Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

WWF, HSBC và WRI đánh dấu mối quan hệ hợp tác đột phá nhằm thúc đẩy các giải pháp khí hậu mang tầm ảnh hưởng toàn cầu

(11:28:41 AM 11/03/2022)
(Tin Môi Trường) - Dự án “Chuyển dịch Năng lượng hướng tới mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C: Thúc đẩy chuyển dịch khu vực châu Á” vừa được ra mắt ngày hôm nay tại thành phố Tây Ninh.

WWF, HSBC và WRI đánh dấu mối quan hệ hợp tác đột phá nhằm thúc đẩy các giải pháp khí hậu mang tầm ảnh hưởng toàn cầu
Đại điện Sở Công thương tỉnh Tây Ninh, WWF-Việt Nam, HSBC Việt Nam, VCCI, WRI- Credit: © WWF-Việt Nam
 
Trong năm năm sắp tới, dự án sẽ hợp tác cùng các đơn vị tiên phong ở cấp doanh nghiệp, cấp ngành và chính quyền địa phương để thúc đẩy việc áp dụng và nhân rộng các giải pháp Năng lượng Tái tạo (NLTT) và sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả tại Tây Ninh. Dự án do Ngân hàng HSBC tài trợ và triển khai bởi WWF-Việt Nam và Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) thông qua Chương trình Thúc đẩy Đầu tư Năng lượng Sạch (CEIA) cùng với sự hợp tác của Sở Công thương tỉnh Tây Ninh và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI).
 
Tây Ninh hiện là điểm sáng cho đầu tư nước ngoài với tốc độ tăng trưởng thường niên 7,2%, cao hơn so với những tỉnh thành khác trong nước. Tỉnh có tổng cộng 19 khu công nghiệp và cụm công nghiệp, trong đó dệt may là một trong những ngành chính yếu. Theo dữ liệu từ Niên giám ngành Dệt may Việt Nam 2020, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thu hút được nguồn vốn FDI lớn nhất cả nước cho ngành Dệt May với 48 dự án, tổng đầu tư FDI lên đến 1.272 triệu đô la Mỹ. Trong bối cảnh ngành dệt may đặt ra mục tiêu khí hậu ngày một tham vọng hơn đối với các chuỗi cung ứng trên toàn cầu, dự án sẽ hỗ trợ ngành đạt được những mục tiêu này.
 
Thêm vào đó, Tây Ninh cũng có tiềm năng lớn trong phát triển năng lượng mặt trời với số giờ nắng trung bình mỗi năm lên đến 2.400 giờ, thu hút được nhiều quan tâm đầu tư cho các dự án điện mặt trời. Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh, hiện nay có 9 trang trại điện mặt trời đang hoạt động.
 
Với những lợi thế cũng như quyết tâm của chính quyền địa phương, Tây Ninh có thể trở thành tỉnh tiên phong trong việc chuyển dịch ngành công nghiệp theo hướng xanh và sạch, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Trong bốn năm tới, dự án sẽ chủ yếu làm việc với các công ty Dệt May tại Tây Ninh để xác định những vấn đề và thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt trong việc sử dụng NLTT; áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; và phát triển các dự án có thể vay vốn của ngân hàng với ít nhất 2 doanh nghiệp dệt may lớn hoặc khu công nghiệp áp dụng các giải pháp về năng lượng trên.  Dự án cũng sẽ hỗ trợ Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh triển khai các kế hoạch thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và NLTT cho doanh nghiệp. Một số hoạt động chính khác của dự án bao gồm nâng cao năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả  và NLTT, xây dựng lộ trình năng lượng bền vững cùng chính quyền địa phương, sách hướng dẫn và công cụ cho các đơn vị sử dụng năng lượng cho mục đích Thương mại và Công nghiệp, và đặc biệt là gia tăng tỷ trọng NLTT của tỉnh.
 
