Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Sở dĩ hai con kênh này có tên như vậy là do trước đây năm nào cũng có người bị sét đánh. Nếu không đánh trúng người thì cũng đánh cây cối gãy ngang. Riết rồi hai con kênh đó chết danh luôn.
Chết danh kênh “Trời đánh”
Theo quốc lộ 62 chúng tôi đến cầu 79 rồi rẽ sang trái gặp kênh Tân Thiết ở huyện Mộc Hóa. Tuy nhiên có điều lạ là phần lớn người dân ở đây không biết kênh này có tên Tân Thiết, họ chỉ biết cái tên kênh “Trời đánh”. Chúng tôi liên hệ tìm nhiều chủ đò để thuê đưa đi thực tế dọc tuyến kênh này nhưng ai cũng từ chối vì... buổi chiều hay mưa, mà có mưa là có sét đánh rất nguy hiểm. Thế là chúng tôi phải chạy xe máy men theo đường mòn để đi đến cuối con kênh.
Ông Lê Minh Xem ở ngay đầu kênh “Trời đánh” thuộc ấp 5, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa. Ông kể vào năm 1956 chính quyền Ngô Đình Diệm cho đào kênh, một nhà thầu ở tỉnh An Giang đưa hàng chục nhân công đến đào. Ngay trong ngày đầu tiên, trời mưa to, sét đánh trúng một nhóm công nhân, một trong số đó bị chết cháy rất thảm thương. Sau đó mọi người để ý thấy rằng ở vùng này mưa thường to và sét đánh rất dữ dội nên đã đặt tên cho con kênh này là kênh “Trời đánh”.
Ông Nguyễn Kỉnh, 78 tuổi, ở kênh “Trời đánh” từ năm 1979 đến nay. Ông đã chứng kiến khá nhiều trường hợp bị sét đánh chết ngay trên kênh này như ông Hai Tàu Lặn, ông Tính ở TPHCM di dân về.
Tương tự, tại kênh 9 xã Long Thành, huyện Thủ Thừa cũng có nhiều người bị sét đánh chết nên cũng bị chết danh là kênh “Trời đánh”. Ông Nguyễn Văn Thố, 76 tuổi, là một trong những người đầu tiên vào khai phá vùng đất này, kể: “Ngày 27/4/1993, mọi người đến đây lập nghiệp thi nhau dựng nhà dọc theo kênh này. Khoảng 16 giờ, trời đổ mưa và sét đã đánh trúng nhà một người vừa đến. Người này té từ trên võng xuống đất và được đưa đi cấp cứu...”.
Người né được thì “trời” đánh vật nuôi
Ông Nguyễn Bá Dũng ở cặp kênh “Trời đánh” huyện Mộc Hóa vẫn còn ám ảnh lần bị sét đánh hụt. Ông kể: “Có lần làm ngoài ruộng thấy trời chuyển mưa nhưng tôi chủ quan cố gắng làm thêm chút nữa. Nhưng khi bắt đầu mưa thì sấm sét ầm ầm. Sợ quá, tôi quăng cuốc, nón chạy vào nhà. Sét đánh xẹt lửa ngay phía sau lưng tôi”. Mới đây sét đánh trúng cây tràm cổ thụ cạnh nhà ông bị gãy ngang. Ông bảo may là sét đánh trúng cây chứ nếu trúng nhà thì coi như hết cửa sống rồi.
Kể từ sau mấy vụ sét đánh chết người, người dân của vùng kênh “Trời đánh” rút kinh nghiệm không bao giờ ra ngoài khi trời đang mưa, nhất là đầu mùa mưa. Ông Dũng nói: “Chúng tôi đang làm đồng mà thấy trời chuyển mưa là quăng cả cuốc, xẻng, dao những vật dụng sắt thép, chạy bán sống bán chết vào nhà. Mọi người trong nhà phải tắt điện thoại, tivi, radio và không ai dám lại gần máng xối để hứng nước mưa uống. Khi đi bằng xuồng, ghe mà thấy mưa cũng phải dừng lại và tìm nhà dân nghỉ đợi mưa hết mới đi tiếp. Nếu không thì chết như chơi”.
