Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

9 Kỷ lục Châu Á mới cho các món ăn/nhóm món ăn, đặc sản nổi tiếng Việt Nam

(09:41:39 AM 13/04/2023)
(Tin Môi Trường) - Đầu tháng 4/2023, Tổ chức Kỷ lục Châu Á chính thức công nhận thêm 09 Kỷ lục Châu Á cho các món ăn/nhóm món ăn, đặc sản nổi tiếng Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đề cử, đánh dấu cột mốc 50 Kỷ lục Châu Á trong lĩnh vực Ẩm thực của Việt Nam, theo bộ tiêu chí xác lập “Giá trị Ẩm thực Châu Á”.

Đầu tháng 4/2023, Tổ chức Kỷ lục Châu Á chính thức công nhận thêm 09 Kỷ lục Châu Á cho các món ăn/nhóm món ăn, đặc sản nổi tiếng Việt Nam. Với số lượng này cũng đánh dấu cột mốc 50 Kỷ lục Châu Á trong lĩnh vực Ẩm thực của Việt Nam, theo bộ tiêu chí xác lập “Giá trị Ẩm thực Châu Á”.

 
9 MÓN ĂN/NHÓM MÓN ĂN, ĐẶC SẢN NỔI TIẾNG VIỆT NAM ĐƯỢC TỔ CHỨC KỶ LỤC CHÂU Á GHI NHẬN THEO SỰ ĐỀ CỬ CỦA VIETKINGS (LẦN THỨ 5/2023)
 
9 Kỷ lục Châu Á mới cho các món ăn/nhóm món ăn, đặc sản nổi tiếng Việt Nam
Các loại bánh dân gian Cần Thơ
 
1. CÁC LOẠI BÁNH DÂN GIAN CẦN THƠ (TP.CẦN THƠ)
 
Cần Thơ được biết đến như là một thành phố sầm uất và phát triển nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ là điểm đến hấp dẫn về cảnh quan nên thơ và trữ tình, Cần Thơ còn nổi tiếng với hàng trăm loại bánh dân gian đặc sắc “ngon mắt, đã miệng”. Các loại bánh dân gian Cần Thơ có lịch sử lâu đời từ lúc khai hoang mở đất với nguồn nguyên liệu tự nhiên từ gạo, nếp, khoai, củ… để chế biến thành những món bánh vừa thơm ngon, vừa bổ dưỡng.
 
Bánh dân gian Cần Thơ có hàng trăm loại vô cùng đa dạng, có thể kể đến một số bánh như: Bánh tằm bì, bánh ướt, bánh in, bánh đùm, bánh còng, bánh bột nếp, bánh gói, bánh hẹ, bánh da lợn, bánh bột rán, bánh ít nước tro, bánh lá mít, bánh lá mơ, bánh kẹp ngò, bánh chuối hoa cúc, bánh lọt, bánh con sùng ngũ sắc,…
 
Đối với người dân Cần Thơ, các loại bánh dân gian không chỉ dùng để ăn mà còn là những giá trị văn hóa lâu đời cần được gìn giữ và phát huy.
 
Hiện nay, các ngành chức năng địa phương cũng đã có nhiều cố gắng để bảo tồn và đưa bánh dân gian Nam bộ gần hơn với du khách trong và ngoài nước thông qua nhiều sự kiện, lễ hội. Tiêu biểu nhất có thể kể đến Lễ hội Bánh Dân gian Nam Bộ được tổ chức thường niên (tính đến này đã tổ chức lần thứ 10).
 
2. XÔI CHIÊN PHỒNG (TỈNH ĐỒNG NAI)
 
Xôi là một món ăn dân dã, quen thuộc với tất cả mọi người. Khác với loại các loại xôi thông thường thường, xôi chiên phồng là món ăn được chế biến có phần công phu và tỉ mỉ hơn. Địa danh Biên Hòa – Đồng Nai được xem là cái nôi sản sinh ra món ăn độc đáo này.
 
