(Tin Môi Trường) - Luật Bảo vệ môi trường mới (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) có những quy định thực sự thay đổi lớn trong cuộc sống của người dân. Đó là những quy định phân loại rác, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, tái chế, tái sử dụng chất thải. Những quy định này sẽ gây trở ngại cho người này nhưng là lời cỗ vũ cho người khác.
Phân loại rác
Phân loại rác là trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng. Đó cũng là yêu cầu chung về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại.
Việc phân loại rác không mới. Ở nhiều gia đình, việc phân loại chất thải lâu nay chỉ là để tận dụng những thứ có thể bán lấy tiền. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Quy định này khuyến khích để người dân phân loại rác thải. Tuy nhiên nó không đủ mạnh mẽ để thôi thúc người dân tự giác phân loại rác.
Một lý do khác khiến người dân không muốn phân loại rác vì nghĩ rằng, phân loại rác đầu nguồn lại nhập vào cuối nguồn khi vận chuyển và xử lý thì chỉ là một việc làm vô ích. Đây là một điểm mà cơ quan quản lý nhà nước cần suy ngẫm và có hướng giải quyết khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực.
Hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần
Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.
Rác thải nhựa được xem là thảm họa môi trường trong những năm gần đây. Ở Việt Nam, bước chân ra khỏi nhà là gặp rác thải nhựa. Cộng đồng du lịch biết đến những điểm “du lịch biển mùa rác thải nhựa”. Đó là những điểm du lịch biển nằm trong luồng gió theo mùa. Mùa gió đến thổi dồn những rác thải nhựa ngoài khơi dạt vào bờ biển tạo thành những bãi rác nhựa.
Thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần có ở tất cả mọi người. Vì sự tiện lợi của nó mà người ta khó lòng dứt bỏ. Vì sự tiện lợi của nó mà người ta dù đã có ý thức nhưng vẫn không từ bỏ được, chỉ là có thể hạn chế tối đa việc sử dụng.
Để mọi người từ bỏ thói quen này và tuân thủ quy định, ngay từ bây giờ cần phải tuyên truyền quy định pháp luật và có những biện pháp cụ thể về việc thu gom và xử lý rác thải sau khi đã được phân loại công phu tại nguồn.
Tương tự, thói quen tái chế là một điều khó khăn đối với đại đa số người dân một khi có điều kiện kinh tế khá giả và lối sống tiêu thụ. Khái niệm tái chế không nằm trong lối sống của nhiều người. Họ vứt bỏ không chút đắn đo các loại đồ không dùng nữa dù còn tốt. Với một số người, việc tái chế đôi khi gợi lại những ký ức nghèo khó mà người ta không muốn nhớ đến.
Phải một hành trình dài để đưa những quy định này vào cuộc sống để thay đổi suy nghĩ, thói quen của người dân. Phải một thời gian dài và những biện pháp đủ cứng rắn để người dân tuân thủ đầy đủ quy định này. Bởi vì thay đổi một thói quen, không đơn giản trong ngày một ngày hai.
Những cộng đồng “đi trước” luật
Những quy định phân loại rác, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, tái chế, tái sử dụng chất thải có thể là trở ngại của đa số người dân nhưng đó lại là một điều rất bình thường trong một cộng đồng không nhỏ có lối sống mới.
Họ là những người đi tiên phong trong việc biến các quy định này thành những điều bình thường trong cuộc sống hàng ngày từ… rất lâu. Họ hành động vì một ý thức bảo vệ môi trường và xây dựng một cuộc sống văn minh, xanh, sạch và bền vững. Những cá thể này có thể tồn tại độc lập, riêng lẻ ngay trong gia đình họ hoặc trong cộng đồng nơi họ sống nhưng họ lại ở trong một cộng đồng khác phạm vi cả nước, toàn cầu với một ý thức, niềm tin mạnh mẽ rằng hành động nhỏ của họ không hề đơn độc và không hề vô nghĩa như những người quanh họ nghĩ.
Họ phân loại rác không phải vì tận dụng phế thải để bán mà vì đó là việc nên làm để bảo vệ môi trường. Họ phân loại rác để có thể tận dụng giá trị của rác thải và đưa rác thải nguy hại đến những nơi xử lý chất thải phù hợp, đảm bảo chất thải gây hại đến môi trường ít nhất có thể. Họ chọn những hành động thu gom rác thải trong cộng đồng, bãi biển hoặc bất cứ nơi nào họ đến để hy vọng lan truyền được ý thức bảo vệ môi trường và giúp rác thải được đưa về đúng nơi, đúng chỗ.
Họ tự trang bị cho mình những sản phẩm dùng lâu dài để thay thế những sản phẩm nhựa dùng một lần. Họ không chọn cách tiện lợi trong cuộc sống mà chọn cách phức tạp hơn trong đời sống để đổi lấy việc hạn chế rác thải nhựa ra môi trường. Họ cũng chấp nhận những lời nói, thái độ không mấy ủng hộ của những người xung quanh về sự lựa chọn lối sống của họ.
Họ chọn cách tái chế, xoay vòng sản phẩm để tăng tuổi thọ sản phẩm. Họ hạn chế nhu cầu mua sắm của bản thân để giảm thải rác thải ra môi trường. Họ từ chối thời trang “mì ăn liền” để hạn chế những tác hại đến môi trường mà ngành công nghiệp này mang lại. Họ chọn kinh doanh những mặt hàng là sản phẩm tái chế để thực hành lối sống mà mình lựa chọn cũng là cách gửi thông điệp đến mọi người rằng rác thải có giá trị riêng của nó.
Rồi đây việc dùng túi nylon, những đồ uống, thức ăn mang đi sẽ không còn được đựng trong những sản phẩm nhựa một lần sẽ là điều hết sức bất tiện cho những ai chưa từng nghĩ đến việc chia tay sự thuận tiện này. Những hành vi bỏ tất cả mọi loại rác vào một giỏ cũng sẽ chấm dứt.
Một thời kỳ mới về tái chế sẽ được khởi động. Những bất lợi trong cuộc sống đã thấy rõ nhưng trong đó cũng tiềm tàng và lấp ló những cơ hội để có thêm công việc làm, có thêm những hoạt động khởi nghiệp manh nha.