(Tin Môi Trường) - Ngày 04/10/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đưa ngành công nghiệp nuôi biển của nước ta đạt ở trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại.
Nuôi trồng thủy hải sản theo hướng công nghiệp trở thành lĩnh vực quan trọng, theo kế hoạch đề ra, ngành này sẽ có đóng góp trên 25% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD. Phải có cơ sở thì Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045 mới đặt ra những mục tiêu tham vọng như vậy. Bởi hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã làm chủ được công nghệ và đang có hướng đầu tư vào nuôi biển, ngư dân của chúng ta cũng đã ứng dụng tốt kỹ thuật nuôi trồng thủy hải sản.
Có thể nói rằng, việc Chính phủ phê duyệt Đề án trên đã tiếp thêm nguồn động lực để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển. Tuy nhiên, có động lực thôi chưa đủ, điều mong mỏi nhất mà các doanh nghiệp cũng như tổ chức, cá nhân cần nhất hiện nay đó chính là cơ chế chính sách hoàn chỉnh, đảm bảo cho họ yên tâm đầu tư bền vững vào nuôi biển và khai thác những tiềm năng mà đại dương mang lại.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Nhựa Super Trường Phát đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đang có nhiều dự định vươn ra biển lớn nhưng bị vướng nhiều bất cập trong cơ chế chính sách và pháp lý chia sẻ về vấn đề này, Sau đây là nội dung cuộc trò chuyện:
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Nhựa Super Trường Phát
-Là doanh nghiệp đang có nhiều kế hoạch đầu tư lớn ở các tỉnh thành có biển, cụ thể vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ngoài biển (nuôi biển), xây dựng các mô hình nuôi sinh thái kết hợp du lịch và cung cấp những giải pháp bền vững cho người nuôi bằng vật liệu HDPE - công nghệ an toàn cho người dân, môi trường biển. Vậy trong chặng đường vươn ra biển lớn hiện nay, Super Trường Phát đã gặp phải những vướng mắc gì thưa bà?
-Bà Nguyễn Thị Hải Bình: Dịch bệnh covid-19 kéo dài, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu đầu vào, đẩy giá nguyên vật liệu lên cao nhưng thời gian qua chúng tôi vẫn luôn giữ bình ổn để hỗ trợ cộng đồng ngư dân nuôi biển, đưa ra những phân khúc khách hàng cụ thể để cung cấp và có giá thành ưu đãi nhất, thậm chí có những địa phương chúng tôi phải làm phi lợi nhuận vì cộng đồng ngư dân nuôi biển hiện nay rất khó khăn về tài chính.
Bên cạnh đó công tác tập huấn, đào tạo, truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân nuôi biển còn nhiều hạn chế nên việc nhận biết về lợi ích, trách nhiệm trong chuyển đổi cơ sở hạ tầng vùng nuôi bằng vật liệu nhựa HDPE thay thế cơ sở hạ tầng truyền thống như gỗ, tre, nứa, thùng phuy, phao xốp còn rất chậm,… sẽ làm môi trường biển ngày càng có nguy cơ ô nhiễm nặng. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nói chung và kế hoạch đề ra trong Ðề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nói riêng.
Không chỉ có công đồng mà trong pháp lý, doanh nghiệp chúng tôi đang gặp phải một số bất cập, Nghị định, Nghị quyết ban hành chưa đi được sâu sát vào đời sống, phù hợp với thực tế từng địa phương có biển. Cụ thể như: Nghị định số 11 về việc giao mặt biển cho các tổ chức và cá nhân vẫn còn nhiều bất cập, điều này khiến cho việc quy hoạch biển tại các địa phương đôi lúc chưa được rõ ràng, dẫn đến các cơ sở NTTS chưa dám mạnh tay trong đầu tư, các doanh nghiệp dấn thân như Super Trường Phát cần rất nhiều thời gian để đi được tới bước triển khai.
Bên cạnh đó, việc chưa có quy hoạch biển rõ ràng, những Nghị định, Nghị quyết thúc đẩy lĩnh vực nuôi biển như Nghị định số 98 hay Nghị quyết số 194 đã và đang gặp rất nhiều khó khăn để triển khai xây dựng các chuỗi liên kết nông nghiệp, mang lại sự hỗ trợ cho các bên tham gia.
