Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nguy cơ băng ở Bắc Băng Dương biến mất sớm hơn dự báo

(06:38:42 AM 08/06/2023)
(Tin Môi Trường) - Bất chấp các nỗ lực của thế giới nhằm giảm khí thải carbon và ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu, các nhà khoa học cho biết băng ở Bắc Băng Dương sẽ sớm biến mất vào mùa Hè, có thể vào mùa Hè năm 2030, sớm hơn một thập niên so với dự báo trước đây.

 Nguy cơ băng ở Bắc Băng Dương biến mất sớm hơn dự báo

Ảnh minh họa: IE

 

Hằng năm vào mùa Đông, biển ở Bắc Cực này đóng băng. Đến khoảng tháng 3, băng bao phủ gần như toàn bộ đại dương này với diện tích trên 15,5 triệu km2. Đến mùa Hè băng ở đây bắt đầu tan. Dù vậy, đến cao điểm vào tháng 9 tại khu vực này vẫn còn băng trên đất liền hoặc băng trôi trên biển.
 
Tuy nhiên, theo nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Nature Communications ngày 6/6, ngay cả khi thế giới có thể khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, lượng lớn băng trôi ở Bắc Cực vẫn sẽ tan vào tháng 9.
 
Giáo sư Dirk Notz tại Viện Hải dương học Đại học Hamburg (Đức), đồng tác giả nghiên cứu, cho rằng đã “quá muộn” để bảo vệ băng ở biển Bắc Cực vào mùa Hè như một cảnh quan và môi trường sống. Đây là thành phần quan trọng đầu tiên của hệ thống khí hậu mà con người đánh mất do hoạt động phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Sự sụt giảm lượng băng có tác động nghiêm trọng theo thời gian đối với thời tiết, con người và hệ sinh thái, không chỉ trong khu vực mà trên toàn cầu.
 
Chuyên gia Min Seung-ki tại Đại học Công nghệ và Khoa học Pohang (Hàn Quốc), trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết dự báo trên sớm hơn 10 năm so với báo cáo trước đây của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC). Trong nghiên cứu năm 2021, IPCC đưa ra dự báo với “độ tin cậy cao” rằng băng ở Bắc Băng Dương hầu như sẽ tan hết ít nhất một lần vào giữa thế kỷ này. Ông Min Seung-ki và các đồng nghiệp ước tính con người chịu trách nhiệm tới 90% đối với tình trạng băng tan nói trên, phần còn lại xuất phát từ yếu tố tự nhiên như hoạt động của Mặt Trời và núi lửa.
 
Diện tích băng tối thiểu ở Bắc Cực giảm xuống mức thấp kỷ lục 3,4 triệu km2 được ghi nhận vào năm 2012, tiếp đến lần lượt là vào các năm 2020 và 2019. Theo các nhà khoa học,  Bắc Băng Dương được coi là "không có băng" nếu diện tích băng bao phủ ít hơn 1 triệu km2, chiếm khoảng 7% tổng diện tích của đại dương.
 
Trong khi đó, băng ở vùng Nam cực đã giảm xuống còn 1,92 triệu km2 vào tháng 2 năm nay, mức thấp nhất được ghi nhận và thấp hơn gần 1 triệu km2 so với mức trung bình giai đoạn 1991-2020.
Mai Nguyễn