(Tin Môi Trường) - Loại hình chi trả dịch vụ môi trường rừng đã chứng minh hiệu quả tại nhiều địa phương trong việc nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng, tạo thu nhập và sinh kế cho nhiều cộng đồng miền núi. Theo các chuyên gia môi trường, cơ chế này cần mở rộng áp dụng với các hệ sinh thái khác nhằm tạo nguồn thu cho việc bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái và các loài hoang dã.
Ảnh minh họa: IE
* Thu hút các nguồn lực bảo vệ môi trường
Ông Đào Xuân Lai, Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và Môi trường của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, chi trả dịch vụ hệ sinh thái đã được công nhận rộng rãi như một công cụ chính sách thành công để quản lý tài nguyên thiên nhiên ở nhiều nước trên thế giới. Các chương trình này đã được áp dụng cho các dịch vụ hệ sinh thái khác nhau trên phạm vi quốc tế, bao gồm: Bảo tồn đa dạng sinh học, dịch vụ lưu vực sông, hấp thụ carbon và vẻ đẹp cảnh quan. Tổng số tiền chi trả hàng năm của các chương trình Chi trả dịch vụ hệ sinh thái trên toàn thế giới là trên 36 tỷ USD.
Việc đưa ra các sáng kiến thúc đẩy dịch vụ hệ sinh thái sẽ góp phần vào cho công cuộc tái tạo, phục hồi đa dạng sinh học và hệ sinh thái ở Việt Nam; đóng góp thiết thực trong việc thực hiện các mục tiêu đa dạng sinh học mà Việt Nam cam kết trong Khung Đa dạng sinh học Toàn cầu đưa ra tại Hội nghị lần thứ 15 (COP15) các bên của Công ước Đa dạng sinh học.
Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Đình Thọ cho biết, theo khoản 1 Điều 138 Luật Bảo vệ môi trường 2020, chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên là việc tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên trả tiền cho tổ chức, cá nhân cung ứng giá trị môi trường, cảnh quan do hệ sinh thái tự nhiên tạo ra để bảo vệ, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên.
Theo đó, nguyên tắc chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên được quy định là: Tổ chức, cá nhân sử dụng một hoặc một số dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên phải chi trả tiền dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên. Việc chi trả tiền dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên được thực hiện bằng hình thức trả tiền trực tiếp hoặc chi trả gián tiếp thông qua ủy thác. Tiền chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên được hạch toán vào giá thành sản phẩm, dịch vụ của bên sử dụng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, phải bảo đảm bù đắp chi phí cho hoạt động bảo vệ, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên. Tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên phải sử dụng tiền thu được từ chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên để bảo vệ, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên.
Các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên được chi trả bao gồm các dịch vụ: môi trường rừng của hệ sinh thái rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; hệ sinh thái đất ngập nước phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản; hệ sinh thái biển phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản; hệ sinh thái núi đá, hang động, công viên địa chất phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí; hệ sinh thái tự nhiên phục vụ mục đích hấp thụ và lưu trữ carbon
Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định rõ hình thức chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên. Theo đó, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên trả tiền trực tiếp cho tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên thông qua hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên. Trường hợp không thực hiện theo hình thức trả tiền trực tiếp, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên trả tiền cho tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên theo hình thức ủy thác qua quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh hoặc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam trong trường hợp địa phương chưa có quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh.
* Cần cơ chế tài chính mang tính toàn diện
Theo Tiến sỹ Trần Thị Thu Hà, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mở rộng các cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái có thể thu hút và huy động hiệu quả các nguồn lực. Trong đó, loại hình chi trả dịch vụ hệ sinh thái ở Việt Nam bước đầu đã được áp dụng thành công đối với hệ sinh thái rừng. Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng đã hình thành việc chi trả dịch vụ môi trường rừng giúp đóng góp vào nguồn lực phi ngân sách cho ngành Lâm nghiệp, gia tăng nguồn thu cho rừng, giảm nhẹ gánh nặng lên ngân sách Nhà nước và nâng cao hiệu quả bảo vệ cũng như phát triển rừng, tạo thu nhập và sinh kế cho nhiều cộng đồng miền núi. Vì vậy, trong việc bảo tồn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, cần mở rộng hình thức chi trả này cho các dịch hệ sinh thái khác để tạo nguồn thu cho việc bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái và các loài hoang dã nhằm bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái, phục hồi các loài nguy cấp mà hiện nay ngân sách vẫn chưa thể đầu tư được.
Theo Tiến sỹ Trần Thị Thu Hà, tại Việt Nam, những bài học kinh nghiệm từ chi trả dịch vụ môi trường rừng là cơ sở để nhân rộng cơ chế tương tự cho các hệ sinh thái khác, trong đó có môi trường biển và đất ngập nước. Việt Nam đã triển khai các sáng kiến giống như cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái cho các hệ sinh thái biển và đất ngập nước, tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có loại hình chi trả mang tính toàn diện cho dịch vụ của các hệ sinh thái này. Nước ta hiện áp dụng một số chi trả dịch vụ hệ sinh thái trong thực tiễn như: Thu phí dịch vụ tham quan đối với các khu vực biển, vùng đất ngập nước được bảo vệ, mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản, hay phát triển các phương pháp nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường ở một số vùng ven biển với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các ngành liên quan... Trong đó, nhiều sáng kiến không duy trì được lâu do cơ sở pháp lý chưa rõ ràng.
Mới đây, nhóm nghiên cứu Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường và UNDP đã xây dựng đề án chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên cấp tỉnh và cấp cơ sở; chuẩn bị đề án thí điểm cơ chế chi trả dịch vụ hấp thụ, lưu trữ carbon đối với hệ sinh thái biển, hệ sinh thái đất ngập nước. Nhóm nghiên cứu đưa ra các khuyến nghị, bao gồm: Xây dựng tiêu chí, phương pháp đánh giá dịch vụ hệ sinh thái biển, đất ngập nước quốc gia; hỗ trợ đánh giá và đánh giá dịch vụ hệ sinh thái ở cấp cơ sở; lập bản đồ hiện trạng dịch vụ hệ sinh thái biển, đất ngập nước ở Việt Nam; xây dựng hướng dẫn cho cấp tỉnh và cấp cơ sở đề án cơ chế chi trả; có thí điểm hoạt động chi trả và hoàn thiện chính sách, quy định về chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, trọng tâm là hệ sinh thái biển và đất ngập nước.
Các chuyên gia môi trường cho rằng, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hiện nay vẫn chưa đủ đáp ứng cho bảo tồn đa dạng sinh học trong việc thực hiện các công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn... Do vậy, theo các chuyên gia, cần có một cơ chế tài chính mới, chính sách mới để thu hút được các nguồn lực bổ sung cho những thiếu hụt đó về lâu dài và bền vững hơn bằng cách xây dựng một cơ chế khuyến khích, huy động sự tham gia của người dân Việt Nam và khối doanh nghiệp đầu tư tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học hay các cơ chế mới trong hình thức chi trả dịch vụ hệ sinh thái ngoài hệ sinh thái rừng, chính sách khuyến khích, đóng góp phần phụ trội thuế của cá nhân và doanh nghiệp cho đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, để thu hút đóng góp, hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, các chuyên gia đề nghị cần có các cơ chế chứng chỉ, tín chỉ đa dạng sinh học, tiếp cận thị trường tín chỉ carbon, cơ chế hoán đổi nợ cho bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, trái phiếu xanh, tín dụng xanh, thiết lập các quỹ về đa dạng sinh học như quỹ bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái, quỹ cứu trợ loài, mở rộng các cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái để có thể thu hút, huy động hiệu quả các nguồn lực.