Theo bà Nguyễn Thị Tám, gần đây sét thường đánh trúng cây, trúng con vật nuôi. Tuy nhiên ai cũng ngại nói chuyện này vì sợ thiên hạ đàm tiếu, thêu dệt thêm càng làm cho những người sống cặp theo kênh “Trời đánh” bị mang tiếng oan. Những nhà nào có cây trồng, con vật bị sét đánh thì họ lặng lẽ đốn bỏ, tiêu hủy cho mất dấu. Đó cũng là cách để họ thích nghi với cuộc sống bị ảnh hưởng nhiều về lời đồn đại.
Người sống gần kênh bị kỳ thị
Anh Nguyễn Hòa, người gốc Quảng Bình theo cha mẹ làm kinh tế mới đến kênh Tân Thiết từ năm 1976. Mặc dù không quan tâm tới cái tên con kênh, nhưng khi sống ở đây vài năm thì gia đình anh cảm thấy giống như bị kỳ thị. Anh kể: “Lúc còn đi học phổ thông, bạn bè cứ trêu chọc kêu tôi là dân “trời đánh, thánh đâm”. Khi ra đường gặp bọn trẻ xóm bên thì chúng không gọi tôi bằng tên mà nói là thằng “trời đánh”, rồi kêu bạn bè đừng chơi với tôi”.
Cũng vì sợ mang tiếng nên người dân địa phương không đến ở hai bên con kênh này, chỉ có người dân các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp bám trụ lại. Anh N.V.T kể: “Phần lớn con trai ở đây sang các xã lân cận tìm vợ đều bị từ chối vì không ai dám lấy chồng ở kênh “Trời đánh”. Phải kiên trì thuyết phục suốt 3-4 năm trời tôi mới cưới được vợ sau khi bên vợ hết ác cảm cái tên này”.
Vì lịch sự nên bây giờ người dân ở Mộc Hóa, Thủ Thừa rất hạn chế dùng từ “Trời đánh” khi nói chuyện với nhau vì sợ đụng chạm. Mặc dù vậy đôi khi vẫn xảy ra mâu thuẫn gay gắt cũng vì chuyện hỏi quê quán. Ông Trương Văn Điệu ở Thủ Thừa kể: “Khi có việc đi thăm bà con ở huyện khác, họ hỏi tui ở đâu, tui trả lời là ở kênh 9. Họ cắc cớ hỏi kênh 9 là ở đâu, tui bực quá trả lời thẳng là kênh Trời đánh. Lúc đó họ mới gật gù và… im re lảng qua chuyện khác”.
Vì sao hai vùng kênh này bị “trời” đánh mãi?
Chúng tôi đã đặt vấn đề tại sao ở khu vực hai con kênh này thường bị sét đánh với tiến sĩ Lê Ngọc Thanh, viện trưởng Viện địa lý tài nguyên TPHCM. Ông cho biết khả năng có quặng sắt ở khu vực Đồng Tháp Mười như Long An rất ít. Sét đánh nhiều và tập trung vì những vùng này có chất dẫn điện, những chất dẫn điện đó là phèn sắt và vùng trũng nước nhiều. Chất sắt trong phèn dẫn điện cao hơn nên xác suất thu hút sét đánh vào sẽ nhiều hơn.
Còn thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết sét đánh từ trên trời xuống hình rễ cây nên sẽ không hạn chế ở bất cứ chỗ nào. Để hạn chế thiệt hại do sét đánh, khi thấy mưa, dông, người dân phải nhanh chóng tìm nơi trú ẩn. Đa số trường hợp bị sét đánh là ở trên đồng có mang vật dụng bằng sắt, đi chân không trong môi trường nước có dẫn điện mạnh… Không được trú mưa dông trong chòi giữa đồng hay đứng bên dưới những tán cây cao vì đây là nơi có thể thu hút sét. Nên trú mưa ở những căn chòi có thiết kế chống sét và ở gần những cây cao vì sét sẽ đánh vào cây, người trong chòi sẽ an toàn. |