(Tin Môi Trường) - Đây là khẳng định của GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN, Phó Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam tại Diễn đàn “Phát triển Chè hữu cơ” và Lễ trao Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho 1.324 cây Chè Shan tuyết của 5 huyện vùng cao tỉnh Hà Giang vừa diễn ra tại Hoàng Su Phì.
Tới nay, Hà Giang là tỉnh đầu tiên có Quần thể chè Shan tuyết cổ thụ được vinh danh Cây Di sản Việt Nam và cũng là địa phương có nhiều cây cổ thụ được công nhận là Cây Di sản nhất Việt Nam.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN, Phó Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam trao Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho 1.324 cây Chè Shan tuyết của 5 huyện vùng cao tỉnh Hà Giang Cụ thể có: 1.324 cây được công nhận lần này và 304 cây Chè Shan tuyết được công nhận từ hai lần trước (năm 2015 và 2019) + 20 cây thuộc loài khác (9 cây Chò chỉ ở Bắc Mê +10 cây Đa ở Đồng Văn và 01 cây Thông đỏ - loài cực kỳ quý hiếm ở Thía Phìn Tùng - Đồng Văn).
Trong số những cây Chè Shan tuyết cổ thụ của tỉnh Hà Giang được công nhận Cây Di sản Việt Nam, có cây của gia đình ông Hầu Seo Dình, ở Bản Péo, xã Nậm Dịch, huyện Hoàng Su Phì có tuổi hơn 170 năm và cây của gia đình ông Đặng Văn Chiển, thôn Lùng Tao, xã Cao Bồ huyện Vị Xuyên có tuổi hơn 300 năm.
Tới dự và chia vui với Hà Giang về sự kiện này, có các vị lãnh đạo, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các nhà khoa học, Hội BVTN&MT Việt Nam, Sở NN&PTNT và Chi cục trồng trọt & BVTV tỉnh Hà Giang, Trung tâm Khuyến nông một số tỉnh miền núi phía Bắc, các huyện trong tỉnh và nhiều doanh nghiệp, HTX trồng & chế biến Chè điển hình. Đông đảo đại diện các cơ quan quản lý, các tổ chức NGo và cơ quan truyền thông đã đến động viên và đưa tin về sự kiện này.
Phát biểu tại buổi lễ, các ông: Hoàng Văn Hồng, PGĐ Trung tâm khuyến nông Quốc gia; Vũ Văn Hiếu, PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang; Lù Văn Chung, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì và TS. Vũ Đình Vinh, Hội KHCN Chè Việt Nam, đều bày tỏ vui mừng về sáng kiến bảo tồn và bảo vệ nguồn gien quý thông qua hoạt động Bảo tồn Cây Di sản của Hội BVTN&MT Việt Nam. Để tập đoàn Chè rừng cổ thụ của nước ta, được cộng đồng chăm sóc và bảo vệ tốt hơn.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam và ông Giang Đức Hiệp, Chi cục trưởng Trồng trọt & BVTV tỉnh Hà Giang đều thừa nhận: Sự kiện vinh danh Cây Di sản cho quần thể Chè cổ thụ, có giá trị rất thiết thực về phát triển du lịch và tạo sinh kế cho bà con các dân tôc ở địa phương; đồng thời cũng góp phần bảo tồn và phát triển 02 giống Chè núi đầu dòng của Hà Giang. Đây chính là sự khích lệ lớn lao đối với các nhà hoạt động môi trường, cũng như các cấp ủy Đảng, chính quyền và bà con các dân tộc địa phương.
Tại buổi lễ trao Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam lần này, bà Nguyễn Thị Liên, Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Vị Xuyên cho biết: sự kiện vinh danh Cây Di sản Việt Nam đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và khơi dây nét đẹp văn hoá truyền thống quê hương. Cụ thể, giá Chè Shan tuyết hữu cơ của bà con xã Cao Bồ đã tăng khoảng 30% sao với trước khi những cây Chè cổ thụ tại đây được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (năm 2015). Cây Chè Shan tuyết đã trở thành cây làm giàu cho người dân Vị Xuyên nhờ có thương hiệu Cây Chè di sản và có cơ hội vươn xa hơn trên thị trường thế giới..