(Tin Môi Trường) - Ngày 5/10/2022 vào ngày lễ hội truyền thống Tiệc Tịch Lệ Xướng ca (10 tháng 9 ÂL), các cấp chính quyền và cộng đồng xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc đã long trọng tổ chức Lễ công nhận và gắn bia Cây Di sản Việt Nam cho cây Đa gần 200 năm tuổi trong khuôn viên đình Hội Thịnh.
GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam ctrao Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho lãnh đạo Xã Hợp Thịnh
Đây cũng là cây cổ thụ đầu tiên của huyện Tam Dương được vinh danh, nên Lễ đón bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho “cụ Đa”này, được các cấp chính quyền và cộng đồng địa phương tổ chức rất trọng thể, với đông đảo các vị lãnh đạo, các tổ chức xã hội, các nghệ sĩ và những người con quê hương về dự, tặng hoa chúc mừng.
Dự buổi lễ trọng thể này, có GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, cùng đông đảo các vị lãnh đạo và hội viên Hội BVTN&MT Việt Nam; ông Phùng Quang Hùng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; ông Lê Xuân Thuỷ, huyện ủy viên, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tam Dương, cùng đông đảo các cụ bô lão, các vị lãnh đạo chủ chốt của xã Hợp Thịnh, các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương.
Trước khi đọc Quyết định và trao Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho ông Phó Chủ tịch xã, đại diện chính quyền và cộng đồng địa phương, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN, Phó Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam đã phát biểu, cho biết: Đây là một trong số ít những cây cổ thụ của Vĩnh Phúc được cộng đồng chăm sóc, bảo vệ tốt được công nhận đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam. Giáo sư cũng bày tỏ xúc động trước sự hưởng ứng rất nhiệt tình của cộng đồng trong cả nước, trong đó có cán bộ, nhân dân xã Hợp Thịnh. Đặc biệt là những người con của địa phương đang sống xa quê, trong đó có GS.TS Phùng Đắc Cam; Đại tá, PGS.TS. Phùng Chí Sỹ. Phó Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam, cùng sự đồng hành của các cơ quan truyền thông, nên hoạt động Bảo tồn Cây di sản Việt Nam ngày càng phát triển.
Lãnh đạo Xã Hợp Thịnh trao Quyết định và Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho Trưởng ban Quản lý Đình
Trong diễn văn khai mạc của ông Phó Chủ tịch UBND xã và bài Giới thiệu lịch sử và cây Đa của ông Trưởng Ban quản lý khu di tích Đình Hội Thịnh đều khẳng định: sự kiện vinh danh Cây Di sản Việt Nam cho cây Đa cổ thụ là một hoạt động rất hữu ích. Đây không chỉ là hoạt động trực tiếp bảo vệ sự đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường, mà nó còn hàm chứa ý nghĩa giáo dục sâu sắc, biết trân trọng quá khứ và tự hào về truyền thống quê hương. Bởi ngôi đình - nơi có cây Đa này, chính là điểm hẹn của các chiến sỹ Cách mạng trong thời ký kháng chiến chống giặc ngoại xâm; là nơi hội tụ của dân làng, là nơi còn in đậm bao dấu chân của các bậc tiền nhân và cũng là bến neo đậu tâm hồn cho những người con xã xứ.
Tại buổi lễ trọng thể này, các vị đại biểu và cộng đồng địa phương còn được nghe một số bài thơ của những người con Hợp Thịnh, bày tỏ sự tự hào về cây Di sản của quê hương, với quyết tâm vận động mọi người cùng chung tay bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn những cây cổ thụ.
Hầu hết thời gian, sau phần Lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam là Chương trình văn nghệ quần chúng rất đặc sắc, với nhiều tiết mục tự biên tự diễn do các nghệ sỹ không chuyên của địa phương thể hiện, xen lẫn các tiết mục đặc sắc do một số diễn viên chuyên nghiệp của Nhà hát Chèo quân đội về phục vụ, thu hút rất đông bà con tới xem, trong bầu không khí lễ hội .