(Tin Môi Trường) - Giao thừa. Bạn gọi nói sao tự nhiên nhớ quay quắt chiều 30 Tết của ngày xưa cũ quá.
Đó là thuở hai thằng ngồi sau nhà cạnh bờ sông chờ nước lớn, cả hai nhảy ùm xuống dòng sông xanh mát đó, vui đùa thỏa thích, lội đua qua sông và dĩ nhiên không quên bẻ trộm vài nhánh mai như chiến lợi phẩm cho cuộc hành trình.
Trên đường về, cả hai lúc nào cũng dừng lại ở giữa sông, ngắm nhìn những bếp nhà tỏa khói trong nắng chiều xuân, trên sàn nước mọi người ai cũng tất bật cho những mâm cỗ tết, dù bận rộn nhưng chẳng ai phiền lòng, bởi tết là phải vui.
Năm nay đúng năm năm như bạn nói: “Chỉ cách một màn hình, mà muôn trùng chia xa”.
Đáng lẽ tết này bạn sẽ về nhưng đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi thứ, cuộc đoàn viên của chúng tôi vì lẽ đó lại chưa thành.
Trong câu chuyện chúng tôi lại nhắc đến từng người quen, những người bình thường như mọi người, nhưng vĩnh viễn đó là dàn diễn viên xuất chúng trong thước phim ngắn hồi tưởng của chúng tôi mỗi khi tết về. Tất cả những người ấy giờ đây đã bỏ chúng tôi đi về nơi rất xa, về lại nơi cuối trời hết rồi.
“Đoạn này mày làm tao cay mắt quá”, tôi nói như trách bạn.
Nó làm tôi nhớ đến mẹ, người lúc nào cũng quẩn quanh trong gian bếp nhà, chuẩn bị những bữa cơm. Lẽ dĩ nhiên, dịp tết thì mẹ không thể nào cho mình rảnh được nhưng đó là hạnh phúc của mẹ, thứ hạnh phúc mà mãi về sau này khi lập gia đình tôi mới hiểu trọn vẹn được. Đời sống thật vô thường, những dịp nhìn lại thấy ít nhiều những mất mát, chúng ta không bao giờ được báo trước một mùa héo úa đang đến gần, những gì còn lại là khói bếp nhẹ bay trong sương chiều 30 Tết năm ấy mà chúng tôi được đắm mình trong đó.
Những cái tết êm đềm đó dần xa khi chúng tôi khôn lớn, phải đi xa để theo đuổi ước mơ của riêng mình và để mưu sinh. Những cái tết qua, tôi và bạn chưa gặp lại nhau, khi thì tôi ở phương trời tây để theo đuổi việc học, bạn ở Việt Nam và giờ đây thì ngược lại.
Chúng tôi không thể ngờ rằng buổi chia tay ở phi trường Tân Sơn Nhất năm năm trước đã bắt đầu một mùa chia ly không hạn định. Bạn nói trong những ngày tết về, bạn phải kéo rèm cửa lại, mở nhạc xuân hay đại loại là những gì liên quan đến tết quê nhà để lòng mình không bị đánh gục bởi khung trời im vắng, lạnh câm đến tàn nhẫn ngoài kia.
Những đứa trẻ chơi đùa trong vườn mai - ảnh: PHAN QUỐC CƯỜNG
Tôi gửi bạn bức ảnh lúc con và mấy đứa cháu tôi đang chơi đùa trong vườn mai trước nhà vào một bữa trưa trời hanh hanh nắng.
“Tao nhớ cây mai của ông nội mày quá”, bạn nói như mếu.
Hồi nhỏ năm nào bạn cũng “hái lộc” cây mai ông tôi vào đêm 30 Tết, sáng hôm sau thì kiểu gì bạn cũng đem khoe với tôi để lấy le và bao giờ cũng hỏi: “Mày thấy mai của tao đẹp không?”
Những nghịch phá thời thơ dại đó giờ đây như cơn mưa nặng hạt qua vùng đất tâm hồn đang ngày càng bị sa mạc hóa của chúng tôi.
Bạn nói sao không ra chụp ảnh con sông sau nhà hay làm một video bơi qua sông như hồi xưa mà chúng tôi đã từng. Con sông mà bạn nói giờ đây đã rất già, già đến tội nghiệp, đã cạn trơ đáy như thể phơi bày hết thảy lòng mình trước những đổi thay không thể cưỡng.
Tôi cũng không còn trẻ, dĩ nhiên không đến nỗi như con sông kia nhưng làm sao có được hành trình như trước đây, kiếm đâu ra dàn diễn viên lẫy lừng để đứng ở gian bếp nhà tỏa khói xa trong nắng chiều 30 Tết. Buổi nắng đó cùng dàn diễn viên đã theo nhau vĩnh viễn đi về một bờ khác, không về lại nơi này nữa.
Đôi lúc tôi ước gì có thể quay lại buổi nắng này mỗi khi tôi cần để gặp lại những diễn viên không thể thay thế ấy, để được chìm đắm trong thứ nắng đó, để tận hưởng hết mùa vui vàng son ấy, để không phải có những giọt lệ chảy thầm tiếc nuối vào những đêm khuya vắng khi mùa héo úa về phủ bóng.
Con sông nay đã rất già... - ảnh: PHAN QUỐC CƯỜNG
Đời sống, những xót xa, mất mát nào rồi cũng qua đi. Tết mang mùa vui về như thiên sứ ngàn đời nay vẫn vậy. Bạn và tôi chúc nhau sức khỏe, bình an cho năm mới đến, điều cần thiết nhất trong lúc này, đó thực sự là lời nguyện cầu mà cả hai dành cho nhau trong năm mới đến. Chúng tôi hẹn trùng phùng vào năm sau, khi cơn hoạn nạn Covid-19 lùi xa, để an yên quay về lại với mọi người, để những âu lo, chia lìa khuất bóng, để tết thực sự là tết, là mùa của hạnh phúc lan tỏa, của người yêu thương người, của đoàn viên và sum họp.