Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thành phố thông minh không chỉ cần phần cứng

(08:24:15 AM 23/05/2023)
(Tin Môi Trường) - Thành phố thông minh có phải chỉ cần phần cứng như máy móc, công nghệ hay cần cả phần hồn là sự tử tế trong cư xử với các không gian công cộng?

Ở khắp mọi nơi trên đất nước Úc, từ các trung tâm thành phố nhộn nhịp như Perth, Melbourne, Sydney… đến những vùng ngoại ô vắng vẻ hơn, luôn tìm thấy sự tử tế của người dân trong ứng xử với không gian công cộng. Đối với tôi, quả là những trải nghiệm dễ thương, tạo ra sự thư thái cho hành trình đến đất nước mà mùa xuân bắt đầu từ đầu tháng 9, còn mùa hè thì từ đầu tháng 12.

 
Perth đến Sydney, qua Melbourne
 
Ngay từ Perth, thủ phủ của bang Tây Úc với dân số 2,7 triệu người, có thể thấy sự sạch sẽ và ngăn nắp khắp nơi. Đường phố hầu như không có rác, người đi đường tôn trọng lẫn nhau. Hệ thống giao thông công cộng rất hiệu quả với các chuyến tàu, xe đúng giờ, giúp mọi người dễ dàng di chuyển.
 
Đến Melbourne, thủ phủ 4,2 triệu dân của bang Victoria, cũng nhận thấy những điều tương tự. Người dân lịch sự, tôn trọng khách du lịch và dường như luôn sẵn lòng chỉ đường hay cho biết những thông tin cần thiết khác.
 
Bản chất thân thiện và hay giúp đỡ của người dân khiến Melbourne trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn. Thành phố còn được biết đến nhờ các điểm đến văn hóa và ăn uống đa dạng.
 
Thành phố thông minh không chỉ cần phần cứng
Yên bình nơi thị tứ: Một khu phố cổ trong trung tâm của Perth
 
Tại Melbourne, vợ tôi thích nhất là các công viên. Vào đó có thể thấy người đi dạo, cho chim ăn; trưa thì nằm dài hoặc ngồi ăn một miếng sandwich. Kế đến là đi xe điện mặt đất (tram), vốn miễn phí trong khu CBD (khu trung tâm gồm nhiều cửa hàng, văn phòng...) nên luôn nhộn nhịp người lên kẻ xuống. Nhưng lên xe, thỉnh thoảng lại thấy người Úc kề thẻ vô một cái hộp để trả tiền do đi ra ngoài khu vực miễn phí và không người soát vé.
 
Còn Sydney, với hơn 4,5 triệu người, từ lâu đã là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất trên thế giới với Nhà hát Con Sò - biểu tượng của cả nước Úc. Thật không thể nào chê do sự sạch sẽ của công viên, bãi biển và không gian công cộng khác của thành phố lớn nhất nước Úc này.
 
Tự giác trong ứng xử
 
Sự tự giác là một đặc điểm nổi bật của người Úc. Điều này thể hiện rõ trong cách họ ứng xử trong cuộc sống hằng ngày.
 
Buổi sáng của ngày bay từ Perth đến Melbourne, chúng tôi không thể đi xe buýt từ sân bay vào thành phố vì còn quá sớm và phải gọi xe công nghệ. Chừng 5 phút đã có xe đến đón dù lúc đó mới 3 giờ sáng.
 
 Đến nơi lưu trú - một căn hộ trung tâm thuê qua dịch vụ lưu trú, nhân viên một siêu thị nhỏ ở dưới chung cư giao chìa khóa cho tôi sau khi xem hộ chiếu. Anh ấy nói thêm: "Tôi đã chờ ông bà 30 phút rồi. Chúc ông bà vui vẻ ở Melbourne!".
 
Quả là họ nổi tiếng đúng giờ cùng khả năng quản lý thời gian hiệu quả và sự tận tâm với công việc.
 
Thành phố thông minh đương nhiên là một thành phố được cải tiến thông qua sự tích hợp của công nghệ thông tin và viễn thông vào các lĩnh vực như giao thông, an ninh, quản lý môi trường và dịch vụ công cộng. Tuy nhiên, nó không chỉ đơn thuần gồm công nghệ mà còn đòi hỏi sự tử tế của người dân trong những vấn đề như đối xử với không gian công cộng.
 
Một thành phố thông minh đúng nghĩa phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với quản lý môi trường. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và người dân. Với sự phát triển của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (Internet of Things - IoT), blockchain, thành phố thông minh có thể được cải thiện đáng kể.
 
Tuy nhiên, giải pháp công nghệ tiên tiến thôi chưa đủ mà còn phải giáo dục để tạo ra sự thay đổi trong cách suy nghĩ và cư xử của người dân.
 
Thành phố thông minh không chỉ cần phần cứng
Không phải cái gì cũng tiền: Xe điện miễn phí trong trung tâm Melbourne
 
Sự sạch sẽ trên khắp nước Úc là một minh chứng cho tính tự giác của người dân. Từ đường phố đến công viên hầu như luôn sạch đẹp, còn những bãi biển như Bondi của Sydney thật hoang sơ. Dường như người Úc hiểu rằng bảo vệ môi trường sẽ mang lại lợi ích cho tất cả. Điều này còn thể hiện qua cách họ xử lý chất thải.
 
Để đựng rác luôn có 3 thùng, như trong sân trước nhà chị tôi, người sinh sống ở Úc gần 40 năm, tại một nơi không xa Bankstown - khu buôn bán của người Việt ở ngoại ô Sydney. Thùng màu đỏ để bỏ rác thông thường, tức không tái chế, bao gồm thức ăn; thùng màu vàng để bỏ rác tái chế được, ví dụ chai lọ thủy tinh, thùng các-tông…; thùng màu xanh để bỏ cây lá của sân vườn (nếu có).

Gương mẫu mọi lúc mọi nơi
 
Vì sao người Úc làm được những điều trên?
 
Tất cả đều bắt đầu từ chính quyền - gương mẫu và rõ là phục vụ người dân - cùng với việc áp dụng đúng những luật lệ đề ra, từ đó thúc đẩy hành vi tốt và tính kỷ luật, tự giác cho mọi công dân đất nước mình.
 
Một người anh của tôi, đã nghỉ hưu, hiện làm phiên dịch Việt - Anh cho một bệnh viện, cho biết anh vẫn xếp hàng khi đi khám bệnh, không ưu tiên gì cả. Anh kể thêm các luật lệ, quy định nghiêm ngặt được áp dụng nhằm thúc đẩy sự trật tự, an toàn, sạch đẹp và tôn trọng người khác. Trong đó, bao gồm xử phạt hành vi xả rác, vẽ bậy cùng các hình thức phá hoại công cộng khác. Riết rồi quen!
 
Sau khi tìm hiểu thêm, tôi được biết một trong những lý do chính cho mức độ văn minh này là sự nhấn mạnh giáo dục. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em đã được dạy về tầm quan trọng của tính kỷ luật, tự giác, lịch sự và tôn trọng những người xung quanh, cũng như sống sao cho sạch sẽ. Qua đó mà tự hào về cuộc sống của mình. Khi chúng lớn lên, những giá trị này trở thành một phần trong "ADN" chúng mang theo suốt cuộc đời. Người Úc luôn được khuyến khích học hỏi và phát triển cá nhân.
 
Trung tâm Sydney, gọi là City, có hiệu sách Dymocks. Những lần tới đây, lúc nào tôi cũng thấy người ta mua sách, từ tiểu thuyết đến sách hướng dẫn du lịch, kỹ năng sống, chưa kể những sách học tập chuyên sâu như sử dụng Windows 11. Điều này cho thấy đọc sách không chỉ phản ánh nhu cầu tự nhiên của con người mà còn cả nền giáo dục của một đất nước.
 
Khi bắt đầu bay để về sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM), tại sân bay Kingsford Smith của Sydney, tôi chứng kiến một chuyện buồn, ngay sau lưng vợ chồng tôi. Có hai vợ chồng nói tiếng Việt - không rõ đã sống ở Úc lâu hay mới đây - tìm cách vượt qua hàng dài người xếp hàng lên máy bay trong khi vé ghi rõ số ghế, không giống vé xe buýt. Tôi bèn nói: "Thôi thì nhường cho anh chị lên trước vậy". Họ liền rụt lại, đứng im! 
 
Ưu tiên xử lý rác
 
Ở Úc, xử lý rác và giáo dục công dân về rác rất được chú trọng. Một số thành phố chúng tôi đi qua, ở lại nhiều ngày gần đây như Perth, Melbourne và Sydney là những ví dụ điển hình!
 
Xử lý rác là một trong những yếu tố quan trọng để tạo thành một thành phố thông minh, bền vững. Khi mỗi người đều có ý thức cao, không vứt rác bừa bãi mà thực hiện phân loại rác và đổ vào thùng rác đúng quy cách, họ không chỉ giúp cho thành phố được sạch sẽ hơn mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
 

Thành phố thông minh không chỉ cần phần cứng 

Đất lành chim đậu: Sếu đầu đen cả bầy trong một công viên ở Sydney
 
Chính quyền các thành phố ở Úc đã áp dụng một số biện pháp như sử dụng hệ thống xử lý rác thải tiên tiến: Toàn nước Úc đều có hệ thống xử lý rác thải hiệu quả; mọi thành phố đều có hệ thống thu gom và xử lý rác thải đô thị, bao gồm các trạm phân loại, tái chế và xử lý rác thải.
 
Các thành phố lớn như Perth, Melbourne và Sydney đương nhiên rất chú trọng đến việc giữ gìn các công viên, công trình công cộng và khu vực xanh mát trong thành phố. Công viên Royal Botanic Garden ở Sydney chẳng hạn, là một trong những công viên nổi tiếng nhất của thành phố này.
 
Để giữ gìn vẻ đẹp của công viên, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp chặt chẽ, bao gồm đẩy mạnh xử lý rác thải và sử dụng các loại rác tái chế. Các đội quản lý công viên cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội như tập huấn về môi trường và sử dụng năng lượng tái tạo cho người dân địa phương.
 
Các thành phố ở Úc thường có các chương trình tình nguyện viên cho người dân tham gia giữ gìn vệ sinh các khu vực công cộng. Ví dụ, ở Melbourne, chương trình Clean Up Australia Day (tạm dịch: Ngày dọn dẹp nước Úc) được tổ chức mỗi năm để kêu gọi người dân thu gom rác thải và giữ gìn sạch sẽ các khu vực công cộng. Đây cũng là một cách thúc đẩy trách nhiệm cá nhân trong việc bảo vệ môi trường.
NGỌC TRÂN