Điều tạo nên sự khác biệt của xôi chiên phồng là sau khi đồ chín nếp, xôi được giã và nhồi với đường và đậu xanh, sau đó đem chiên cho phồng lên. Nhồi và chiên là hai khâu quan trọng nhất trong quá trình làm món ăn này.
 
Món xôi chiên phồng khiến thực khách đầu tiên nhìn thấy đều không giấu được vẻ ngạc nhiên, thích thú khi một quả cầu bánh vàng rộm, căng phồng dần được đầu bếp cho thành hình. Món ăn này sau đó được cắt ra thành từng miếng mỏng ngoài giòn, trong mềm dẻo, ăn kèm với gà đút lò hoặc gà quay để làm tăng hương vị.
 
Người chiên phải kiên nhẫn, khéo léo và đều tay xoay trở xôi thì mới tạo được độ phồng tròn đều, chín vàng cả ngoài lẫn trong, khi cắt ra không có phần xôi dư, cắn vào miếng xôi thấy giòn nhưng vẫn giữ được sự mềm mại của nếp, vị ngọt nhẹ của đường và mùi thơm của các nguyên liệu quyện lại.
 
Với xôi chiên phồng, ăn không phải chỉ để no, để thấy ngon mà còn để cảm nhận được công sức, sự khéo léo, kỹ thuật và tâm hồn của người đầu bếp, vì thế xôi chiên phồng không đơn thuần là món ăn mà còn là một tác phẩm nghệ thuật.
 
3. BÁNH PHU THÊ ĐÌNH BẢNG (TỈNH BẮC NINH)
 
Phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh là nơi nức tiếng gần xa bởi đặc sản truyền thống Bánh Phu Thê có từ bao đời. Với người dân nơi đây, Bánh Phu Thê không chỉ là nét văn hóa đặc trưng mà còn là lễ vật không thể thiếu trong ngày Tết, Lễ hội và mâm cỗ cưới hỏi, kết duyên. Món bánh này đặc biệt ngay từ tên gọi.
 
Tương truyền, tên gọi Bánh Phu Thê xuất phát từ sự tích vua Lý Anh Tông đi đánh trận, người vợ ở nhà thương chồng vất vả đã tự tay vào bếp làm bánh gửi ra cho chồng. Vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình vợ chồng nên đã đặt tên bánh là Bánh Phu Thê. Cũng vì tên gọi ấy mà bánh phu thê luôn được buộc thành cặp, biểu trưng cho sự gắn bó son sắt của tình chồng vợ.
 
Để làm nên một chiếc bánh dẻo, thơm, vỏ nhân hòa quyện, người thợ bánh phải vô cùng khéo léo và có kinh nghiệm trong từng công đoạn. Vỏ bánh làm từ gạo nếp cái hoa vàng, nhân được làm bằng đậu xanh đãi sạch vỏ, giã nhuyễn trộn với đường cát trắng, nước cốt dừa và dừa nạo. Sau khi gói, bánh được đun chín và vớt ra buộc lại từng cặp bằng một chiếc lạt màu hồng với ý nghĩa cầu mong cho tình cảm vợ chồng mãi nồng thắm.
 
Khi thưởng thức, thực khách sẽ cảm nhận được màu vàng trong của bánh, nhìn thấu những sợi đu đủ bên ngoài lớp vỏ, độ dẻo của bánh được toả ra từ gạo nếp cái hoa vàng, cộng với độ béo bùi của đậu xanh, dừa và vị ngọt của đường... Tất cả hòa quyện với nhau tạo thành hương vị đặc biệt của bánh phu thê Đình Bảng.
 
9 Kỷ lục Châu Á mới cho các món ăn/nhóm món ăn, đặc sản nổi tiếng Việt Nam
 
4. THANH LONG (TỈNH BÌNH THUẬN)
 
Bình Thuận là tỉnh có địa hình chủ yếu là đồi núi thấp với khí hậu khô hanh quanh năm. Nhưng có lẽ cũng chính bởi thổ nhưỡng hanh khô của vùng biển nhiệt đới mà trái Thanh long Bình Thuận có được một hương vị rất riêng so với các vùng miền khác. Cây Thanh long được trồng tại Bình Thuận từ trước những năm 1990 nhưng chủ yếu phục vụ cho mục đích thờ phụng của người dân. Sau này, nhu cầu thưởng thức Thanh long ngày càng tăng, người dân địa phương tập đã trung trồng và biến loại cây này trở thành nông sản xuất khẩu chủ lực.
 