-Bà đang nhắc nhiều đến Nghị định số 11/2021/NĐ-CP Quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Bà nhận thấy nút thắt nào đang làm khó cho doanh nghiệp? Bà nghĩ sao nếu các nhà quản lý chậm sửa đổi?
Bà Nguyễn Thị Hải Bình:Nghị định số 11 chưa nêu rõ được vùng biển nào sẽ giao cho doanh nghiệp, và sẽ được quản lý như thế nào. Bên cạnh đó, cũng chưa đưa ra được cơ chế, chính sách rõ ràng rằng khi bàn giao, khu vực biển sẽ thuộc quản lý của Sở TN&MT hay Sở NN&PTNT.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch biển đang thuộc quản lý của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) nhưng đơn vị cấp phép bàn giao mặt biển lại là Bộ TN&MT, việc này gây nên sự chồng chéo trong việc giao mặt biển cho cá nhân, tổ chức.
Bên cạnh đó, hiện nay ranh giới hành chính trên biển giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển chưa được xác định, do vậy đã nảy sinh các tranh chấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo.
Song song với đó có sự bất cập trong một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc giao khu vực biển; Còn thiếu các quy định kỹ thuật chuyên ngành làm cơ sở xác định diện tích công trình trên biển khi giao khu vực biển của các dự án trên biển.
Đây là các lý do chính khiến việc bàn giao và cho thuê vùng biển bị chậm, gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp muốn đầu tư tại các địa phương có tiềm năng về phát triển nuôi biển nói riêng và kinh tế biển nói chung. Và đây cũng là lý do nhiều doanh nghiệp khác không kiên nhẫn để dấn thân vào công cuộc phát triển kinh tế biển của đất nước.
-Vậy để nhanh chóng được xem xét, sửa đổi, bổ sung, Bà có mong muốn, đề xuất gì?
-Bà Nguyễn Thị Hải Bình: Dấn thân vào lĩnh vực này dù còn rất mới mẻ, rất nhiều việc doanh nghiệp chúng tôi phải tìm hiểu, phải thử nghiệm, đôi khi chấp nhận cả thất bại. Dẫu biết rằng sẽ còn nhiều chông gai phía trước, nhưng nếu được sự ủng hộ của các cơ quan quản lý và cộng đồng địa phương, doanh nghiệp chúng tôi sẽ quyết tâm dấn thân và ra biển để làm nên những điều kỳ diệu cho các địa phương có biển ở nước ta.
Hiện nay, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ của nhiều cấp quản lý địa phương, Hiệp hội và các doanh nghiệp liên kết liên doanh, và một số tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam. Quan điểm của chúng tôi là muốn đi xa, bền vững thì phải đi cùng nhau, chúng tôi mong muốn:
Chính phủ ban hành văn bản bổ sung, xử lý các bất cập của Nghị định số 11 tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư dự án trên biển.
Tổng cục thủy sản: Nhanh chóng triển khai để Tiêu chuẩn Việt Nam cho vật liệu nuôi trồng thủy sảnt ra đời và đi vào áp dụng. Super Trường Phát sẵn sàng luôn đồng hành, đi cùng trong công tác này để trợ giúp.
Với lãnh đạo các địa phương: Cần có sự nắm bắt khó khăn của ngư dân, đưa ra các gói hỗ trợ tài chính và chế tài cho vật liệu nuôi trồng thủy sản trên biển sai nguyên tắc.
Tạo hành lang pháp lý thông thoáng và điều kiện cho doanh nghiệp chung tay, đầu tư tại địa phương.
Chúng tôi đang rất mong muốn nhận được sự đồng hành từ các tổ chức phí chính phủ như: MCD, WWF trong công tác tuyên truyền, đào tạo và hiện thực hóa việc xanh hóa đại dương, bảo vệ môi trường biển, sinh kế cộng đồng người nuôi biển trước biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Thiết nghĩ, để một đề án hay một nghị định được ban hành là điều không dễ dàng đối với các nhà quản lý. Nhưng để nó được triển khai vào cuộc sống mà bị hạn chế bởi không gắn với thực tế triển khai và thiếu vắng sự sát sao kiểm chứng của các Bộ, ngành, địa phương thì không quá khi nói rằng, những chính sách vẫn chỉ dừng lại ở hô hào, khẩu hiệu mà thôi và doanh nghiệp chúng tôi sẽ nản và bỏ cuộc.
-Trân trọng cảm ơn bà./.