Dự án là một phần của Hợp tác Thúc đẩy các Giải pháp Khí hậu (Climate Solutions Partnership), một quan hệ hợp tác năm năm nhằm kết hợp chuyên môn tài chính của HSBC với kiến thức và kinh nghiệm của WRI, WWF và mạng lưới các đối tác địa phương nhằm nhân rộng các dự án mang tính đổi mới về khí hậu, các giải pháp dựa vào thiên nhiên và thúc đẩy quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo tại châu Á.
 
Việt Nam là một trong 5 nước mục tiêu của Hợp tác thúc đẩy các giải pháp khí hậu, bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh - một hợp tác nhằm thúc đẩy tiến trình hướng tới các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và năng lượng tái tạo. Theo đó, mối quan hệ hợp tác này đặt mục tiêu thúc đẩy chuyển dịch sang nền kinh tế đạt mức phát thải ròng bằng không, bằng cách tạo thêm nhiều cơ hội để các giải pháp khí hậu trở nên khả thi về mặt thương mại, cũng như bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học. Dự án cũng sẽ làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, cơ quan chính phủ địa phương và đơn vị nghiên cứu để tháo gỡ những rào cản trong việc cấp vốn thương mại  cho các giải pháp khí hậu sáng tạo.
 
Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, chia sẻ: “Một sự thật không thể thay đổi được là chúng ta không còn đường lui trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không trên toàn thế giới, mỗi tổ chức và mỗi cá nhân đều có một vai trò quan trọng nhất định. Là một ngân hàng, tác động lớn nhất chúng tôi có thể tạo ra là giúp khách hàng chuyển đổi nhằm giảm lượng phát thải các-bon thông qua cung cấp nguồn tài chính hỗ trợ đầu tư cần thiết. Nhằm hỗ trợ các mục tiêu khí hậu cũng như cam kết  chuyển đổi thành nền kinh tế đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam tại hội nghị COP26, chúng tôi cam kết thu xếp nguồn vốn lên tới 12 tỷ USD tài trợ trực tiếp và gián tiếp cho các dự án bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp tại Việt Nam cho đến năm 2030”. 
 
Ông Tim Evans nhấn mạnh thêm rằng: “Chúng tôi cũng nỗ lực thể hiện vai trò tiên phong bằng cách tự đặt mục tiêu cho bản thân phải đạt được mức phát thải ròng bằng không trong chính hoạt động của chúng tôi vào năm 2030 hoặc sớm hơn. Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng không trên toàn thế giới, chúng tôi cũng thúc đẩy sự phát triển của những giải pháp khí hậu như là công nghệ sạch, cơ sở hạ tầng bền vững và những giải pháp dựa vào thiên nhiên. Đó là lý do thúc đẩy chúng tôi đồng hành cùng WRI và WWF trong khuôn khổ hợp tác tài trợ nhằm giúp hiện thực hóa các giải pháp khí hậu và tạo ra những tác động thực tiễn cho thế giới”.
 
Ông Văn Ngọc Thịnh, Trưởng Đại diện, WWF-Việt Nam, chia sẻ “Biến đổi khí hậu là cuộc khủng hoảng toàn cầu, ảnh hưởng tới mọi quốc gia. Phớt lờ nó và không hành động tức thì sẽ đặt tất cả chúng ta vào một tương lai bất ổn. WWF-Việt Nam vui mừng hợp tác cùng HSBC và WRI/CEIA để hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa Đóng góp do Quốc gia tự Quyết định (NDC) và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không. Chúng ta chỉ có thể đạt được những mục tiêu này khi phát thải khí nhà kính, đặc biệt là từ ngành năng lượng, được cắt giảm đáng kể, thông qua các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và năng lượng tái tạo”.
 
Hôm nay, hội thảo khởi động dự án đã được tổ chức tại thành phố Tây Ninh, với sự tham gia của các bên liên quan cũng như các nhóm mục tiêu của dự án bao gồm chính quyền địa phương (Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, Sở Công thương, v.v.), các khu công nghiệp, doanh nghiệp và các nhãn hàng quốc tế hoạt động tại địa phương.
LÊ PHƯƠNG KHANH