Thanh long là loại quả có tác dụng giải khát, giải nhiệt nhanh; bảo vệ và tăng cường sức khỏe với nhiều vitamin, chất xơ và muối khoáng. Hiện nay, Thanh long được trồng tại Bình Thuận ngoài ruột trắng vỏ hồng loại ruột đỏ vỏ hồng, ruột tím vỏ hồng và ruột trắng vỏ vàng. Ngoài tiêu thụ trái tươi, Bình Thuận đã và đang đẩy mạnh các sản phẩm Thanh long chế biến phục vụ cho việc xuất khẩu cũng như thời gian bảo quản, sử dụng như: Thanh long sấy khô; Rượu Thanh long; Giấm; Mứt, Nước ép từ Thanh long, Tương Thanh long…
 
Thanh long Bình Thuận hiện chiếm đến 90% sản lượng Thanh long xuất khẩu của cả nước, được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, ở thị trường quốc tế, Thanh long Bình Thuận được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý tại các nước trong khối Liên minh châu Âu (EU). Nhãn hiệu “Bình Thuận Dragon Fruit” đã được 14 nước, vùng lãnh thổ bảo hộ: Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Đài loan, Hoa Kỳ, Singapore.
 
5. NƯỚC MẮM CON CÁ VÀNG – CÔNG TY CP NƯỚC MẮM PHAN THIẾT (TỈNH BÌNH THUẬN)
 
​Nước mắm được làm từ cá cơm lên men được ủ trong những thùng gỗ lớn suốt một thời gian dài, được xem là gia vị làm nên nét riêng biệt cho nền ẩm thực Việt Nam.
 
Điểm đặc biệt của nước mắm Phan Thiết so với nước mắm các vùng khác của Việt Nam là ở sắc vàng rơm (nếu nguyên liệu là cá cơm) hay màu nâu nhạt (cá nục), chất nước mắm trong và sánh, có mùi thơm nồng và vị ngọt đậm do đạm cao. Một phần do quá trình ủ chượp dưới thời tiết nắng và gió - nhiệt độ trung bình của vùng Phan Thiết cao hơn, độ ẩm thấp tác động tích cực đến cơ chế lên men.
 
Tại tỉnh Bình Thuận, Công ty Cổ phần Nước mắm Phan Thiết là doanh nghiệp lớn, chuyên sản xuất nước mắm, chủ yếu là nước mắm cao đạm đóng chai với thương hiệu PT FISACO “Hiệu Con Cá Vàng”. Nước mắm hiệu Con Cá Vàng của Công ty CP Nước mắm Phan Thiết nổi tiếng được làm từ phương pháp truyền thống, nguyên liệu chính là cá cơm sọc than và muối hạt trắng mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng biển Bình Thuận.
 
Nước mắm hiệu Con Cá Vàng có đầy đủ đạm, các vitamin và các chất khoáng chất. Sản phẩm nước mắm của đơn vị được đóng chai với dung tích từ nhỏ đến lớn và nhiều loại đạm. Tiêu biểu là: Nhất Nông (11oN), Nhị Lộc (20 oN), Tam Tài (30 oN), Tứ Tuyệt (40 oN), Nữ Hoàng (45 oN).  Nước mắm hiệu Con Cá Vàng nổi tiếng ở Phan Thiết và được rất nhiều người dân Việt ưa chuộng. Với nước mắm được làm từ phương pháp truyền thống từ những con cá cơm than tươi và muối, thương hiệu nước mắm Con Cá Vàng đã tồn tại và phát triển hơn 30 năm qua.
 
6. VẢI THIỀU LỤC NGẠN (TỈNH BẮC GIANG)
 
Lục Ngạn là một huyện miền núi nằm ở phía Đông của Bắc Giang, với khí hậu ôn hòa và nổi tiếng với nhiều sản vật hấp dẫn. Trong đó không thể không nhắc đến quả vải thiều Lục Ngạn.
 
