Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Rừng trồng do hộ cá nhân tự đầu tư thì Nhà nước có sở hữu không?

(09:16:22 AM 06/04/2023)
(Tin Môi Trường) - Rừng trồng thuộc rừng sản xuất do cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tự đầu tư thì ai là đại diện chủ sở hữu?

Xin luật sư cho hỏi, nếu rừng trồng thuộc rừng sản xuất do cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tự đầu tư thì thuộc sở hữu của cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư đó (Luật lâm nghiệp đã quy định), tại sao lại quy định do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu? Vì tôi đọc thì thấy như sau:

 

Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30-12-2022 quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, tại điểm đ, khoản 1, điều 6 quy định: "Phê duyệt phương án khai thác thực vật rừng thông thường do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu".

Nhưng tại điểm b, khoản 2, điều 6 quy định: Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phương án khai thác đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 điều 6 do cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tự đầu tư.

Điểm, khoản này áp dụng đối với những trường hợp nào thì đúng? (Bạn đọc Can Lâm gửi câu hỏi xin được tư vấn).
 

Ảnh minh họa: iE
 
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) tư vấn như sau:
 
Qua câu hỏi của bạn, tôi nhận thức là bạn đang hiểu nhầm và hiểu chưa hết quy định của điều 6 Thông tư 26/2022/TT-BNN-PTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây gọi tắt là Thông tư 26) quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Quy định này rất rõ ràng, không có gì mâu thuẫn, khó hiểu. Để hiểu đúng tinh thần điều 6, Thông tư 26, cần hiểu quy định về chủ sở hữu rừng được quy định tại điều 7 Luật Lâm nghiệp năm 2017. Theo đó, có hai nhóm chủ sở hữu:
 
Nhóm 1 (khoản 1, điều 7): Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đối với rừng thuộc sở hữu toàn dân bao gồm:
 
a) Rừng tự nhiên;
 
b) Rừng trồng do Nhà nước đầu tư toàn bộ;
 
c) Rừng trồng do Nhà nước thu hồi, được tặng cho hoặc trường hợp chuyển quyền sở hữu rừng trồng khác theo quy định của pháp luật.
 
Nhóm 2 (khoản 2, điều 7): Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng bao gồm:
 
a) Rừng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư;
 
b) Rừng được nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật.
 
Điểm a, khoản 2, điều 6 Thông tư 26 quy định thẩm quyền phê duyệt Phương án khai thác gỗ rừng trồng quy định tại điểm đ, khoản 1 điều này thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đối với gỗ rừng trồng loài thực vật rừng thông thường do nhà nước là đại diện chủ sở hữu. 
 
Còn điểm b, khoản 2, điều 6, Thông tư 26 mà bạn trích dẫn là quy định đối với rừng trồng do Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư làm chủ sở hữu.
 
Như vậy, đối với câu hỏi bạn đặt ra là: Điểm, khoản này áp dụng đối với những trường hợp nào thì đúng, thì xin trả lời bạn: Đối với "rừng trồng do nhà nước đầu tư toàn bộ" thì áp dụng điểm đ khoản 1 và điểm a, khoản 2, điều 6 Thông tư 26, còn rừng trồng do "Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư" thì áp dụng điểm b, khoản 2, điều 6 Thông tư 26.
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM)