(Tin Môi Trường) - Hôm nay (4/8/2022) , tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã diễn ra Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V nhằm tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 – 2022 và định hướng giai đoạn 2022 – 2025. Hội nghị môi trường toàn quốc là sự kiện lớn cấp quốc gia của ngành Tài nguyên và Môi trường, được tổ chức định kỳ 5 năm một lần. Chủ đề của Hội nghị năm nay là "Hài hòa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững"
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng với hơn 600 đại biểu đại diện lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể ở Trung ương; UBND, Sở Tài nguyên và Môi trường 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu và chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, đại diện của một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Xin đăng tải toàn văn bài tham luận của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V:
Ảnh: Hội thảo quốc tế ô nhiễm môi trường
Phù hợp với quan điểm bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) trưởng thành và phát triển không ngừng trong gần 34 năm qua và đang chuẩn bị Đại hội lần thứ VIII (1988 – 2023). Từ khi thành lập tới nay, Hội chúng tôi luôn nỗ lực hoạt động, cố gắng đóng góp cho công tác bảo vệ thiên nhiên, môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu, phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững đất nước. Theo yêu cầu của Ban Tổ chức Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V, dưới đây chúng tôi xin nêu một số kinh nghiệm hoạt động của Hội chủ yếu trong giai đoạn 2016 – 2021.
Trước hết, Hội chúng tôi luôn chú trọng công tác tổ chức và phát triển Hội, làm cơ sở vững chắc để các đơn vị và hội viên hoạt động. Nòng cốt của Hội là lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật, nhưng Hội đã liên tục mở rộng thành phần ra các đối tượng khác theo phương châm “hướng tới cộng đồng”. Với hàng vạn hội viên cá nhân, các tổ chức hội hiện bao gồm trên 10 đơn vị trực thuộc, trên 30 Hội địa phương, hàng chục Chi Hội ngành và gần 1/3 trong tổng số hơn 200 Hội viên tập thể là các doanh nghiệp, các NGO môi trường. Lực lượng đa dạng, hùng hậu có chất lượng và liên tục phát triển này là bảo đảm vững chắc cho các hoạt động bảo vệ môi trường của Hội BVTN&MT Việt Nam.
Tiếp đến, Hội luôn tổ chức triển khai đồng bộ các hoạt động theo đúng chức năng nhiệm vụ mà Điều lệ Hội đã quy định. Việc bảo đảm tiến hành đồng thời và có kết quả các hoạt động theo Điều lệ đã tạo ra sức mạnh và nâng cao vị thế của Hội. Công tác tư vấn, giám định và phản biện xã hội luôn được VACNE đặc biệt quan tâm, từ các đơn vị, tổ chức và hội viên ở trung ương tới địa phương. Hoạt động này được các cơ quan chức năng và dự luận xã hội đánh giá cao. Đã có vị lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận xét là: không có văn bản quan trọng nào của Bộ mà không được sự đóng góp ý kiến có chất lượng của VACNE. Các chuyên gia của Hội thường xuyên đáp ứng kịp thời đòi hỏi của cộng đồng về những vấn đề bức xúc môi trường, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Công tác truyền thông môi trường luôn được Ban Chấp hành Hội đặt thành thành những công việc kế hoạch cụ thể hàng năm, hàng quý. Nhiều tổ chức Hội đã nỗ lực thực hiện các đề tài, nhiệm vụ, hợp đồng NCKH về tài nguyên và môi trường, cập nhật những vấn đề mới, quan trọng như an ninh môi trường, kinh tế xanh, “thuận thiên”,... Việc tranh thủ mở rộng công tác đối ngoại nhân dân về môi trường đã có những đóng góp tích cực cho công việc chung và cho hoạt động Hội.
Trong hoàn cảnh hoạt động Hội thường gặp nhiều đột xuất, bất ngờ, đề cao tính chủ động thích ứng là bài học luôn có giá trị thực tiễn cao. Chính bài học kinh nghiệm này đã giúp VACNE ứng phó tương đối thành công trong thời gian đại dịch COVID – 19 hoành hành dữ dội nhất. Cụ thể là, Hội BVTN&MT Việt Nam đã tổ chức thành công loạt Tọa đàm, Hội thảo trực tuyến về các chủ đề hưởng ứng các Ngày lễ lớn về môi trường trong các năm 2020, 2021. Việc chọn lựa chủ đề thích hợp, việc mời được các diễn giả là các chuyên gia đầu ngành về môi trường, việc chuẩn bị gọn nhẹ đối với các đầu cầu và phương tiện tham gia trực tuyến đã thu hút hàng nghìn lượt người truy cập, cả trong và ngoài nước, được dư luận và các phương tiện truyền thông đánh giá cao. Xin đơn cử một số chuyên đề đã được thực hiện: Hoạt động hội trong hoàn cảnh “bình thường mới”; An ninh môi trường; Phục hồi hệ sinh thái; Chỉ có một Trái Đất;... Đặc biệt là sự phối hợp tổ chức Tọa đàm, Hội thảo trực tuyến về “Chăm sóc cây cổ thụ - Cây Di sản” với đối tác Nam Nimh (Trung Quốc); Hội thảo Quốc tế phối hợp với Bộ Môi trường Vương quốc Anh về “Tác động của ô nhiễm môi trường đối với đa dạng sinh học và sức khỏe con người” đã mang lại kết quả tốt và mở ra mối quan hệ hợp tác lâu dài với Hội.
