Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cùng hành động “Khôi phục các loài động, thực vật hoang dã để phục hồi hệ sinh thái”

(19:32:21 PM 11/03/2022)
(Tin Môi Trường) - Từ ngày 3-6/3/2022, một chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Động, thực vật hoang dã thế giới 2022 với chủ đề “Khôi phục các loài động, thực vật hoang dã để phục hồi hệ sinh thái” được tổ chức tại Quảng Nam, Quảng Trị, Lâm Đồng và Vườn quốc gia Cát Tiên.

Sự kiện này được thực hiện với sự hỗ trợ từ Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (thuộc Ban quản lý các dự án lâm nghiệp- Bộ NN và PTNT) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) cùng các đối tác tại địa phương.  
 
 Cùng hành động “Khôi phục các loài động, thực vật hoang dã để phục hồi hệ sinh thái”
Đại diện Bộ NN&PTPN, WWF-Việt Nam, UBND TP. Tam Kỳ và cộng đồng ký cam kết bảo vệ động vật hoang dã. 
 
Trong khuôn khổ các hoạt động của sự kiện các chủ nhà hàng và doanh nghiệp tại Quảng Nam, Lâm Đồng đã tham gia lễ ký kết bảo vệ động vật hoang dã. Các đoàn diễu hành xe đạp cũng được tổ chức tại thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng) và Vườn quốc gia Cát Tiên nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng và lan tỏa các thông điệp để bảo vệ đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, Dự án cũng tổ chức tọa đàm trên truyền hình và phát động cuộc thi ảnh về động vật hoang dã trong năm 2022, nhằm tăng cường sự cam kết của các ban, ngành và sự tham gia của người dân trong việc bảo vệ động, thực vật hoang dã, và chấm dứt  tiêu thụ trái phép sản phẩm từ động vật hoang dã, đặc biệt là thịt thú rừng và chim hoang dã.  
 
Các sự kiện đã thu hút trên 600 người tham gia các sự kiện trực tiếp, gồm các cơ quan chính quyền địa phương, khối doanh nghiệp tư nhân, nhà hàng, cộng đồng người dân ở Quảng Trị, Quảng Nam, Lâm Đồng và các khu vực xung quanh Vườn quốc gia Cát Tiên và hàng nghìn người tiếp cận từ các hoạt động truyền thông trên các nền tảng đa phương tiện. 
 
Việt Nam được coi là một trong những quốc gia đa dạng sinh học nhất thế giới, nhưng trong nhiều thập kỷ trước, việc khai thác gỗ, săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép; chuyển đổi nông nghiệp đã dẫn đến những thiệt hại đáng kể về rừng tự nhiên và động vật hoang dã (ĐVHD). Đặc biệt, các loài ĐVHD trong nước đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, săn bắt và khai thác quá mức. Trong đó săn, bắt, buôn bán và tiêu thụ trái phép có thể được coi là những nguyên nhân chính dẫn đến việc giảm đáng kể số lượng động vật hoang dã. 
 
" Chúng tôi kêu gọi các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng cùng lên tiếng và hành động chấm dứt tình trạng săn, bắt,buôn bán và tiêu thụ trái phép các sản phẩm từ các loài hoang dã, thay đổi các quan niệm xã hội về tiêu dùng thịt thú rừng, hướng tới xây dựng lối sống hài hòa với tự nhiên, bảo vệ các loài hoang dã và đa dạng sinh học trong toàn xã hội’’, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, WWF-Việt Nam chia sẻ.  
 
‘’Với sự hỗ trợ của USAID, thông qua Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, WWF-Việt Nam cùng với các đối tác đã và đang đồng hành triển khai các chương trình, sáng kiến về bảo tồn đa dạng sinh học, bao gồm hoàn thiện khung chính sách và thực thi chính sách liên quan, phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ở các vùng đệm của các vườn quốc gia và khu bảo tồn, cũng như tăng cường truyền thông thay đổi hành vi’’, ông Hùng cho biết. 
 
‘’Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học do USAID tài trợ là một trong những chương trình dự án quan trọng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Dự kiến trong Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, Dự án sẽ phối hợp với các tỉnh tham gia dự án để nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học tại 700.000 ha rừng. Hưởng ứng Ngày Động, thực vật hoang dã thế giới, chúng tôi cũng cam kết tăng cường sự phối hợp với WWF-Việt Nam và các cơ quan liên quan, đồng thời kêu gọi cộng đồng cùng chung tay trong các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam’’, ông Vũ Văn Hưng, Giám đốc Dự án VFBC, Phó trưởng ban Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết. 
PHƯƠNG KHANH