(Tin Môi Trường) - Hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, sáng 7/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng kết 10 năm công tác thông tin, tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2013-2023".
Trung tâm Truyền thông Cộng đồng Môi trường -Hội BVTN&MT Việt Nam treo banner hưởng ứng Tháng môi trường và ngày môi trường thế giới (5/6) tại Tra Vinh
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, các cấp, ngành đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu. Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, góp phần phát huy sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đảng đã đề ra tại Nghị quyết số 24-NQ/TW.
Để đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới, Hội thảo là dịp để các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý đánh giá về những kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế trong triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về Nghị quyết số 24-NQ/TW. Các chuyên gia cũng đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trong thực hiện công tác định hướng thông tin, tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Việt Phong, từ những kết quả đạt được trong 10 năm tổ chức thông tin, ngành Tuyên giáo đã quán triệt sâu sắc và tổ chức thông tin, tuyên truyền, triển khai quyết liệt, có nhiều đổi mới; phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng đạt được những kết quả quan trọng. Từ đó góp phần giáo dục nâng cao nhận thức, hình thành ý thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, góp phần ổn định xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phát triển bền vững đất nước. Việc phổ biến, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở một số địa phương, đơn vị còn hạn chế; Công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể thực hiện các hình thức tuyên truyền về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường chưa phong phú, đa dạng, nhất là việc tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở.
Thời gian tới, ông Phan Việt Phong nhấn mạnh, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đa dạng hóa các kênh thông tin, tuyên truyền biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường…
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia, đại diện các sở, ngành, địa phương đã chia sẻ, thảo luận những nội dung như: Khó khăn trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; kinh nghiệm tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp, hiệp hội tại địa phương trong tuyên truyền, thực hiện chủ trương, chính sách về thích ứng với biến đổi khí hậu; giới thiệu một số mô hình thông tin, tuyên truyền tiêu biểu có sự tham gia của chính quyền và người dân vùng ven biển chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu…
Các đại biểu kiến nghị các giải pháp như: Xây dựng cơ sở dữ liệu về các chuyên gia hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; trao đổi thông tin kinh nghiệm hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; củng cố và tạo điều kiện cho các mạng lưới lưới về môi trường, biến đổi khí hậu hoạt động ngày càng tốt hơn.