(Tin Môi Trường) - Ngày 28/6, Thường vụ Hội BVTN&MT Việt Nam đã họp tại một số đầu cầu ở Hà Nội, Huế, Tp. Hồ Chí Minh…theo hình thức trực tuyến, thông qua Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 và cùng thống nhất triển khai nhiệm vụ trong năm nay.
Thường vụ Hội BVTN&MT Việt Nam đã họp tại một số đầu cầu ở Hà Nội, Huế, Tp. Hồ Chí Minh…theo hình thức trực tuyến,
TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội cho biết: Dự thảo “Báo cáo Tổng kết công tác 6 tháng đầu năm và xác định nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của VACNE đã nhận được hơn một nửa số lượng Ủy viên Thường vụ BCH Trung ương Hội đóng góp ý kiến, với sự đồng thuận và ý thức trách nhiệm rất cao. Từ công tác tổ chức, xây dựng lực lượng; Tư vấn, giám định - phản biện xã hội; Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; Nghiên cứu khoa học, đến công tác Đối ngoại nhân dân và Bảo tồn Cây Di sản, đều hoạt động khá tốt và được dư luận xã hội đánh giá cao.
Cụ thể, trong bối cảnh dịch bệnh, mạng lưới tổ chức của Hội trong cả nước vẫn duy trì và hoạt động khá tốt. Đã có một số đơn vị nộp hồ sơ xin thành lập mới và xin gia nhập Hội BVTN&MT Việt Nam. Các Hội BVTN&MT: Tây Nguyên và các tỉnh: Phú thọ và Nghệ An đang hoàn tất các thủ tục cho Đại hội thường kỳ mới. Không chỉ Trung ương Hội, mà các Hội địa phương đều rất quan tâm tới Hội viên; đồng thời vẫn duy trì các hình thức Tọa đàm, Hội thảo phù hợp với tình huống bình thường mới, thu hút đông đảo hội viên và cộng đồng tham gia BVMT.
Phát huy thế mạnh của VACNE và đáp ứng yêu cầu của cộng đồng, trong những tháng vừa qua, rất nhiều chuyên gia của Hội đã viết bài, trả lời phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông, tư vấn phản biện về ô nhiễm môi trường, ô nhiễm làng nghề, kinh tế tuần hoàn, khái niệm “Mở rộng sản xuất”, rác thải nhựa…Đặc biệt, đại diện của Hội còn được mời tham gia Hội thảo do Quốc hội và Liên hiệp hội các Hội KHKT VN tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 3/2022, với báo cáo “Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Đại diện Lãnh đạo Hội được mời giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định kết quả thực hiện Bộ chỉ số Đánh giá kết quả bảo vệ môi trường năm 2021 của các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhờ có uy tín, hiện nay vẫn có nhiều chuyên gia của Hội và đại diện các Hội địa phương, được mời tham gia các hội đồng đánh giá các báo cáo ĐTM, báo cáo đề nghị cấp Giấy phép môi trường (GPMT) và nghiệm thu kết quả thực hiện các đề tài, nhiệm vụ NCKH.
Công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường thông qua mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng và các trang thông tin cuả Hội luôn được VACNE quan tâm.
Buổi Tọa đàm trực tuyến do Hội tổ chức cuối tháng 5 vừa qua về chủ đề “Chỉ có một Trái đất” kỷ niệm Ngày Đa dạng sinh học Quốc tế (22/5), Ngày Môi trường Thế giới (5/6), Ngày Đại dương Quốc tế 8/6 đã thu hút hàng nghìn người tham gia, và đặt các câu hỏi quan tâm. Đây là hoạt động đã mang “thương hiệu” của Hội
Trang web của Hội ngày càng ổn định, thu hút nhiều người đọc. Riêng trang tiếng Việt ngày 11/5/2022, có tới trên 28.500 lượt người truy cập. Dù mới thành lập, nhưng Tạp chí điện tử “Thiên nhiên và Môi trường” của Hội đã bước đầu được dư luận đánh giá tốt.
Trong điều kiện “bình thường mới”, Hội BVTN&MT Việt Nam vẫn nỗ lực triển khai các đề tài, nhiệm vụ, hợp đồng NCKH theo đúng kế hoạch. Đã hoàn thành về cơ bản các hợp đồng NCKH về rác thải sinh hoạt (với Bộ TNMT), về thu gom rác thải nhựa (với tỉnh Thái Bình).
Giữa tháng 3/2022 VACNE còn phối hợp với Bộ Môi trường Vương quốc Anh tổ chức thành công Hội thảo Quốc tế trực tuyến về chủ đề “Tác động của ô nhiễm môi trường đến đa dạng sinh học và sức khỏe con người”, với trên 100 hội viên tham gia. Hoạt động này được nhiều cơ quan truyền thông đăng tải; một số tạp chí chuyên ngành sử dụng các báo cáo chuyên sâu của Hội thảo và được dư luận xã hội đánh giá cao.
Bên cạnh đó, Hội còn hỗ trợ Hội BVTN&MT Phú Thọ thực hiện đề tài cấp tỉnh về “Chăm sóc Cây Di sản - cây cổ thụ có giá trị”; Triển khai đề tài cấp Hội về “Nghiên cứu đề xuất các kiến nghị phát triển Du lịch Hải Tiến - Thân thiện Môi trường phục vụ xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa” với đông đảo Hội viên tham gia và dự kiến kết thúc vào cuối năm nay.
Hiện nay, Hội đang phối hợp với Liên minh Sức khỏe và Ô nhiễm Quốc tế (GAHP) xây dựng dự án dài hạn về “Đánh giá tác động của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và đốt “mở” trong nông nghiệp nhằm giảm thiểu tác hại môi trường” theo gợi ý của Bộ Môi trường Vương quốc Anh. Ngoài ra, VACNE vẫn duy trì quan hệ hợp tác với một số đối tác Hàn Quốc, làm cầu nối với Bộ Quốc phòng, trong hoạt động tẩy độc dioxin trong đất ở sân bay A Sho, Thừa Thiên – Huế.
Theo báo cáo: hoạt động Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam của VACNE trong 6 tháng đầu năm là rất xuất sắc, Hội đồng Cây Di sản hoạt động rất tích cực. Hội đã phối hợp khảo sát, xét công nhận gần 300 Cây Di sản, phối hợp tổ chức vinh danh theo các hình thức rất đa dạng, hiệu quả cao tại các địa phương như Cao Bằng, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bến Tre, Đắc Nông, Khánh Hòa, Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La, Hà Nội, Yên Bái, Hà Nam,…
Giữa tháng 2 Hội đã phối hợp với các đối tác ở Nam Ninh (Trung Quốc) tổ chức Hội thảo về “Chăm sóc cổ thụ - Cây Di sản”. Đây không chỉ là hoạt động nhằm mở ra sự hợp tác, học hỏi kinh nghiệm bảo vệ cây xanh và môi trường, mà còn là sự khẳng định về sức lan tỏa ở tầm quốc tế của phong trào “Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam” do VACNE khởi xướng.
Mặc dù còn nhiều khó khăn và một số việc chưa hoàn thành, nhưng các vị Thường vụ Hội tham gia cuộc họp này đều bày tỏ sự lạc quan hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra trong năm nay. Trước mắt Hội sẽ tập trung làm tốt các công việc đột xuất, đặc biệt là việc tổ chức thành công Hội thảo Quốc tế về Tác động của ô nhiễm môi trường đến đa dạng sinh học và sức khỏe cộng đồng và chú trọng hơn đến công tác tổ chức, bồi dưỡng lực lượng kế cận chuẩn bị tốt cho Đại Hội lần thứ 8 vào năm tới./