(Tin Môi Trường) - Huyện đảo Trường Sa có thế mạnh đã được phát huy tốt đem lại hiệu quả to lớn như dịch vụ hậu cần nghề cá. Và cũng có thế mạnh được xác định từ rất sớm như du lịch biển nhưng điều kiện để phát huy chưa thuận lợi
Nuôi cá công nghệ cao ở vùng biển đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa - Ảnh: NHẬT KHÁNH
Ông Lê Đình Hải, chủ tịch UBND huyện Trường Sa (Khánh Hòa), cho biết:
- Huyện đảo Trường Sa có diện tích khoảng 500km2 (gồm thị trấn Trường Sa cùng hai xã Song Tử Tây và Sinh Tồn) là huyện đảo nằm xa đất liền nhất. Huyện có thế mạnh đã được phát huy tốt đem lại hiệu quả to lớn như dịch vụ hậu cần nghề cá. Và cũng có thế mạnh được xác định từ rất sớm như du lịch biển nhưng điều kiện để phát huy chưa thuận lợi.
* Với những gì chúng ta làm được, Trường Sa có thể xem là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển của nước ta chưa?
- Theo tôi, chúng ta đã đầu tư cho dịch vụ hậu cần nghề cá ở Trường Sa tương ứng với quy hoạch phát triển của từng giai đoạn.
Hiện tại các âu tàu có thể tiếp nhận sửa chữa tàu công suất 2.000DWT, đủ sức cho các tàu có trọng tải 1.000 - 2.000 tấn ra vào, neo đậu, tránh bão và thực hiện công tác hậu cần, kỹ thuật.
Trong khi đó, trung tâm dịch vụ hậu cần tại đảo Đá Tây tổ chức được nhiều đội tàu vận chuyển nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, nước ngọt đến các đảo để cung ứng cho ngư dân.
Nhờ thế, việc khai thác nguồn tài nguyên xa bờ tốt hơn, giảm mật độ khai thác gần bờ, tăng sản lượng khai thác hải sản...
Với những hoạt động cung ứng nước ngọt, khám chữa bệnh cho ngư dân, cứu hộ cứu nạn cho tàu thuyền... của quân dân Trường Sa, huyện đảo thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm bám biển...
Có thể nói huyện đảo Trường Sa hiện nay là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển của nước ta.
Và hy vọng rằng, với sự quan tâm của các bộ ngành trung ương và hoạt động hiệu quả của hai đơn vị chủ lực là Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Công ty TNHH MTV dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông (Bộ NN&PTNT), các cơ sở hậu cần nghề cá ở huyện đảo Trường Sa sẽ được tiếp tục hiện đại hóa.
* Cùng với trung tâm hậu cần nghề cá trên biển, chúng ta cần phải làm gì để Trường Sa sớm là trung tâm kinh tế trên biển?
- Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) xác định: "Đẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước...".
Cần phải làm gì để Trường Sa sớm là trung tâm của nhiều ngành nghề khác nữa trên biển (chứ không chỉ là trung tâm hậu cần nghề cá trên biển) là một nhiệm vụ rất lớn của các bộ ngành trung ương, của tỉnh Khánh Hòa...
Có thể nói, Khánh Hòa chưa phát huy thế mạnh tiềm năng của Trường Sa. Hy vọng trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh sẽ nghiên cứu đầu tư nhiều hơn cho huyện đảo, như nuôi trồng hải sản có giá trị kinh tế cao.
Về phía huyện, trước mắt vẫn là tập trung vào các thế mạnh về hậu cần đánh bắt và nuôi trồng hải sản, hậu cần hàng hải, du lịch...
* Huyện đảo làm gì để phát huy thế mạnh du lịch ở Trường Sa?
- Phát triển du lịch cho Trường Sa đã được Tổng cục Du lịch tính đến từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, du lịch Trường Sa cần được coi như một loại hình du lịch đặc thù, một cách thức để người Việt Nam thể hiện lòng yêu nước.
Tour du lịch Trường Sa là hải trình dài, chi phí cao và ở khu vực xa đất liền, các tour cần giải quyết nhiều khó khăn với những điều kiện đặc biệt để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách. Hy vọng rằng khi đủ điều kiện cho phép, các chuyến du lịch ở Trường Sa sẽ được thực hiện.
Về phía huyện đảo, chúng tôi sẽ vận động dân quân toàn huyện xây dựng cảnh quan đẹp, bảo vệ các di tích lịch sử, nhất là nhà tưởng niệm Bác Hồ, công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tượng đài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, 9 ngôi chùa trên huyện đảo...
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ vận hành tốt hoạt động của nhà khách Thủ đô và các nhà khách khác, đồng thời, nuôi trồng và phát triển các sản vật ở Trường Sa.
Trường Sa - huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc giữa Biển Đông - đang được định hướng phát triển thành trung tâm kinh tế trên biển của cả nước.
Xây dựng Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội
Sáng 13-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, nhiệm vụ năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tại khu mộ gió của 64 anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền tại Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao năm 1988, thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: X.T.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh Khánh Hòa có bờ biển dài, có thềm lục địa và vùng lãnh hải rộng lớn với gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.
Cần khẩn trương quy hoạch và thực hiện các quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong, khu đô thị sân bay Cam Lâm...
Đặc biệt, cần quy hoạch xây dựng huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, trên cơ sở luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Thủ tướng định hướng trước hết Trường Sa cần tập trung cho hậu cần nghề cá; ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân trên huyện đảo; củng cố quốc phòng, an ninh trên biển.
TTXVN