(Tin Môi Trường) - Bằng chứng chỉ ra nguy cơ tiểm ẩn từ hoạt động buôn bán tê tê không chỉ tồn tại trong các chợ dân sinh tại Trung Quốc. Các tác giả cho rằng buôn bán động vật hoang dã sống làm gia tăng nguy cơ truyền lây vi-rút corona và có khả năng phát tán vi-rút trong chuỗi buôn bán
Một nghiên cứu mới thực hiện bởi các nhà khoa học của Tổ chức Wildlife Conservation Society – WCS đăng tải trên tạp chí Frontiers in Public Health (tạm dịch là: Tiên phong trong Sức khỏe cộng đồng) đã đưa ra kết luận rằng trên các cá thể tê tê tịch thu từ những vụ buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã (ĐVHD) tại Việt Nam có xuất hiện vi-rút corona có mối liên hệ với chủng vi-rút SARS-CoV-2. Trước đó, các cá thể tê tê bị tịch thu tại Trung Quốc cũng đã cho kết quả dương tính với vi-rút corona gần với SARS-CoV-2.
Các tác giả của nghiên cứu nhận định, kết quả thu được là những bằng chứng củng cố cho việc khẳng định buôn bán ĐVHD xuyên quốc gia có thể làm lây lan, phát tán vi-rút corona và các vi-rút khác trong chuỗi buôn bán. Đồng thời, kết quả nghiên cứu còn là minh chứng cho thấy hoạt động phòng ngừa dịch bệnh cũng cần phải tập trung vào các tác nhân gây bệnh có nguồn gốc từ ĐVHD.
Nghiên cứu đã phát hiện ra chủng vi-rút thuộc họ corona, có liên quan tới vi-rút SARS-CoV-2 trên một số cá thể tê tê Java (Manis javanica) tịch thu từ các vụ bắt giữ buôn bán trái pháp luật ĐVHD tại Việt Nam. Kết quả phân tích cho thấy, chủng vi-rút corona phát hiện trên những cá thể tê tê này có mối quan hệ gần gũi với những chủng được tìm thấy trước đây trên các cá thể tê tê bị buôn bán trái phép tại hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, Trung Quốc.
Tác giả chính của nghiên cứu, chị Nguyễn Thị Thanh Nga, Tổ chức WCS, chương trình Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi hiểu rằng các chủng vi-rút giống SARS (SARS-CoV-1 và SARS-CoV-2) có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng cho con người. Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra sự tồn tại của chủng vi-rút corona thuộc nhóm SARS-CoV trên các cá thể tê tê bị buôn bán trái pháp luật tại Việt Nam. Việc ngăn chặn các hoạt động buôn bán trái pháp luật tê tê, các loài thú và chim hoang dã khác sẽ cắt đường lây truyền nguy cơ cao làm phát tán vi-rút và bùng phát dịch bệnh.”
Tất cả tám loài tê tê đều đã được đưa vào Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) từ năm 2017. CITES nghiêm cấm toàn bộ các hành vi buôn bán trao đổi vì mục đích thương mại trên toàn thế giới. Bốn loài tê tê châu Á, bao gồm tê tê Java và tê tê vàng (Manis pentadactyla) đều trong tình trạng Nguy cấp hoặc Cực kỳ Nguy cấp ở mọi vùng phân bố.
Mẫu nghiên cứu được các tác giả thực hiện trên 246 cá thể tê tê thu được từ các vụ bắt giữ tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2018. Các mẫu sinh phẩm thu được từ bảy cá thể tê tê vào năm 2018 cho kết quả dương tính với chủng vi-rút corona có liên quan tới chủng vi-rút SARS-CoV-2.
Bên cạnh việc xét nghiệm vi-rút corona từ mẫu thu thập trên tê tê, nhóm nghiên cứu còn tổng hợp và rà soát các vụ buôn bán trái pháp luật tê tê có liên quan tới Việt Nam từ năm 2016 tới năm 2020 được truyền thông đưa tin. Kết quả cho thấy, hàng loạt các vụ bắt giữ tê tê được lấy mẫu tại Việt Nam đều được buôn bán cùng các loài ĐVHD sống khác như linh trưởng, bò sát và chim. Điều này làm gia tăng mối lo ngại lâu dài về các hoạt động buôn bán ĐVHD sống, tách dời động vật khỏi sinh cảnh sống tự nhiên của chúng, đưa chúng gần lại với môi trường sống của con người và khu vực thành thị đông dân cư mang theo mối lo khôn lường và gia tăng nguy cơ xuất hiện các mầm bệnh mới nổi gây bệnh cho con người.
Nhóm tác giả cũng chỉ ra rằng các khuyến nghị chính sách quốc tế hiện nay chủ yếu tập trung vào các chợ buôn bán ĐVHD, mà không hướng đến cả chuỗi cung ứng ĐVHD, hay nguồn gốc các loài ĐVHD bị buôn bán dù hợp pháp hay bất hợp pháp. Do vậy, nhóm tác giả khuyến nghị sự cần thiết của việc cải cách chính sách về buôn bán ĐVHD để giảm thiểu nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai; đồng thời nhấn mạnh rằng các biện pháp giảm thiểu được đưa ra cần lưu ý hoạt động buôn bán ĐVHD có thể tiềm ẩn các chủng vi-rút mới mà các phương pháp, quy trình sàng lọc hiện tại không thể phát hiện ra.
Trung Quốc đã triển khai các biện pháp truy vết đa ngành mang tính bền vững đối với các vụ buôn bán trái pháp luật ĐVHD và thực hiện cải cách chính sách để hướng đến loại bỏ hoàn toàn các hoạt động gây nuôi, săn bắt, buôn bán và tiêu thụ các loài ĐVHD trên cạn cho nhu cầu làm thực phẩm. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị dừng nhập khẩu ĐVHD vào Việt Nam từ tháng 01 năm 2020 (Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020) như là một biện pháp ứng phó khẩn cấp trước sự bùng phát của vi-rút SARS-CoV-2 tại Trung Quốc và yêu cầu các Bộ, ngành tăng cường thắt chặt các quy định về buôn bán ĐVHD tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 về “một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã”. Trong hai năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã tiến hành sửa đổi một số các nghị định về quản lý sức khỏe động vật, y tế công cộng, an toàn thực phẩm và quản lý động vật hoang dã. Trong đó, Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi và Nghị định 07/2022/NĐ-CP ban hành vào đầu năm 2022 gia tăng mức xử phạt các vi phạm luật và quy định liên quan đến buôn bán ĐVHD.