Ảnh minh họa
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh) đang phát triển loại kính đeo mắt thông minh trang bị camera nhỏ và máy vi tính bỏ túi để giúp cảnh báo những đối tượng phía trước. Cặp mắt kính này giúp người mù điều hướng dễ dàng hơn ở các trung tâm mua sắm, bến tàu xe. Thậm chí họ có thể đọc được số xe buýt cũng như con số hiển thị trên màn hình của máy rút tiền tự động.
Kính có trọng lượng nhẹ, giá thành không đắt và nếu thử nghiệm thành công sẽ được bán trên thị trường vào năm 2014. Hiện đã có 300 ngàn người Anh bị khiếm thị đã đăng ký sử dụng.
Những người cao tuổi bị thoái hóa hoàng thể là đối tượng được hưởng lợi lớn nhất đối với loại kính kỹ thuật cao này. Những nỗ lực trước đây cũng tạo ra được loại kính tương tự nhưng bộ máy vi tính lại quá cồng kềnh. Cặp kính sinh học mới không khác mấy so với kính đeo mắt thông thường và giá sẽ không quá 1.000 bảng Anh.
Tiến sĩ Stephen Hicks, chuyên gia nghiên cứu thần kinh học lâm sàng cho biết đã hoàn thành việc nghiên cứu cơ bản và đang bước vào giai đoạn sản xuất nguyên mẫu loại kính này. Ông dự tính sẽ gắn 2 camera nhỏ ở góc phải trên cùng của mắt kính trong suốt, được hỗ trợ bởi diode phát quang. Camera sẽ ghi nhận thông tin như cách mắt thường nhìn thấy rồi thông qua một sợi cáp để chuyển tín hiệu đến máy vi tính nhỏ bằng chiếc điện thoại di động mang trên người.
Máy tính sẽ xử lý thông tin, đơn giản hóa nó thành mô hình của các dấu chấm, kế tiếp đèn LED trong thấu kính sẽ làm sáng các mô hình đó giúp người dùng cảm nhận được những thông tin quan trọng trước mắt. Một ánh sáng nhấp nháy tương ứng với một người phía trước, nhưng nếu là một khối đặc thì có thể là những đối tượng khác, ví dụ một chiếc cầu thang.
Dự kiến bước phát triển tiếp theo là một cặp tai nghe đi kèm để có thể xử lý các thông tin phức tạp hơn, giúp người khiếm thị dễ dàng khi đi mua sắm. Theo đó camera sẽ đọc số xe, thông tin về hoạt động của một đoàn tàu rồi chuyển thành âm thanh truyền đến tai người dùng.
Theo báo Daily Mail, tiến sĩ Stephen Hicks đã lên kế hoạch để thử nghiệm với 120 người khiếm thị tình nguyện trong vòng 2 năm.