(Tin Môi Trường) - Ngày 5/5/2023, Trường ĐH Nông Lâm TP. HCM phối hợp với Hội Marketing Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Xây dựng và phát triển thư viện thực hành sản xuất nông nghiệp tốt" trong khuôn khổ Dự án “Thư viện thực hành sản xuất Nông nghiệp tốt - GAP.Org.Vn và Tiếp thị Nông sản Việt”.
Quang cảnh tọa đàm
Tham dự Tọa đàm, về phía Hội Marketing Việt Nam có ông Trần Hoàng - nhà sáng lập Dự án, Chủ tịch Hội Marketing Việt Nam, Chủ tịch VietnamMarcom; TS. Trần Quý - Viện trưởng Viện phát triển kinh tế số Việt Nam; TS. Nguyễn Xuân Khánh - Viện trưởng Viện khoa học nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp và công nghiệp ASEAN. Về phía Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM có PGS.TS. Huỳnh Thanh Hùng - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM; TS. Trần Đình Lý - Chủ tịch Điều hành dự án, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; đại diện các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp; cùng lãnh đạo các đơn vị phòng, trung tâm, khoa và giảng viên, sinh viên thuộc Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM.
Chương trình Toạ đàm nhằm phát huy kết quả của Dự án với tầm nhìn sẽ là Cổng thông tin, tri thức tiếp thị, quảng bá và xây dựng thương hiệu nông sản Việt, đồng thời phát triển mở rộng các lĩnh vực khác để trở thành nền tảng cho nhà sản xuất nông nghiệp xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường và giá bán tốt hơn cho sản phẩm.
TS. Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP. HCM, Chủ tịch điều hành dự án phát biểu về "Góc nhìn Dự án Tiếp thị Nông sản Việt".
Một trong những hoạt động, dự án trọng điểm là xây dựng, phát triển Thư viện thực hành sản xuất nông nghiệp tốt - GAP.Org.Vn với 3 mục tiêu. Thứ nhất là Kiến tạo - Kết nối - Hội tụ - Lan tỏa nguồn lực, tri thức, giải pháp tiêu biểu của các doanh nghiệp nông sản đầu ngành, đại học, hiệp hội, tổ chức chuyên gia nhằm hướng đến sự phát triển kinh tế nông nghiệp thương hiệu nông sản hiệu quả, bền vững, đạt chuẩn của khu vực và thế giới.
Thứ 2 là hợp tác cùng các doanh nghiệp nông sản đầu ngành, tôn vinh, phát triển 30 diễn cứu toàn diện của các cây con tiêu biểu của Việt Nam, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, giảng dạy, ứng dụng trong các trường, viện, doanh nghiệp và cộng đồng.
Cuối cùng là góp phần nâng cao sự hiểu biết toàn diện của người tiêu dùng, cộng đồng, khách hàng, đối tác, cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm và trách nhiệm của các bên nhằm tiếp sức, góp phần cho phát triển bền vững.
Doanh nghiệp tham gia tọa đàm
Tại đây, các đại biểu trình bày và chia sẻ về những kết quả đã đạt được của Dự án đối với mảng thuỷ sản và cây trồng. Từ đó đề xuất các tính năng và chức năng cần thiết cho các điển cứu và cổng thông tin điện tử phát triển trong tương lai; tiếp tục phát huy Cổng thông tin tiếp thị và xây dựng phát triển thương hiệu nông sản Việt để từ đó kết nối các doanh nghiệp quan tâm và đẩy mạnh truyền thông; đồng thời xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển tương lai của các nhóm ngành còn lại.
Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Ban điều hành Dự án và các đại diện doanh nghiệp
Cũng trong khuôn khổ chương trình, đại diện Ban điều hành dự án và đại diện các doanh nghiệp TTC AgriS, Công ty Mỹ Lệ TNHH, Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam, Viện Khoa học Nghiên cứu Ứng dụng Nông nghiệp và Công nghiệp ASEAN, Công ty CP Đầu tư Đức Nhân Holding đã tiến hành ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận nhằm thiết lập quan hệ hợp tác và phối hợp giữa hai đơn vị trong việc nâng cao giá trị của ngành nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực Việt Nam và thế giới.
Các bên cũng cam kết đồng hành những chiến lược, trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đào tạo chuyên môn sâu cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật; đồng thời, phối hợp thực hiện, tổ chức các hội nghị, hội thảo, sự kiện trong nước và quốc tế.