Vải thiều được trồng ở Lục Ngạn khoảng vào những năm 90 của thế kỷ trước bởi những người nông dân quê gốc Hải Dương. Nhờ sự cần mẫn chăm chỉ, những vùng đồi khô cằn đã trở thành những đồi vải bạt ngàn với những trái vải thơm ngon vượt trội. Mùa đặc sản vải thiều Lục Ngạn bắt đầu từ giữa tháng 5 và kết thúc vào đầu tháng 7. Quả vải nơi đây to hơn và có hương vị đặc trưng, khác hẳn vải thiều ở những vùng đất khác.
 
Vải thiều Lục Ngạn có thể ăn tươi hoặc chế biến thành các món ăn, đóng hộp, làm nước vải… hay sấy khô để thưởng thức quanh năm hoặc làm vị thuốc, ngâm rượu… Trong quả vải chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, có tác dụng tuyệt vời như kháng ung thư, điều hòa huyết áp, tăng cường miễn dịch, giảm đau tự nhiên, tốt cho da… và vô vàn những lợi ích khác từ thức quả đặc sản của vùng Lục Ngạn.
 
Hiện nay, vải thiều Lục Ngạn không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà đã có mặt trên thị trường thế giới: Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Australia và các nước Châu Âu …
 
9 Kỷ lục Châu Á mới cho các món ăn/nhóm món ăn, đặc sản nổi tiếng Việt Nam
 
7. ATISO ĐÀ LẠT (TỈNH LÂM ĐỒNG)
 
Đà Lạt – xứ sở thông reo sở hữu những đặc quyền thiên nhiên khí hậu ôn hòa, mát mẻ, đủ bốn mùa trong ngày là điều kiện sinh sống tuyệt vời cho cỏ, cây, hoa, lá. Thành phố được mệnh danh là “Vương quốc ngàn hoa” nổi tiếng với rất nhiều sản phẩm như: rau, hoa, mứt và đặc biệt là Atiso xanh ngời tinh túy (tên khoa học là Cynara Scolynus Lour). Một trong những loài hoa đặc biệt được thiên nhiên nơi đây ưu ái vun bồi từ trăm năm về trước và là đặc sản nổi tiếng của vùng đất này, là dược liệu quý trong cả Đông y – Tây y, được mệnh danh là “thần dược cho gan”. 
 
Atiso là giống cây ôn đới, được người Pháp mang đến Đà Lạt trồng vào cuối thế kỷ XIX và dần trở thành loài cây có tiềm n��ng kinh tế. Thực tế không có nhiều loại cây nào mà toàn bộ từ cây, rễ, gốc, thân cho đến lá, hoa đều sử dụng như cây Atiso. Hoa và cụm lá Atisô dùng làm rau ăn, nấu canh hoặc hầm với xương hoặc gan heo. Lá Atisô và các chế phẩm chiết xuất toàn phần như cao lỏng, cao đặc, cao khô Atisô có tác dụng lợi tiểu, tăng tiết mật, thông mật, hạ cholesterol máu. Ngoài cao Atiso lỏng, rễ và lá còn được dùng làm trà túi lọc. Thổ nhưỡng và khí hậu của Đà Lạt là hai điều kiện quan trọng để cho ra đời những cây Atiso tươi ngon nhất, với hàm lượng cynarine cao nhất Việt Nam. 
 
Có hai loại Atiso phổ biến: Loại thứ nhất thường dùng làm trà hoặc phơi khô: Bông nhọn, cánh dài chìa ra bên ngoài, màu tím, vị đắng, cánh mỏng và ít cơm. Loại thứ hai thường được dùng để ăn tươi: Bông to tròn, các cánh úp vào tạo thành búp, cánh màu xanh khi bông còn non vừa chín tới gốc lá có màu tím nhẹ. Cơm dày khi nấu ra nước ngọt, ít đắng ăn rất mát và bổ dưỡng. Atiso, từ nguyên liệu tươi đến thành phẩm đều có tác dụng mát gan, thông mật, lợi tiểu, giúp hạ cholesterol trong máu; đặc biệt tinh chất cynarine từ Atiso có tác dụng giúp đào thải cồn nhanh. Hương thơm của Atiso rất đặc trưng của cây cỏ, mang lại cảm giác thư thái.
 
