(Tin Môi Trường) - Nhiều năm gần đây, thực trạng nhức nhối diễn ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là rừng thông bị hủy hoại để chiếm đất.
Ảnh: IE
Đối tượng phá rừng có nhiều thành phần: người dân tộc thiểu số địa phương phá rừng làm rẫy hoặc bán lấy tiền; người từ nơi khác tới chiếm đất xây dựng điểm kinh doanh du lịch, làm nhà nghỉ dưỡng cá nhân; các đối tượng chuyên nghiệp phá rừng chiếm đất để bán thu lợi bất chính…Chủ rừng là các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của nhà nước loay hoay trong việc cưỡng chế, giải tỏa để trồng lại rừng, trong khi các đối tượng phá rừng chiếm đất trái phép chỉ chờ cơ hội để phá hoại.
* Người trồng - kẻ phá
Ngày 5/8, phóng viên trèo đèo, lội suối tới khu vực tiểu khu 99 thuộc địa bàn xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Khu vực này đang bị liệt vào “danh sách đen” của Chi cục Kiểm lâm tỉnh do có nhiều diện tích rừng bị phá. Mặc dù là thứ Bảy nhưng trên con dốc dựng đứng hiểm trở, ngập ngụa bùn đất chỉ có thể đi bộ hoặc xe máy chuyên dụng, hơn chục nhân viên của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim vẫn đi trồng rừng. Họ tới một khu vực thuộc Thôn 1 để trồng lại thông non trên diện tích vừa giải tỏa do người dân phá rừng chiếm đất để trồng cây cà phê.
Ở đám rẫy bên cạnh đường, có 3 người đàn ông đang hối hả trồng, chăm sóc cây cà phê trên mảnh đất có nguồn gốc từ đất rừng. Trên đám rẫy đó, nhiều cây thông hàng chục năm tuổi đã bị ken gốc (đẽo vỏ quanh gốc) chết khô. Họ công khai làm việc của mình, không quan tâm đến những nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim vừa đi qua. Có vẻ như diện tích này không thuộc khu vực quản lý của những nhân viên kia.
Cạnh đám rẫy trên là một cánh rừng thông ba lá cổ thụ, nhiều cây đường kính một người ôm không hết. Nhưng khi phóng viên đến tận nơi quan sát thì nhận ra cánh rừng này đã bị tỉa thưa từ nhiều tháng qua. Nhiều cây đã chết khô, những cây còn lại phần lớn bị chất củi đốt cháy đen dưới gốc hoặc bị ken gốc, lá đã chuyển sang màu đỏ, nhiều cành đang khô héo. Nhiều cây thông vừa bị cưa quanh gốc, lớp mùn cưa vẫn còn tươi. Với tình trạng này, chỉ một thời gian nữa, cả rừng thông cổ thụ này sẽ chết khô, gãy đổ và trở thành đất trống, không còn chút dấu hiệu nào của rừng. Nằm xen rừng thông trên lại là một đám rẫy cây cà phê mới được trồng. Những mầm cà phê chưa kịp tươi lại, mới được trồng trước đó vài giờ.
Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, từ báo cáo của Tổ bay Flycam số 01 của Chi cục, riêng xã Đạ Sar đã có tới 19 vị trí rừng bị phá và lấn chiếm đất rừng với tổng diện tích bị tác động là 5,3 ha.
Cũng trên diện tích rừng thuộc các lô e, b, d khoảnh 9 Tiểu khu 99, thuộc lâm phần do Trạm Quản lý bảo vệ rừng Đạ Sar quản lý, các đơn vị chức năng gồm Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương và đại diện tổ nhận khoán thời gian qua đã tổ chức giải tỏa hơn 30.700m2 đất cùng hơn 500m2 hàng rào kẽm gai. Đây là diện tích đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch rừng phòng hộ đã bị lấn chiếm trồng cây cà phê, ngô...Sau khi giải tỏa, lực lượng chức năng đã tổ chức trồng thông non trên diện tích này.
Tại văn bản số 494/KL-TTPC ngày 14/7/2023, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, UBND xã Đạ Sar kiểm tra, xác minh 19 vị trí có biến động về rừng và đất lâm nghiệp. Qua kết quả kiểm tra, xác minh từng hiện trường, phân loại hướng xử lý và lập hồ sơ xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định; báo cáo kết quả về Chi cục kiểm lâm trước 30/7/2023 để tổng hợp theo dõi và chỉ đạo kịp thời…
Chỉ đạo là như vậy, nhưng cho tới ngày 8/8, ông Vũ Đình Cường, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết vẫn chưa nhận được báo cáo từ Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương. Câu hỏi dư luận đặt ra ở đây là việc 5,3 ha rừng bị lấn chiếm đã xảy ra từ lâu nhưng chỉ khi lực lượng cơ động của Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra thì mới phát hiện, giao lực lượng quản lý, bảo vệ rừng cấp dưới xác minh.
Trước đó cũng tại xã Đạ Sar, ngày 9/6/2023, phóng viên đã thông tin việc nhiều cây thông ba lá hàng chục năm tuổi ở tiểu khu 145A bị khoan gốc, bơm hóa chất, chết đứng ngay cạnh đường lớn. Diện tích rừng thông bị đầu độc nằm cạnh các khu vực có nhiều nhà kính, khu sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương thuộc diện quy hoạch rừng phòng hộ tự nhiên. Theo người dân địa phương, đây là khu vực đất có giá trị rất cao, lên tới 2- 3 tỷ đồng/1.000 m2, nên có thể các đối tượng đầu độc chết thông rừng để chiếm đất.
