Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Để quốc tế công nhận di sản thiên nhiên, cần làm gì?

(11:00:04 AM 14/03/2022)
(Tin Môi Trường) - Việc các di sản thiên nhiên được quốc tế công nhận đã góp phần quảng bá các di sản, phát triển du lịch; đồng thời thu hút nhiều nguồn lực để bảo vệ và phát huy các di sản này.

* 3 loại hình di sản thiên nhiên

Luật Bảo vệ môi trường xác định 3 loại hình di sản thiên nhiên. Hai loại di sản đã được quốc tế hoặc Việt Nam công nhận gồm: Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan được xác lập theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản; danh lam thắng cảnh được công nhận là di sản văn hóa được xác lập theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; Di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận.
 
Loại thứ 3 là Di sản thiên nhiên khác được xác lập, công nhận theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Để được xác lập, công nhận di sản thiên nhiên, các khu vực này cần có vẻ đẹp nổi bật, độc đáo hoặc hiếm gặp của thiên nhiên; Có giá trị điển hình về quá trình tiến hóa sinh thái, sinh học hoặc nơi cư trú tự nhiên của loài nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu hoặc chứa đựng các hệ sinh thái đặc thù, đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên hoặc có giá trị đa dạng sinh học đặc biệt khác cần bảo tồn; Có đặc điểm nổi bật, độc đáo về địa chất, địa mạo hoặc chứa đựng dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của Trái Đất; Có tầm quan trọng đặc biệt trong việc điều hòa khí hậu, bảo vệ nguồn nước, giữ cân bằng sinh thái, cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên.
 
Để quốc tế công nhận di sản thiên nhiên, cần làm gì?
Di sản thiên nhiên được quốc tế công nhận mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, địa phương
 
* 3 bước để đề cử di sản thiên nhiên
 
Theo Nghị định 08/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, cần thực hiện qua 3 bước để để cử sản thiên nhiên ra hội đồng di sản quốc tế.
 
Bước đầu tiên, Ban quản lý hoặc tổ chức được giao quản lý di sản thiên nhiên lập hồ sơ đề nghị tổ chức quốc tế công nhận danh hiệu quốc tế và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định theo quy định tại Điều này. Việc hướng dẫn kỹ thuật, thẩm định và đề cử công nhận di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận theo quy định của Luật Di sản văn hóa thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
 
Bước hai là tổ chức thẩm định và trình phê duyệt chủ trương đề cử di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận. Hội đồng thẩm định gồm các thành viên là đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, đại diện Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đề cử di sản thiên nhiên, đại diện một số tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học về các lĩnh vực có liên quan.
 
Nội dung thẩm định bao gồm: việc đáp ứng các tiêu chí đối với di sản thiên nhiên đề cử danh hiệu quốc tế; vị trí địa lý, ranh giới và diện tích di sản thiên nhiên, các phân vùng di sản thiên nhiên; mục tiêu quản lý di sản thiên nhiên; nội dung quản lý và kế hoạch bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; mô hình tổ chức quản lý; nguồn lực quản lý và tổ chức thực hiện quản lý di sản thiên nhiên sau khi được công nhận;
 
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn thiện hồ sơ sau họp Hội đồng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đề cử tổ chức quốc tế công nhận danh hiệu quốc tế đối với di sản thiên nhiên.
 
Bước cuối cùng là sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn thiện và gửi hồ sơ đề cử công nhận theo quy định của tổ chức quốc tế.
 
Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật việc đề cử, công nhận danh hiệu quốc tế đối với di sản thiên nhiên của Việt Nam theo quy định của các tổ chức quốc tế; chỉ định đầu mối thông tin, liên lạc với các tổ chức quốc tế để hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật về quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đối với di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận.
 
(Theo Bộ TN&MT)