Hiện nay, diện tích trồng Atiso ở Đà Lạt thuộc hàng lớn nhất cả nước trong đó nhiều vườn đã áp dụng quy trình VietGAP, GACP để cho ra đời sản phẩm chất lượng cao, không sử dụng phân, thuốc hóa học.
 
8.CÁC MÓN ĂN TỪ KHÓM CẦU ĐÚC (TỈNH HẬU GIANG)
 
Khóm Cầu Đúc thuộc giống Queen (Nữ hoàng), có nguồn gốc từ Thái Lan. Đặc điểm của giống Khóm này là trái có hình dáng thanh nhã, mắt lồi, cuống ngắn, hố mắt hơi sâu, lõi nhỏ, thịt màu vàng đậm, ít xơ, ít nước, ăn giòn và ngọt. Do đặc thù của thổ nhưỡng nên Khóm ở khu vực này có vị ngọt thanh, ăn ít rát lưỡi. Khóm gọt vỏ xong có màu vàng rất bắt mắt, hương vị ngọt thơm ngon miệng. Đặc biệt, trái Khóm Cầu Đúc có thể để khoảng 10-15 ngày mà không hư.
 
Các sản phẩm từ Khóm được người dân sáng tạo rất đa dạng, phong phú và có giá trị kinh tế như: Nước Khóm ép, Khóm sấy khô không tẩm đường, mứt Khóm, rượu Khóm…
 
Theo người dân ở đây thì bất cứ đám tiệc, lễ, Tết nào cũng có sự góp mặt của Khóm: Khóm ăn sống tráng miệng, làm mứt khóm, làm các món ăn từ khóm vô cùng ngon miệng mang hương vị đồng quê như: Gà hấp Khóm, La gu Khóm, Thịt ba rọi xào Khóm chua ngọt, Canh chua Khóm nấu với cá rô đồng hay Khóm kho với cá he…
 
9. CƠM TẤM LONG XUYÊN (TỈNH AN GIANG)
 
Cơm tấm Long Xuyên có thể xem là một “biến thể” khác của món cơm tấm vốn đã rất nổi danh ở Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên nó không “nhạt màu” hơn mà trái lại còn đậm đà cái riêng của ẩm thực vùng miền Tây sông nước.
 
Điều đặc biệt của Cơm tấm Long Xuyên là được nấu bằng hạt tấm nhuyễn, nhỏ nên tạo độ bùi và dường như tan ra trong miệng khi thưởng thức. Cơm tấm không thể nấu theo cách thông thường mà phải hấp cách thủy, liên tục canh chừng để thêm nước thế nào cho vừa đủ để cơm chín đều và không bị nhão. Điểm đặc biệt của món ăn này là các thành phần kèm theo đều được cắt nhỏ dạng sợi.
 
Thịt dùng cho cơm tấm Long Xuyên là phần thịt đùi heo loại mềm, được tẩm ướp rồi đem khìa chín, sau đó thái sợi. Cọng bì cũng nhỏ và ngắn hơn. Ngoài ra, đĩa cơm tấm ở đây còn có trứng kho với màu gạch cũng được cắt sợi. Dĩ nhiên không thể thiếu một ít mỡ hành để tăng hương vị và chén nước mắm ớt chua ngọt. Nhiều người còn nói vui Đĩa cơm tấm Long Xuyên trông như một đĩa cơm nhà, nó đầy ụ mà lại rẻ như tính cách hào sảng của người miền Tây vậy.
 
Dự kiến, bằng Kỷ lục Châu Á sẽ được Tổ chức Kỷ lục Châu Á trao tặng đến các địa phương vào dịp Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam diễn ra vào THÁNG 5/2023 tại TP.Hồ Chí Minh.
BTV