Llễ công nhận Cây Di sản Việt Nam
Tiếp theo, chúng tôi xin được trình bày về bài học sáng tạo trong tổ chức hoạt động. Đó là sáng kiến phát động sự kiện “Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam” – một hoạt động đặc thù của VACNE. Sự kiện này được chúng tôi khởi xướng từ năm 2010. Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng hơn 10 năm qua, phong trào được cộng đồng hưởng ứng và ngày càng phát triền. Đến nay, Hội BVTN&MT Việt Nam đã công nhận gần 6.000 cổ thụ, thuộc 140 loài thực vật, trên 54 tỉnh và thành phố là Cây Di sản Việt Nam. Cây Di sản có tuổi đời cao nhất hơn 2.200 năm (cây Táu ở Miếu Thiên cổ, Tp. Việt Trì (Phú Thọ), Cây Di sản cao to nhất là cây Samu ở VQG Pù Mát Nghệ An (cao 73 m, đường kính 5,5 m), Cây Di sản Đỗ quyên cành thô ngự ở độ cao 2.700 m (VQG Hoàng Liên, Lào Cai), còn Cây Di sản xa nhất về phía Đông là các cây Mù u, Bàng vuông và Phong ba trên quần đảo Trường Sa.
Chính nhờ hoạt động Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam, Hội chúng tôi vinh dự được Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tặng Bằng khen và Bộ Tài nguyên và Môi trường trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam. Vì thế, có thể nói: chủ động và sáng tạo luôn là những đòi hỏi và cũng là những bài học kinh nghiệm cho hoạt động Hội.
Cuối cùng, chúng tôi xin đề cập tới kinh nghiệm: tìm cách phát huy thế mạnh tiềm năng của các hội viên – các chuyên gia đầu ngành về môi trường. Có thể nói, lực lượng chủ yếu của Ban lãnh đạo VACNE là các chuyên gia rất giàu kinh nghiệm, rất nhiệt tình đóng góp công tác hội. Vì vậy, Ban Chấp hành Hội chúng tôi đặt quyết tâm mỗi năm cần tổ chức tự biên tập và xuất bản tối thiểu 1 đầu sách quan trọng của Hội về tài nguyên, môi trường. Xin trích dẫn các đầu sách Hội chúng tôi xuất bản những năm gần đây:
Một số ấn phẩm VACNE đã xuất bản
- An ninh môi trường, tái bản 2017, 2020. NXB Khoa học và Kỹ thuật;
- Kinh tế xanh cho phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, 2018, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật;
- Môi trường tập X, Tuyển tập các công trình NCKH, 2018. NXB Khoa học và Công nghệ;
- Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam, tập III. 2019, NXB Khoa học và Công nghệ;
- Biến đổi khí hậu nhìn từ góc độ cộng đồng, 2019, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật;
- Các không gian sinh thái đặc thù dẫy Trường Sơn, 2020, NXB Khoa học và Công nghệ;
- Môi trường và phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu, 2021, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật;
- Thương hiệu doanh nghiệp xanh cho phát triển bền vững, 2022, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật (đang in).
Kể từ Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ nhất (năm 1988) mà VACNE được vinh hạnh đồng hành tổ chức cho đến nay: các hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã có rất nhiều chuyển biến tích cực với việc ban hành nhiều văn bản quan trọng tầm cỡ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch,... liên quan đến tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,... Chỉ riêng việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường cũng đã được tiến hành tới 3 lần vào các năm 2005, 2014 và 2020. Đặc biệt, nhận thức về môi trường của cộng đồng đã được nâng lên rõ rệt, sự tham gia của cộng đồng, trong đó có Hội chúng tôi, vào các hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngày càng phong phú và có ý nghĩa quan trọng.
Tiếp tục phát huy các kết quả đã có, trong đó có việc rút ra và áp dụng các bài học kinh nghiệm giai đoạn vừa qua, cố gắng khắc phục các khó khăn trở ngại, VACNE nguyện cố gắng xứng đáng hơn nữa với sự tin tưởng của các hội viên và cộng đồng, với các danh hiệu đã đạt được mà tiêu biểu là Huân chương Lao động hạng nhì năm 2020.
TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam