Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cây ngũ quả bon sai, ép chữ nổi giá chục triệu vẫn đắt hàng

(10:53:13 AM 14/01/2022)
(Tin Môi Trường) - Ông Lê Đức Giáp (H.Thanh Oai, Hà Nội) có trên 100 cây ngũ quả bon sai, ép chữ nổi, giá bán mỗi cây thấp nhất 2 triệu đồng, cây đẹp giá hơn 10 triệu đồng, đến nay đã bán được hơn 70 cây.

Khách "chốt" cây qua Zalo

 
Vườn cây ngũ quả của ông Lê Đức Giáp ở thôn Bãi (xã Cao Viên, H.Thanh Oai, Hà Nội) vốn là địa chỉ quen thuộc của nhiều người mê chơi cây ngũ quả mỗi dịp tết đến xuân về.
 
Cây ngũ quả bon sai, ép chữ nổi giá chục triệu vẫn đắt hàng
Ông Lê Đức Giáp giới thiệu về ý nghĩa của cây ngũ quả bon sai dáng bạt phong - ảnh: PHAN HẬU
 
Trong giới làm cây cảnh tết ở Hà Nội, ông Giáp nổi tiếng là người nắm giữ và thành công với kỹ thuật ghép được nhiều loại quả trên cùng một cây. Quả được ghép gồm: bưởi, cam, quất, quýt, phật thủ, là những loại quả quen thuộc trên mâm ngũ quả ngày tết. Ở mỗi loại, ông Giáp lại chọn thêm nhiều giống khác nhau cho ra những màu sắc rực rỡ, đẹp mắt.
 
Năm nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Khách về vườn xem cây không còn tấp nập như những năm trước. Điện thoại ông Giáp đổ chuông liên tục vì khách ở xa gọi điện nhờ chụp ảnh, quay video mẫu cây gửi họ xem qua Zalo.
 
Cây ngũ quả bon sai, ép chữ nổi giá chục triệu vẫn đắt hàng
Một cây ngũ quả bon sai được ông Giáp đặt tên là Tình phụ tử, được khách đặt mua với giá 8 triệu đồng - ảnh: PHAN HẬU
 
Ông Giáp cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng từ đầu năm đến cuối năm khiến ông rất lo lắng, không biết cây làm ra có bán được hay không. Đắn đo suy nghĩ mãi, ông Giáp quyết định đầu tư tiền và công sức làm hơn 100 cây, chỉ bằng một nửa so với những năm trước.
 
“Ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, tôi đã sử dụng Zalo đăng ảnh cây. Nhiều khách quen chơi cây ngũ quả chỉ xem trên Zalo đã chốt mua cây luôn mà không cần đến vườn xem như trước đây”, ông Giáp nói.
 
Cây ngũ quả bon sai, ép chữ nổi giá chục triệu vẫn đắt hàng
Dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng vườn cây ngũ bon sai bán rất đắt hàng. Những chậu cây được khách đặt mua được dán băng dính, bọc quả chống rụng chờ vận chuyển đi các tỉnh cho khách hàng.- ảnh: PHAN HẬU
 
Năm nay, vườn nhà ông Giáp có khoảng hơn 100 cây ngũ quả nhưng hiện đã có trên 70 cây được bán. Giá cây thấp nhất là 2 triệu đồng, dòng phổ thông từ 5 - 8 triệu đồng, cây to và đẹp giá hơn 10 triệu đồng và có nhiều khách đặt mua.
 
Độc, lạ cây ngũ quả bon sai, ép chữ nổi
 
Theo ông Giáp, nhiều năm làm cây ngũ quả, vườn đã có lượng khách hàng quen khá lớn ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… Trong đó, nhiều khách đã mua từ 5 - 7 năm nay. Nhiều khách chỉ chơi một mẫu cây, sau tết họ gửi xe đưa về vườn nhờ ông chăm sóc, đến tết lại lấy về bày tiếp.
 
Để tạo ra điểm mới cho từng năm, ông Giáp phải mày mò, sáng tạo thiết kế, tạo hình cây cho lạ mắt, độc đáo. Năm nay, ông làm cây theo phong cách tạo hình bon sai, nghệ thuật. Mỗi cây được tạo dáng theo một thông điệp riêng để giới thiệu cho khách hàng.
 
Cây ngũ quả bon sai, ép chữ nổi giá chục triệu vẫn đắt hàng
Trên cây ngũ quả năm nay, ông Giáp đều ép bưởi hình thỏi vàng hoặc hình hồ lô có chữ nổi sắc nét- ảnh: PHAN HẬU
 
“Cây thì theo dáng thuyền buồm biểu trưng cho mong ước năm mới thuận buồm xuôi gió, cây thì tạo dáng bạt phong phù hợp với người năm qua trải qua sóng gió, khó khăn nhưng vẫn kiên trì, trụ vững. Có cây lại thích hợp làm theo chủ đề như tình phụ tử, dáng mẹ lưng cõng con… Mỗi cây đều có vẻ đẹp, ý nghĩa riêng”, ông Giáp giải thích.
 
Cây ngũ quả bon sai, ép chữ nổi giá chục triệu vẫn đắt hàng
Ông Giáp dành nhiều tâm huyết, sáng tạo cho loạt cây ngũ ngủ bon sai, ép chữ nổi đưa ra thị trường tết năm nay - ảnh: PHAN HẬU
 
Một điểm mới ấn tượng của dòng cây ngũ quả năm nay là ông Giáp chủ động in tạo hình quả bưởi hình hồ lô hoặc ép thỏi vàng. Trên mỗi quả này, ông Giáp đều cho ép khuôn tạo các chữ tài, lộc, thọ… Theo ông Giáp, kỹ thuật này không quá phức tạp vì đều có khuôn hỗ trợ. Nhưng để cho chữ nổi sắc nét, nổi bật thì phải canh thời điểm quả lớn vừa tới để lồng khuôn. Bên ngoài mỗi khung ép, ông Giáp quét thêm một lớp sơn màu đen.
 
“Chính lớp sơn này sẽ cản trở ánh nắng mặt trời chiếu vào chữ nổi nên khi bỏ khuôn ra thì chữ sẽ có màu sắc nổi bật, đẹp và ấn tượng hơn”, ông Giáp giải thích.
TN