(Tin Môi Trường) - Phối hợp vận hành các hồ chứa có thể là chìa khóa giảm bớt những tác động tồi tệ nhất do hạn hán trên sông Mê Kông
Trong báo cáo mới nhất, Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông (MRC) cho biết liên tiếp từ năm 2019 đến 2021, các dòng chảy chính của con sông này đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 60 năm qua. Trong đó, 2020 là năm khô hạn nhất của lưu vực hạ lưu sông Mê Kông khi lượng mưa mỗi tháng đều dưới mức bình thường, trừ tháng 10.
Nguyên nhân của tình trạng trên do nhiều yếu tố kết hợp tạo thành, bao gồm số hồ chứa, đập tăng lên, tình hình khí hậu tệ đi và lượng mưa thấp bất thường.
Được công bố ngày 13-1, báo cáo mang tên "Dòng chảy thấp và tình trạng khô hạn của sông Mê Kông giai đoạn 2019-2021" nhấn mạnh kể từ năm 2015, chế độ thủy văn đã thay đổi, với dòng chảy mùa khô nhiều hơn và dòng chảy mùa mưa giảm do số lượng hồ chứa trong lưu vực tăng lên. Thông thường, mùa gió mùa tạo ra đỉnh lũ duy nhất nhưng việc tích nước vào mùa mưa đã khiến tất cả đợt lũ quan trọng trên sông Mê Kông bị "trễ hẹn".
Hệ quả là không chỉ giao thông đường thủy và hệ sinh thái sông bị ảnh hưởng mà đời sống của hàng chục triệu người ven sông cũng bấp bênh.
"Những yếu tố kể trên kết hợp với nhau có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng thủy sản và nông nghiệp, gây áp lực lên sinh kế của người dân ở đồng bằng sông Cửu Long…" - TS An Pich Hatda, Giám đốc điều hành Ban Thư ký MRC, nhận định.
Một nhóm thuyền của ngư dân đậu trên sông Mê Kông đoạn qua thủ đô Phnom Penh - Campuchia. Ảnh: REUTERS
Theo TS Hatda, 6 nước dọc sông Mê Kông gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam có thể hợp tác thực hiện ngay một số biện pháp để giảm thiểu khủng hoảng, bao gồm thiết lập cơ chế thông báo chung về những dao động bất thường của mực nước và trong tương lai nghiên cứu khả năng phối hợp quản lý vận hành các hồ chứa và đập thủy điện.
Ngoài ra, các nước cũng cần xem xét các phương án xây dựng thêm hồ chứa để điều tiết những tình huống hạn hán và lũ lụt khẩn cấp, cũng như một mô hình vận hành đối với toàn bộ lưu vực sông Mê Kông. Theo báo cáo trên, hiện có ít nhất 13 đập nằm dọc chiều dài 4.350 km của sông Mê Kông và 11 trong số đó nằm ở Trung Quốc.
Báo cáo dài 100 trang cũng chỉ ra việc xây các hồ chứa ở lưu vực thượng nguồn sông Mê Kông không phải là nguyên nhân chính dẫn đến mực nước ở hạ lưu xuống thấp, thay vào đó "thủ phạm" là sự kết hợp giữa tình hình khí hậu xấu đi và lượng mưa thấp bất thường.
Việc phối hợp vận hành các hồ chứa có thể là chìa khóa để giảm bớt những tác động tồi tệ nhất trong các năm hạn hán, chẳng hạn khoảng thời gian 2019-2021 và Ban Thư ký MRC đang làm việc với các nước ven sông Mê Kông để hỗ trợ sáng kiến này.
Việc các nước dọc sông Mê Kông cần nhanh chóng và tích cực hợp tác ứng phó với tình trạng thiếu hụt nguồn nước càng có cơ sở khi biết rằng 2021 là năm nóng hàng đầu trên trái đất từ cuối những năm 1800 tới nay - hãng tin AP cho biết.
Theo công bố hôm 13-1 của 6 tổ chức, năm 2021 nóng vào khoảng từ vị trí thứ 5 đến thứ 7, trong đó 2 cơ quan của Mỹ là Cơ quan Hàng không vũ trụ (NASA) và Cục Đại dương và khí quyển (NOAA) cùng xếp năm 2021 ở vị trí nóng thứ 6 và không kém hơn 2 năm siêu nóng 2016 và 2020 bao nhiêu.
Ngoài NASA, NOAA, hãng tin AP còn tham khảo tính toán của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, Trường ĐH Alabama (Mỹ)… Đáng lo ngại là các nhà khoa học đồng thuận rằng tình trạng nóng lên là xu hướng dài hạn và ngày càng tăng lên, cụ thể 8 năm gần đây nhất cũng là 8 năm nóng kỷ lục.