(Tin Môi Trường) - Công ty Huyền Diệu – Bellalove đăng ký nhãn hiệu Hoa hậu Sinh thái thiếu niên Việt Nam (hình) có sử dụng các từ ngữ mang tính chất mô tả, chỉ địa danh không mang tính chất phân biệt có khả năng sẽ không được đăng ký, dù trước đó đã có thông báo chấp nhận đơn hợp lệ.
Vừa qua, Công ty TNHH Truyền thông Q-Talent có đơn gửi đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai về việc tranh chấp bản quyền tên gọi của Cuộc thi Hoa hậu Sinh thái thiếu niên Việt Nam.
Theo đó, Công ty Q-Talent cho rằng Công ty TNHH Giải trí Huyền Diệu – Bellalove (đơn vị tổ chức) đã vi phạm bản quyền tên gọi cuộc thi của mình khi quảng bá về cuộc thi Hoa hậu Sinh thái Thiếu niên Việt Nam 2023 (tên tiếng Anh Miss Eco Teen Vietnam - PV). Trong khi đó, năm 2021, Công ty TNHH Truyền thông Q-Talent có tổ chức 1 cuộc thi online mang tên Miss Eco Teen Vietnam 2021 nằm trong khuôn khổ cuộc thi Hoa hậu Môi trường Việt Nam.
Ngay sau đó, Công ty Huyền Diệu – Bellalove đã có phản hồi đầy đủ thông tin và gửi các giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của tên gọi. Cụ thể, đơn vị tổ chức cung cấp Quyết định của Cục Sở hữu Trí tuệ về việc chấp nhận đơn hợp lệ đối với nhãn hiệu Hoa hậu Sinh thái thiếu niên Việt Nam.
Cục Sở hữu trí tuệ thông báo quyết định chấp nhận đơn hợp lệ về hình thức đơn cho Công ty Huyền Diệu - Bellalove.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo, bà Nguyễn Thị Thúy - Phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Đà Nẵng - cho biết Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ là kết quả xét nghiệm hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu. Theo đó, xét nghiệm hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu nhằm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký nhãn hiệu: Xác định việc phân nhóm nhãn hiệu đã đúng chưa, thông tin kê khai trên đơn nhãn hiệu đã hợp lệ chưa.
“Đây chưa phải là giai đoạn xác định việc nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ hay không được cấp văn bằng bảo hộ. Sau khi chủ đơn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, trong vòng 1 tháng Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành xét nghiệm hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu. Nếu đơn đã hợp lệ thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ; nếu đơn chưa hợp lệ Cục Sở hữu trí tuệ ra Thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ và thông báo cho người nộp đơn”, bà Thúy chia sẻ.
Sau khi thông báo đơn hợp lệ cho chủ đơn, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành các thủ tục tiếp theo như công bố đơn, thẩm định nội dung đơn và thông báo quyết định cấp văn bằng nhãn hiệu hay không… Do đó, quyền sở hữu trí tuệ chỉ được xác lập khi có quyết định cấp văn bằng.
Vì vậy Quyết định của Cục Sở hữu Trí tuệ về việc chấp nhận đơn hợp lệ đối với nhãn hiệu Hoa hậu Sinh thái thiếu niên Việt Nam của Công ty Huyền Diệu – Bellalove là thông báo hình thức đơn đúng theo quy định. Tuy nhiên, Huyền Diệu – Bellalove vẫn chưa phải là đơn vị sở hữu nhãn hiệu này cho đến khi có quyết định cấp văn bằng nhãn hiệu.
Bà Thúy cho biết Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ là thông báo đơn hợp lý về mặt hình thức. Việc thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu là công việc tương đối phức tạp, đòi hỏi chuyên môn, trình độ và tuân theo các quy định chặt chẽ của pháp luật. Đây là công việc do chuyên viên thẩm định nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ trực tiếp thực hiện. Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu là đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.
Nhãn hiệu muốn được bảo hộ phải có khả năng phân biệt. Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi bổ sung 2022).
Công ty Huyền Diệu - BellaLove đăng ký nhãn hiệu Hoa hậu Sinh thái thiếu niên Việt Nam (hình). (Ảnh: Trang website cuộc thi)
Cụ thể, tại điểm c khoản 2 điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ nêu rõ, dấu hiệu mang tính mô tả hàng hoá, dịch vụ như dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu thì nhãn hiệu đó bị coi là có dấu hiệu không có khả năng phân biệt.
Trong khi đó, nhãn hiệu Công ty Huyền Diệu – Bellalove đăng ký nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh,... tuy nhiên trong nhãn hiệu có từ ngữ mang tính mô tả, không có khả năng phân biệt. Cụ thể, trong nhãn hiệu Hoa hậu Sinh thái thiếu niên Việt Nam, Công ty Huyền Diệu – Bellalove sử dụng từ “hoa hậu sinh thái”, “thiếu niên” là những từ ngữ mang tính mô tả và “Việt Nam” là tên địa danh....
Với trường hợp Công ty Q-Talent cho rằng Công ty Huyền Diệu – Bellalove đang tổ chức cuộc thi giống hay tương tự có dấu hiệu gây nhầm lẫn nếu có thì liên quan đến quyền tác giả được tự động xác lập quyền khi tác phẩm được hình thành. Theo đó, kịch bản chương trình cuộc thi có khả năng được bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả.
Ngoài ra, căn cứ vào khoản 1 điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Vì vậy, không phụ thuộc vào thời điểm đăng ký bản quyền tác giả mà phụ thuộc vào việc tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định vào thời gian nào.
Do đó, bên nào chứng minh được chương trình của mình tạo ra trước thì bên đó sẽ có quyền. Việc chứng minh có thể thông qua kịch bản cuộc thi/chương trình được đăng tải trên các thông tin đại chúng và thực tế đã tổ chức từ các năm trước đây, hoặc thông qua Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả. Phụ thuộc vào thời điểm nào có trước thì dùng phương thức có trước đó để chứng minh.
Diệu Nguyên