(Tin Môi Trường) - Cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Sông Cái, thuộc dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ - tỉnh Ninh Thuận, có dung tích 219 triệu m3 hoàn thành đưa vào sử dụng có vai trò rất lớn trong quản lý Tài nguyên nước đối với tỉnh nhà.
Ninh Thuận thuộc vùng cực Nam Trung Bộ, là tỉnh được đánh giá khô hạn nhất của cả nước. Những năm gần đây, tỉnh đã xảy ra nhiều đợt hạn hán nghiêm trọng. Lượng mưa trung bình hàng năm rất thấp (chỉ từ 1.000mm đến 1.400mm), nhưng lại có sự biến đổi mạnh mẽ theo không gian và thời gian. Nếu lượng mưa trung bình hằng năm tại khu vực ven biển khoảng 600mm, thì vùng núi cao lại lớn hơn 2.000mm.
Công trình hồ chứa nước Sông Cái có tổng dung tích 219 triệu m3
Thông thường vào mùa mưa, thời gian có mưa không nhiều, nhưng tập truug vào một số trận mưa có cường xuất rất to, điển hình như vùng thượng nguồn lưu vực sông Cái Phan Rang; để lại thời kỳ thiếu mưa, cạn kiệt kéo dài. Bên cạnh đó, hệ thống sông, suối trên địa bàn của tỉnh ngắn và rất dốc, cho nên mùa lũ nước sông lên nhanh và cũng xuống nhanh; mùa cạn mực nước xuống thấp, nhiều sông, suối bị tắt dòng, khiến cho một số sông vùng hạ lưu bị xâm nhập mặn ngày càng nhiều.
Trước đây, toàn tỉnh có 21 hồ chứa với tổng dung tích thiết kế hơn 194 m3 thường xuyên thiếu nước vào mùa hạn. Vì vậy, Cụm công trình đầu mối hồ chứa Sông Cái, thuộc dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ - tỉnh Ninh Thuận, có dung tích 219 triệu m3 hoàn thành đưa vào sử dung có vai trò rất lớn trong quản lý Tài nguyên nước đối với tỉnh nhà; tháng 3/2021, Hội đồng kiểm tra Nhà nước đã thống nhất cho dự án tích nước.
Cụm công trình hồ chứa nước Sông Cái gồm 5 đập dài 2.770m, cao 66m, dung tích 219 triệu m3. Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ tưới cho 7.480ha hạ lưu; tiếp nước hệ thống thủy nông Nha Trinh - Lâm Cấm, các hồ Cho Mo, Thành Sơn, Bà Râu, Sông Trâu, Ông Kinh; tạo nguồn cho thủy điện tích năng Bác Ái và 2 Nhà máy thủy điện. Đồng thời tạo nguồn tiếp nước cho vùng Nam Cam Ranh (Khánh Hòa) và giúp giảm nhẹ lũ hạ du và nuôi trồng thủy sản lòng hồ.
Qua đánh giá sơ bộ, hiệu quả rất lớn của hồ Sông Cái trong việc giảm thấp đỉnh lũ của trạm Thủy văn Tân Mỹ và Phan Rang ở phía hạ lưu.
Trong các ngày 27 và 30/10, khu vực tỉnh Ninh Thuận chịu ảnh hưởng của rìa Nam lưỡi áp cao lạnh lục địa tăng cường; rìa Bắc rãnh thấp có trục từ 5 đến 8 vĩ độ Bắc; nhiễu động trong đới gió Đông trên cao hoạt động trung bình mạnh; gió Đông Bắc có cường độ trung bình.
Trong khoảng 120 giờ (từ ngày 27 đến ngày 30/11/2021) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 150 đến 250mm; trong đó, tại Lợi Hải: 276,2mm, Vĩnh Hải: 292,8m, Nhơn Hải: 282mm, Công Hải 314,9mm.
Do mưa lớn diện rộng, kết hợp một số hồ chứa điều tiết phòng lũ. Từ chiều ngày 28, trên các sông suối khu vực tỉnh Ninh Thuận xuất hiện một đợt lũ kép.
