(Tin Môi Trường) - Cha mẹ tôi (đã mất) có đông con và có một căn nhà duy nhất. Di nguyện (nói miệng) của cha mẹ là để lại căn nhà làm nơi thờ tự, không được bán.
Tất cả những người con đều đang sinh sống trong căn nhà này.
Nhưng mới đây có hai người trong số những người con đòi bán để chia, còn lại thì không đồng ý.
Vụ việc đã được đưa ra tòa án và luật sư nói là nếu muốn giữ lại căn nhà thì những người không muốn bán phải đưa lại tiền cho hai người kia. Số đông không đồng ý vì đều đã già và không giàu có gì, bán nhà thì không biết sẽ ở chỗ nào.
Xin hỏi tòa án có quyền yêu cầu bán nhà để chia đều không? Và di nguyện nói miệng của cha mẹ tôi có hiệu lực pháp luật không? (Một bạn đọc gửi câu hỏi )
Ảnh minh họa: IE
* LS BÙI QUANG NGHIÊM tư vấn về việc chia di sản thừa kế và di chúc miệng:
Từ những thông tin và câu hỏi như trên, chúng tôi trả lời như sau:
1. Điều kiện để di chúc miệng hợp pháp:
Theo quy định tại điều 629, khoản 5, điều 630 Bộ luật dân sự 2015, trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Căn cứ thông tin bạn cung cấp, di chúc miệng của cha mẹ bạn để lại không được lập thành văn bản theo quy định pháp luật, do đó di chúc miệng về việc để lại căn nhà thờ cúng không hợp pháp và không có hiệu lực pháp luật.
2. Quyền yêu cầu chia di sản thừa kế theo pháp luật:
Theo quy định tại điều 612 Bộ luật dân sự: "Điều 612. Di sản: Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác", tài sản riêng và phần tài sản trong tài sản chung với người khác hợp pháp của người chết để lại được xem là di sản.
Trong trường hợp người chết không lập di chúc hợp pháp để định đoạt di sản, di sản sẽ được chia theo pháp luật theo quy định tại điều 650 Bộ luật dân sự:
Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật:
a) Không có di chúc; b) Di chúc không hợp pháp; c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản".
Theo quy định tại điều 651 Bộ luật dân sự, di sản được chia đều cho những người cùng hàng thừa kế theo thứ tự ưu tiên như sau:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Theo quy định trên, những người cùng hàng thừa kế có quyền ngang nhau để yêu cầu chia di sản thừa kế theo pháp luật kể từ thời điểm mở thừa kế theo quy định.
Điều 611. Thời điểm, địa điểm mở thừa kế
1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2, điều 71 của bộ luật này.
2. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Điều 614. Thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế
Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.
Theo quy định tại khoản 2, điều 660 Bộ luật dân sự: "Điều 660. Phân chia di sản theo pháp luật:
Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia".
Trong trường hợp những người thừa kế không thỏa thuận được về việc định giá di sản, thỏa thuận người nhận hiện vật và thanh toán tiền cho những người thừa kế còn lại, tất cả những người thừa kế đều có quyền yêu cầu tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết bán di sản để chia theo giá trị cho những người thừa kế theo pháp luật của người chết.
Căn cứ thông tin do bạn cung cấp, vì cha mẹ bạn không lập di chúc hợp pháp để định đoạt căn nhà, do đó những người con đều có quyền yêu cầu tòa án nhân dân có thẩm quyền bán căn nhà để chia thừa kế theo pháp luật.