(Tin Môi Trường) - Những giải pháp thuận thiên có thể giúp giảm tới 26% cường độ các thảm họa khí hậu và thời tiết. Kết luận này được đưa ra trong một báo cáo mới phát hành ngày hôm nay do Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) thực hiện.
Báo cáo nêu rõ khả năng của thiên nhiên trong việc bảo vệ con người, đặc biệt trong bối cảnh hơn 3,3 tỷ người đang sống tại những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Thế nhưng, khả năng này đang không được quan tâm và đánh giá đúng mức.
Báo cáo “Tận dụng Thiên nhiên để Bảo vệ Con người: Cách các Dự án Thuận thiên giúp giảm tác động Biến đổi Khí hậu và Thảm họa Thời tiết” chỉ rõ làm thế nào các giải pháp thuận thiên có thể giảm thiểu nguy cơ xảy ra biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Theo báo cáo, các giải pháp thuận thiên có thể giúp các cộng đồng giảm bớt thương vong, tăng khả năng phục hồi trước những rủi ro gây ra bởi trái đất đang nóng dần lên. Đây là lần đầu tiên một phân tích cho thấy các giải pháp thuận thiên có thể bảo vệ các nước đang phát triển khỏi những thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra, giúp họ tiết kiệm được ít nhất 104 tỷ USD vào năm 2030 và 393 tỷ USD vào năm 2050.
Ảnh minh hoạ: IE
Các cộng đồng khắp nơi trên thế giới đều đang phải hứng chịu những tác động ngày càng nhiều và nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. Đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là những nhóm người dễ bị tổn thương tại các quốc gia có thu nhập thấp, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Chỉ tính riêng từ 2010 đến 2019, các thảm hoạ đột ngột do thời tiết và biến đổi khí hậu đã cướp đi sinh mạng của hơn 410.000 người.
Ông Jagan Chapagain, Tổng thư ký IFRC, cho biết: “Khủng hoảng khí hậu đang là nguyên nhân chính gây ra nhiều cuộc khủng hoảng nhân đạo trên toàn thế giới. Mức độ ảnh hưởng của nó đến cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người đang ngày càng tăng. Trả lại màu xanh cho thiên nhiên; phục hồi các cánh rừng, đất nông nghiệp và vùng ngập nước là những cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất để hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương thích ứng với các rủi ro và tác động mà họ đang phải đối mặt. Bảo vệ thiên nhiên là bảo vệ con người.”
Ông Marco Lambertini, Tổng giám đốc WWF, phát biểu: “Chúng ta phải rất rõ ràng điều này: Nếu chúng ta không khẩn trương mở rộng quy mô can thiệp nhằm giảm tác động của sự nóng lên toàn cầu, sẽ còn nhiều thiệt hại về con người, và các nền kinh tế cũng như sinh kế của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Thiên nhiên là đồng minh lớn nhất của chúng ta và yếu tố quan trọng giúp chúng ta giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Phục hồi và bảo vệ thiên nhiên sẽ giúp các hệ sinh thái có khả năng chống chịu tốt hơn và tiếp tục cung cấp những dịch vụ thiết yếu cho con người, đặc biệt cho các cộng đồng dễ tổn thương.”
“Các giải pháp thuận thiên đóng vai trò then chốt trong giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhưng hiệu năng của những giải pháp này sẽ giảm đi khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên. Vì thế, mỗi sự kiện và quyết định giúp cắt giảm khí thải sẽ là cơ hội để xây dựng một tương lai an toàn và công bằng hơn.”
Một số ví dụ về những giải pháp thuận thiên có hiệu quả trong giải quyết biến đổi khí hậu như:
●Bảo tồn rừng để khôi phục đất bạc màu, cung cấp thực phẩm, phòng chống hạn hán và bảo vệ cộng đồng trước những đợt gió mạnh.
●Khôi phục các đồng bằng và vùng đất ngập nước để giảm tác động của lũ lụt và thúc đẩy nông nghiệp bền vững để phòng hạn hán.
●Phục hồi rừng ngập mặn và rạn san hô để tạo hàng rào bảo vệ tự nhiên khỏi bão lũ, hấp thụ cacbon đioxit - tác nhân gây nóng lên toàn cầu và cung cấp lương thực cho cộng đồng và môi trường sống cho sinh vật biển.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, WWF và Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD) đang hợp tác cùng với Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - nhà xuất khẩu tôm lớn nhất tại Việt Nam, để áp dụng mô hình tôm - lúa hữu cơ với các kỹ thuật như tăng cường trao đổi nước kết hợp với vi sinh để tăng bồi lắng phù sa và cải thiện quy trình nuôi quảng canh. Mô hình được kỳ vọng sẽ thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu các rủi ro thiên tai, gìn giữ và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, cải thiện sinh kế và nguồn thu nhập. Các hộ nông dân, những nhân tố quan trọng trong mô hình, dự kiến sẽ thu về gấp đôi sản lượng tôm và sản xuất ra lúa hữu cơ có chất lượng cao hơn - giá bán tốt hơn. Dự án bước đầu thử nghiệm 110 ha diện tích cho nuôi tôm và trồng lúa luân canh. Mục tiêu xa hơn đó là nhân rộng diện tích mô hình này lên 30.000 ha đến năm 2028 - đây là quy mô có thể tạo ra sự thay đổi lâu dài, giúp các cộng đồng dễ bị tổn thương trên khắp vùng đồng bằng. WWF cũng kỳ vọng mô hình sẽ được nhận rộng cho 200.000 ha ở Đồng bằng sông Cửu Long.