần Giờ được hình thành và phát triển trên nền phù sa do hệ thống sông Sài Gòn và sông Đồng Nai mang đến, từ đó lắng đọng tạo thành nền đất, kết hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, chế độ thủy triều bán nhật triều và mật độ sông rạch dày đặc đan xen nhau, tạo thuận lợi cho sự phát triển của hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Năm 1991, sau khi Hội đồng Bộ trưởng có quyết định phê duyệt dự án rừng phòng hộ môi trường TP.HCM, rừng ngập mặn Cần Giờ được chuyển thành rừng phòng hộ môi trường TP.
Từ năm 2000 đến nay, chuyển thành rừng phòng hộ Cần Giờ. Rừng phòng hộ huyện Cần Giờ có diện tích hơn 34.000 ha, trong đó diện tích có rừng hơn 32.480 ha và đất khác là hơn 2.330 ha.
Mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 13 khu Ramsar
Công ước Ramsar là một công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý đất ngập nước và các nguồn tài nguyên từ đất ngập nước. Khu Ramsar là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế được ban thư ký Công ước Ramsar công nhận. Hiện tại Việt Nam có 9 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới.
Theo kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 cả nước có 13 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar.