(Tin Môi Trường) - Ngày 11/8, tại Hòa Bình, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương tổ chức Hội thảo “Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa: Kết quả đàm phán phiên thứ 2 và định hướng của Việt Nam cho các Phiên tiếp theo”.
Quang cảnh hội thảo
Hội thảo có sự tham gia của đại biểu các bộ, ngành, địa phương, thành viên Ban công tác đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa; đại diện các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, tổ chức khác liên quan đến lĩnh vực sản xuất, sử dụng, tái chế các sản phẩm nhựa.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Ngọc Tuấn cho biết, ô nhiễm nhựa đã trở thành một trong những vấn đề môi trường rất nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, nếu không có các giải pháp ngăn chặn kịp thời sẽ để lại những hệ lụy cho nhân loại trong tương lai. Trước yêu cầu cấp bách đó, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã đề xuất các nước tiến hành đàm phán xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa nhằm mục tiêu hướng đến chấm dứt ô nhiễm nhựa, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi những tác động bất lợi trong suốt vòng đời của nhựa; giảm sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa.
Sau hai phiên đàm phán tại Uruguay năm 2022 và Pháp năm 2023, quá trình đàm phán kỹ thuật xây dựng Thỏa thuận hiện đang bước vào giai đoạn có ý nghĩa quan trọng, xây dựng lời văn cho Thỏa thuận để tiến hành đàm phán tại Phiên thứ ba sẽ diễn ra trong tháng 11/2023 tại Nairobi (Kenya) và các phiên tiếp theo trước khi thông qua vào cuối năm 2024. Diễn biến và kết quả đàm phán Phiên thứ hai cho thấy, tiến trình đàm phán tiếp theo sẽ có nhiều khó khăn và phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, ảnh hưởng và tác động đến kinh tế - xã hội và môi trường) ở các mức độ khác nhau.
Về sự tham gia của Việt Nam, Vụ trưởng Lê Ngọc Tuấn cho biết, được sự phê duyệt của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang về chủ trương thành lập Ban công tác đàm phán về ô nhiễm nhựa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, thành lập Đoàn công tác tham gia Phiên thứ hai Hội nghị Liên chính phủ đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, với sự tham gia của các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Công an trong các ngày 27/5 - 4/6/2023 tại Pháp. Đoàn công tác đã tích cực tham gia thảo luận, đóng góp tích cực trong quá trình đàm phán. Tuy nhiên, trong bối cảnh quá trình đàm phán bước vào giai đoạn quyết định, để chủ động chuẩn bị và tích cực tham gia vào quá trình đàm phán, Việt Nam cần xác định rõ định hướng tham gia của Ban công tác đàm phán tại các Phiên tiếp theo, trong đó có việc xây dựng Bản đệ trình của Việt Nam gửi Ủy ban đàm phán thỏa thuận cũng như khả năng tham gia một số cơ chế hợp tác quốc tế như Liên minh tham vọng cao nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa, tận dụng được các cơ hội hợp tác tăng cường năng lực, hỗ trợ nguồn lực cho quá trình triển khai thực hiện Thỏa thuận sau khi được thông qua và ký kết.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận đánh giá diễn biến và kết quả của Phiên đàm phán thứ hai và khuyến nghị định hướng cho việc tham gia đàm phán tại Phiên thứ ba và các phiên tiếp theo, nhất là về những nội dung liên quan đến mục tiêu hướng đến chấm dứt ô nhiễm nhựa vào 2040 kèm theo đó là các nghĩa vụ xây dựng Kế hoạch hành động, hệ thống báo cáo, hoạt động giám sát và đánh giá, kinh tế tuần hoàn về nhựa và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR); khả năng áp dụng chế tài đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ đã cam kết.
Các đại biểu cho ý kiến đối với khuyến nghị nội dung chính Bản đệ trình của Việt Nam gửi Ban Thư ký Hội nghị Liên chính phủ đàm phán thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa và khả năng tham gia Liên minh tham vọng cao về chấm dứt ô nhiễm nhựa dưới góc nhìn đa chiều của các cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế và khối doanh nghiệp. Đối với Bản đệ trình của Việt Nam, các ý kiến góp ý tại Hội thảo tập trung vào nội dung xây dựng phương án, kịch bản và quan điểm đàm phán, đảm bảo lợi ích của quốc gia và phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước, trên cơ sở tham khảo các quan điểm của nhóm các nước có cùng điều kiện và trình độ phát triển.