Trở lại vị trí trên sau 2 tháng phản ánh vụ việc, phóng viên nhận thấy hàng chục cây thông già bị đầu độc không thể cứu được. Chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đã cưa hạ, chất đống dưới chân cánh rừng. Theo kế hoạch, chủ rừng sẽ tiến hành trồng lại thông trên đó. Nếu không bị "lâm tặc" phá nhổ, cây sinh trưởng tốt thì cũng phải mất khoảng 30-40 năm nữa mới có một cánh rừng mới như cánh rừng vừa bị hủy hoại.
Ảnh: IE
* Chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe
Sau khi phóng viên phản ánh hiện trạng phá rừng ở Thôn 1, xã Đạ Sar tới Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, ngày 9/8, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà là đơn vị quản lý khu vực có đám rẫy và cánh rừng trên, đã khẩn trương xác minh thông tin.
Ông Phạm Quang Hải, Phó Hạt trưởng cho biết, vào hồi 13 giờ 30 phút ngày 9/8/2023, đơn vị đã lập biên bản, ghi nhận hiện trường việc lấn, chiếm rừng trái pháp luật. Vị trí trên được xác định thuộc rừng phòng hộ tự nhiên ở khoảnh 1, tiểu khu 114A do Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà quản lý. Theo khoanh vẽ tại hiện trường, tổng diện tích bị lấn chiếm là 3.850 m2. Toàn bộ diện tích đã được trồng cây cà phê cao từ 20-30cm. Xung quanh khu vực bị tác động có 12 cây thông ba lá bị ken rải rác, đường kính từ 16-44cm, trong đó chỉ có 3 cây lá còn xanh. Trên diện tích đã trồng cà phê có 25 cây thông ba lá bị cưa chỉ còn gốc đã bị khô mục. Trạm Kiểm lâm Liêng Ka đã khẩn trương giải tỏa vị trí trên và đang mời người vi phạm là của ông Lơ Mu Thom My (ở Thôn 3, xã Đạ Sar) lên để làm việc. Trước đó vào tháng 12/2022, đơn vị đã từng tiến hành giải tỏa khu vực này nhưng đến nay bị lấn chiếm lại.
Khi được hỏi tại sao chủ rừng không tổ chức trồng lại thông trên diện tích giải tỏa, ông Hải cho biết, cứ trồng thông non, lại bị các đối tượng nhổ lên, lãng phí tiền bạc và công sức. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật thì những hành vi trên lại chỉ có thể xử lý vi phạm hành chính. Các đối tượng phá rừng trái phép lợi dụng kẽ hở của luật pháp để chỉ vi phạm dưới mức khởi tố hình sự.
Huyện Lạc Dương nằm ở phía Bắc, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 12km. Theo quy hoạch điều chỉnh các đơn vị hành chính, thời gian tới Lạc Dương sẽ sáp nhập vào thành phố Đà Lạt. Vì thế đất ở cũng như đất sản xuất đều có giá rất cao nên nhiều đối tượng đã phá rừng, chiếm đất ở các vị trí sắp có quy hoạch đắc địa. Một người dân cho biết, sau khi có thông tin tuyến đường đá đi vào Thôn 1 sẽ được đầu tư nâng cấp, mở thông từ xã Đạ Sar sang xã Lát, xã Đưng K’Nớ (đều thuộc huyện Lạc Dương), rồi nối sang tỉnh Đắk Nông, có nhiều người tìm cách lấn chiếm, mua đất dọc tuyến này. Hai bên con đường hiểm trở này, nhiều phần đất vẫn còn những cây thông cổ thụ nhưng đã được rào bằng dây kẽm gai, chôn trụ đánh dấu “chủ quyền”. Giữa những lùm cỏ dại, gốc thông cháy khô là những cây cà phê cao chưa tới một gang tay vừa được trồng xuống.
Toàn huyện Lạc Dương hiện có hơn 116.000 ha rừng và đất quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp, chiếm trên 88% tổng diện tích tự nhiên. Hầu hết diện tích rừng của Lạc Dương nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 của cả nước và duy nhất ở Tây Nguyên, bao gồm vùng rừng nguyên sinh rộng lớn, là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam.
Việc quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Lạc Dương hiện đang được giao cho hai đơn vị là Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim (trực thuộc UBND huyện) khoảng hơn 40.000 ha và Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà (trực thuộc UBND tỉnh Lâm Đồng) hơn 60.000 ha. Tuy nhiên, các tiểu khu được giao cho 2 đơn vị này quản lý lại đan xen và có nhiều địa bàn tiếp giáp nhau. Bởi vậy các đối tượng thường lợi dụng tình trạng này để phá rừng chiếm đất tại các vị trí tiếp giáp, khiến cho việc quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn ngày càng trở nên phức tạp. Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cũng như các chế tài chưa đủ mạnh, nhiều kẽ hở bị lợi dụng khiến cho các biện pháp xử lý những đối tượng vi phạm không đủ sức răn đe, cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế địa phương…