Trên Sông Cái tại trạm Phước Bình vào lúc 06 giờ ngày 30/11 mực nước đỉnh lũ 240.05m, với biên độ lũ là 2.50m, sau đó giảm chậm. Đến 17 giờ cùng ngày mực nước lũ lên lại, vào lúc 23 giờ mực nước đỉnh lũ lần 2 là 240.05m.
Vận hành điều tiết lũ hồ Sông Cái
Tại trạm Tân Mỹ vào lúc 10 giờ ngày 29/11 mực nước đỉnh lũ 35.64m, trên báo động 1 là 0.14m, sau đó giảm chậm. Đến 4 giờ ngày 30/11 mực nước lũ lên lại, vào lúc 11 giờ mực nước đỉnh lũ lần 2 là 36.47m, xấp xỉ báo động 2, sau đó giảm chậm. Đến 17 giờ ngày 30/11 mực nước lũ lên lại, vào lúc 5 giờ ngày 01/12 mực nước đỉnh lũ lần 3 là 36.90m, trên báo đong 2 là 0.40m.
Tại trạm Phan Rang mực nước đỉnh lũ lần 1 ở mức nhỏ hơn báo động 1. Đến 9 giờ ngày 30/11 mực nước lũ lên lại, vào lúc 1 giờ mực nước đỉnh lũ lần 2 là 2.60m, trên báo động 1 là 0.10m.
Theo số liệu thống kê, với lượng mưa phổ biến tại các trạm đo mưa nội tỉnh và mực nước đỉnh lũ, biên độ lũ của trạm thủy văn Phước Bình như trên; thì tương ứng tại Trạm thủy văn Tân Mỹ đã xuất hiện đỉnh lũ ở mức xấp xỉ báo động khẩn cấp. Do có sự tham gia điều tiết của hồ Sông Cái, mực nước đỉnh lũ tại Tân Mỹ chỉ ở mức dưới báo động 2 và tại Phan Rang chỉ ở mức xấp xỉ báo đông 1.
Sau một năm vận hành tích nước hồ Sông Cái đã có vai trò rất lớn trong việc giảm thiểu khả năng thiếu nước của tỉnh Ninh Thuận.
Hiện nay, sau khi hồ Sông Cái vận hành tích nước, toàn tỉnh đã có 22 hồ chứa với tổng dung tích thiết kế hơn 414 triệu m3. Tính đến ngày 15/4, toàn tỉnh có tổng dung tích là 234 triệu m3, chiếm 57% tổng dung tích thiết kế.
Trước đây, toàn tỉnh Ninh Thuận có 21 hồ chứa với tổng dung tích thiết kế hơn 194 triệu m3, thường xuyên thiếu nước vào mùa hạn. So với cùng kỳ năm 2020, toàn tỉnh có tổng dung tích là 34 triệu m3, chiếm 17% tổng dung tích thiết kế. Cùng kỳ năm 2021, có tổng dung tích là 88 triệu m3, chiếm 45% tổng dung tích thiết kế.
Theo số liệu thống kê, ngay trong thời kỳ cao điểm của mùa cạn năm 2022, tại Ninh Thuận có tổng dung tích hồ chứa cao hơn 40 triệu m3 so với tổng dung tích thiết kế trước đây và cao hơn 200 triệu m3 so với năm 2020 cùng thời kỳ. Như vậy, với tổng dung tích tăng lên một lượng rất lớn, làm giảm hẳn tình trạng thiếu nước của tỉnh vào mùa cạn.
Như đánh giá sơ bộ ở trên, Công trình hồ chứa Sông Cái đã phát huy vai trò rất lớn trong quản lý tài nguyên nước tại tỉnh Ninh Thuận; trong đó việc cắt giảm đỉnh lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai lũ lụt cho vùng hạ du và duy trì dung tích hồ, điều tiết lưu lượng nước cho hệ thống thủy lợi Tân Mỹ giúp tỉnh Ninh Thuận đảm bảo nguồn nước vào mùa khô. Ngoài ra hồ Sông Cái còn bổ sung lượng nước ngầm đáng kể và điều hòa không khí cho vùng rộng lớn thường xuyên phải chịu tác động của thời tiết khô nóng…
ThS. Đặng Thanh Bình - Phó giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Ninh Thuận