(Tin Môi Trường) - Ngày 23/5/2023, dưới sự chủ trì của GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã họp, xét công nhận 15 cây cổ thụ ở các tỉnh, thành phố: Lạng Sơn, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Bình và An Giang đủ tiêu chuẩn Cây Di sản Việt Nam.
Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã họp, xét công nhận 15 cây cổ thụ ở các tỉnh, thành phố.- Ảnh: DANH TRƯỜNG
Tỉnh Lạng Sơn là địa phương đứng đầu về số lượng cây được xét, công nhận trong đợt này (10 cây); Hà Tĩnh có 2 cây và các địa phương còn lại, mỗi nơi chỉ có 01 cây.
Huyện Cao Lộc tỉnh Lạng Sơn có 11 hồ sơ cây gửi về, nhưng chỉ có 01 cây bị loại (cây Nhãn). Còn lại 10 cây (06 cây Đa. 02 cây Đại và 02 cây nhãn) đều được các thành viên Hội đồng công nhận: đủ tiêu chuẩn công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Cụ thể là: 02 cây Đa có tuổi hơn 200 năm trong khuôn viên đình Háng Pài, thôn Còn Pheo, xã Thụy Hùng – nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn cách đây 90 năm; 01 cây Đa trong khuôn viên đình thôn Thà Chỏ, xã Yên Trạch và 01 cây Đa khác cũng có độ tuổi hơn 200 năm trong khuôn viên trạm y tế xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc.
Mặc dù đã công nhận 06 cây cổ thụ (02 cây Đại hoa trắng gần 500 năm, 02 cây Đa hơn 300 năm và 02 cây Nhãn gần 150 năm) trong khuôn viên Chùa, thôn Bắc Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc đủ tiêu chí, nhưng Hội đồng yêu cầu địa phương phải mở rộng không gian sống cho cây, thì mới công nhận những cây này là Cây Di sản Việt Nam.
Tương tự như những cây trên, cây Bồ đề gần 150 năm ở cổng đình An Trì, tổ dân phố An Trì, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng cũng được công nhận, nhưng với điều kiện: cộng đồng địa phương phải mở rộng không gian sống, để chăm sóc và bảo vệ cây tốt hơn.
Cây cao tuổi nhất, trong số những cây cổ thụ được xét công nhận là Cây Di sản Việt Nam trong đợt này, là cây Thị hơn 800 năm ở xóm Kim Sơn, xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Và cũng tại Hà Tĩnh, còn có cây Gạo hơn 200 năm trong khu dân cư số 05 đường Hồ Giao, tổ dân phố Giang Thủy, thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân được Hội đồng nhất trí công nhận đủ tiêu chí công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Trong đợt xét lần này, tại khu vực miền Trung còn có cây Gạo hùng vĩ (chu vi thân tới 14m, cao 25m) đứng trên khu vực núi đá – khu bảo tồn Vọoc gáy trắng, thuộc thôn 3 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Tỉnh An Giang cũng có một cây cổ thụ được xét, công nhận đủ tiêu chí Cây Di sản Việt Nam. Đó là cây Dầu rái hơn 200 năm, cao 27 m trong khuôn viên Đình, thờ danh nhân Thoại Ngọc Hầu, tại khóm Đông Sơn I, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn./.